Làm Buồn Lòng Thánh Linh?

Một câu Kinh Thánh quen thuộc nhưng rất thường bị giải thích sai. Trường Thần Học không dạy điều này nhưng thường được lồng trong những bài giảng và được nhiều người chấp nhận. Sự hiểu và ứng dụng sai lầm này sẽ ảnh hưởng đến đời sống tâm linh như thế nào? Có phù hợp với những chân lý căn bản khác trong Kinh Thánh Không? Chúng ta hãy cùng nhau nghiên cứu.

Câu Kinh Thánh Với Giáo Lý Đó Tìm Được Ở Đâu?

Câu Kinh thánh này ở đâu, nếu quả thực có một câu như vậy: "Đức Thánh Linh sẽ lìa bỏ ngươi nếu làm Ngài buồn lòng," hoặc "Ngươi sẽ mất sự sống đời đời nếu làm buồn lòng Thánh Linh." Hay một điều nào đó tương tự. Nếu chúng ta không tìm được câu Kinh Thánh nào dạy thần học này thì sao? Thực ra không có câu Kinh thánh nào mang ý nghĩa đó, thế nhưng rất nhiều người tin rằng đó là một lẽ đạo căn bản có ảnh hưởng sâu đậm trên đời sống phần nhiều tín hữu. Vì thế họ luôn lo lắng trong mối liên hệ với Chúa, vì không một ai trong vòng họ thoát khỏi sự làm buồn lòng Thánh Linh.

Ephesians 4:30 - Ý Nghĩa Chân Thực?

Quả thực trong Kinh Thánh có một câu với cụm từ “chớ làm buồn cho Đức Thánh Linh” - Ê-phê-sô 4:30

30Anh em chớ làm buồn cho Ðức Thánh Linh của Ðức Chúa Trời, vì nhờ Ngài anh em được ấn chứng đến ngày cứu chuộc. (Ephesians 4:30)

Câu này hiển nhiên khuyên chúng ta đừng làm buồn lòng Thánh Linh, nhưng chúng ta không thể nào từ đó suy diễn ra rằng nếu quả thực chúng ta làm buồn lòng Ngài, thì sẽ mất sự sống đời đời hoặc sẽ bị Đức Thánh Linh lìa bỏ.

Ngược lại, câu trên cho thấy Đức Thánh Linh được ban cho chúng ta làm ấn chứng vĩnh viễn cho ngày cứu chuộc.

Chúng ta có thể diễn ý như sau để thấy ý nghĩa rõ ràng hơn:

Vì Chúa đã ban cho các ngươi ấn chứng quý giá của Thánh Linh để bảo đảm các ngươi được nhập cành nước Trời, do đó đừng làm buồn lòng Ngài.

Chúng ta hãy kiểm tra điểm thần học này với những chân lý nền tảng khác để xem nó có đứng vững trước thử nghiệm của Thánh Kinh Chú Giải -một cách học một đoạn Kinh Thánh trong bối cảnh bao trùm đoạn đó.

  • Thật không khó khăn gì để chứng tỏ rằng câu này không nói rằng làm buồn lòng Thánh Linh sẽ mất sự sống đời đời
  • Tiến xa thêm một bước nữa, tội thực sự không được tha thứ là tội “nói phạm,” có ý nghĩa bóp méo hay xuyên tạc Đức Thánh Linh.

Làm Buồn Lòng Thánh Linh KHÔNG Phải Là Một Tội Không Tha Thứ Được

Trước hết chúng ta hãy định nghĩa điều gì làm buồn lòng Thánh Linh. Chúng ta không cần phải tìm đâu xa để biết điều gì làm buồn lòng Ngài. Hai câu tiếp theo cho chúng ta dấu hiệu rõ ràng những điều đó là gì:

31 Phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác. 32 Hãy ở với nhau cách nhơn từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Ðức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Ðấng Christ vậy. (Ephesians 4:31-32)

Đây là những sự vấp phạm chúng ta vướng vào hằng ngày trong cuộc sống. Tội lỗi chẳng phải đơn giản chỉ là những điều xấu chúng ta làm, nhưng cả những điều lành chúng ta không làm. Chúa Giê-su cho chúng ta biết rõ hơn tội là gì: tội ngoại tình bắt nguồn từ trong tư tưởng chứ không cần phải thực sự diễn ra trong thể chất (Matthew 5:28); tội sát nhân bắt nguồn từ khi chúng ta mang lòng oán hận người nào đó (1 John 3:15). Thế còn những điều chúng ta cần làm mà không làm? Đã bao lần chúng ta bỏ bê không giúp một người nào đang có nhu cầu? Tôi còn nhớ hội thánh chúng ta từ chối một kẻ vô gia cư xin được ở trong thánh đường. Chúng ta có tìm mọi cơ hội để làm người Sa-ma-ri nhân lành?

James 2:10 viết “Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều răn, thì cũng đáng tội như đã phạm hết thảy.” Vậy ai trong vòng chúng ta tránh khỏi phạm toàn bộ luật pháp? Ai trong vòng chúng ta chẳng từng phạm tội, dù chỉ là một tội nhỏ bé nhất? Chẳng phải vì thế mỗi người trong chúng ta đều phạm tội làm buồn lòng Thánh Linh mãi sao?

Lại nếu sự làm buồn lòng Thánh Linh dẫn đến sự hư mất, ai trong chúng ta sẽ được cứu? Và nếu điều này là chân thực, thì phải chăng Chúa Giê-su đã chết cách vô ích, vì mọi người đều phải vào hỏa ngục đời đời? Không, Chúa Giê-su đã không chết cách vô ích, vì sự tin rằng làm buồn Thánh Linh là tội không thể tha thứ được là một giáo điều sai lạc.

Thực ra chúng ta không cần phải tốn nhiều hơi sức để chứng tỏ sự ngụy biện của tín lý đó. Đó là tại chúng ta chỉ đọc một câu ngắn “làm buồn Thánh Linh” và giả sử ngay rằng đó là một tội không được thứ tha; và rồi giả sử sai lầm đó biến thành một chân lý sống động từ thuở ban đầu của đạo Chúa. Và chẳng ai dám đặt câu hỏi về sự nó có thực là một chân lý hay không.

Tội THỰC SỰ Không Được Thứ Tha

31 Ấy vậy, ta phán cùng các ngươi, các tội lỗi và lời phạm thượng của người ta đều sẽ được tha; song lời phạm thượng đến Ðức Thánh Linh thì sẽ chẳng được tha đâu. 32 Nếu ai nói phạm đến Con người, thì sẽ được tha; song nếu ai nói phạm đến Ðức Thánh Linh, thì dầu đời nầy hay đời sau cũng sẽ chẳng được tha. (Matthew 12:31-32 - NET Bible)

Nếu làm buồn Thánh Linh là một tội không thể được tha thứ, thì MỌI TỘI đều không được tha thứ, vì MỌI TỘI đều làm buồn Thánh Linh. Nhưng theo Matthew 12:31-32, mọi tội đều được tha chỉ ngoại trừ một tội. Bạn nghĩ tội này là tội gì? Giết người? Tà dâm? Ngoại tình trong tư tưởng? Giận quá mặt trời lặn? Không giữ ngày Chúa Nhật? Tham lam? Không, không một tội nào trong những tội đó, vì chính Chúa Giê-su nói mọi tội đều được thứ tha, chỉ ngoại trừ một tội. Nhận biết tội này là tội gì là một điều tối quan trọng liên hệ đến sự sống đời đời.

Đây là một đoạn trích ra từ HELPS Word-studies: Blasphemy (988 /blasphēmía) “đổi” phải thành trái (trái thành phải), chẳng hạn như: gọi điều Chúa cấm là điều “phải” và vì thế “đã đổi lẽ thật Ðức Chúa Trời lấy sự dối trá” (Romans 1:25) (source: Strong’s Greek: 988. βλασφημία (blasphémia) – slander)

Chúng ta phải ghi nhận rằng chính tội xuyên tạc tự nó không phải là không tha thứ được -đọc lại câu 31 ở trên, nhưng xuyên tạc Đức Thánh Linh mới là tội đáng sợ. Bản dịch NIV dùng từ “slander” nghĩa là xuyên tạc thì sát nghĩa hơn từ “phạm” dịch trong tiếng Việt. Chữ phạm trong tiếng Việt có thể là phạm thượng, hỗn láo, dùng ngôn từ không lễ độ, v.v. Bản HELPS Word-studies cho chúng ta rõ ý nghĩa hơn, gần với từ “xuyên tạc,” bóp méo mục tiêu và phận sự của Đức Thánh Linh trong chương trình cứu rỗi.

Vì quả thật nếu “phạm” là phạm thượng hay thiếu lễ độ, thì làm buồn lòng Đức Thánh Linh nhưng không ảnh hưởng đến ai khác ngoại trừ chính người đó, nhưng nếu “phạm” là xuyên tạc thì có thể gây tổn hại đến đức tin của người khác. Đó chắc chắn là lý do tội đó không tha thứ được.

Mục Đích Chính Của Đức Thánh Linh Là Gì Khi Ngài Đến?

7 Dầu vậy, ta nói thật cùng các ngươi: Ta đi là ích lợi cho các ngươi; vì nếu ta không đi, Ðấng Yên ủi sẽ không đến cùng các ngươi đâu; song nếu ta đi, thì ta sẽ sai Ngài đến. 8 Khi Ngài đến thì sẽ khiến thế gian tự cáo về tội lỗi, về sự công bình và về sự phán xét. 9 Về tội lỗi, vì họ không tin ta; 10 về sự công bình, vì ta đi đến cùng Cha và các ngươi chẳng thấy ta nữa; 11 về sự phán xét, vì vua chúa thế gian nầy đã bị đoán xét. (John 16:8-11)

Trong câu 7 ở trên, Đấng Yên Ủi chính là Thánh Linh. Chúa Giê-su giải thich nhiệm vụ của Ngài khi Ngài đến, rằng Ngài sẽ thực hiện 3 điều, và mỗi điều cho chúng ta dấu hiệu để thấy những hành động nào đối chọi với công việc của Ngài mà bị coi là tội không tha thứ được.

Về Vấn Đề Tội Lỗi

Thế gian sai lầm như thế nào về vấn đề tội lỗi? Quí vị đương đầu với vấn đề tội lỗi như thế nào? Nói một cách tổng quát, Cơ-đốc Nhân cũng như người không tin Chúa, nỗ lực của chúng ta là cố gắng đừng phạm tội, đừng làm điều mình không nên làm, và làm điều mình nên làm. Khi thất bại, chúng ta trả giá bằng một sự hi sinh nào đó, xưng tội, dâng hiến, tỏ vẻ ăn năn, v.v. Nhưng Chúa Giê-su nói đây không phải là cách đương đầu với tội lỗi, vì đó là một vòng tròn luẩn quẩn của những thất bại và ăn năn để rồi lại tái diễn như bao lần đã qua.

Chúa Giê-su chỉ cho chúng ta thấy một trong những công việc chính của Thánh Linh là tỏ cho nhân loại thấy tội lỗi thực sự là gì: là tội không tin nơi Chúa Giê-su.

Tại sao đây lại là ý nghĩa thực của tội lỗi? Vì không những nhân loại không thể ngừng phạm tội, họ không thể thoát khỏi được địa vị tội nhân. Ví bằng chúng ta có làm cách nào đó để không phạm vào những tội nhân loại thường phạm, chúng ta vẫn là tội nhân, nhưng nếu chúng ta tin lời Chúa Giê-su phán về công việc của Thánh Linh mà tin vào Ngài, thì tội lỗi không còn làm chủ chúng ta nữa.

Chúng ta hãy ôn lại [John 3:16]: “Hầu cho hễ ai TIN Con ấy sẽ không bị hư mất …” Chúa đã không nói rằng: hầu cho hễ ai không phạm tội nữa, hoặc hầu cho hễ ai không làm buồn Thánh Linh nữa, v.v., nhưng Ngài phán: hầu cho hễ ai TIN Con ấy. Đây là chỗ thế gian sai lầm về vấn đề tội lỗi. Đây là chỗ nhiều tín hữu sai lầm về vấn đề tội lỗi.

Luận Về Sự Công Bình

Kinh Thánh định nghĩa tội lỗi là một tình trạng thiếu sự công bình của Đức Chúa Trời. Tất cả chúng ta đều cần sự công bình đó để được phục hồi mối liên hệ với Đức Chúa Trời.

Chúa Giê-su cho thấy mục tiêu thứ hai của Đức Thánh Linh là sửa đổi một quan niệm sai lầm về sự giảng hòa với Đức Chúa Trời: Chúng ta được làm hòa với Ngài vì Chúa Giê-su đã đến bên hữu Đức Chúa Cha với tư cách là Trạng Sư biện hộ cho chúng ta rằng mọi món nợ đã được hoàn trả. Đức Chúa Con liên hệ với Cha thể nào thì chúng ta cũng được liên hệ với Ngài thể ấy -vì chúng ta hiện ở trong Ngài.

Thế gian, và một phần lớn trong vòng những người tin Chúa, đã sai lầm như thế nào về sự công bình? Đối với thế gian, chúng ta thấy một cách dễ dàng nền tảng của đức tin họ đặt trên việc làm của xác thịt. Thuyết luân hồi hỗ trợ ý niệm về sự công bình đến bởi việc làm.

Trong đạo Chúa, thật khó khăn hơn nhiều để nhận diện và tẩy trừ men của người Pha-ri-si khỏi việc làm đến bởi đức tin chính ra thực thanh khiết. Sứ đồ Phao-lô đã viết những thư quan trọng để chuyển hướng của các tín hữu khỏi ý niệm rằng họ có thể đạt được sự công bình của Đức Chúa Trời qua việc làm của xác thịt. Chúng ta có thể thấy sự thể hiện của men này trong nhiều tôn giáo đặt nền tảng trên Kinh Thánh mà họ thảy đều tuyên xưng thập giá của Đấng Christ là phương cách cứu rỗi của nhân loại, nhưng việc làm đến bởi đức tin của họ thì hoàn toàn trái ngược. Đây là lý do tại sao nhiều tín hữu có thể đọc thuộc lòng bài tín điều các sứ đồ, nhưng khi được hỏi về địa vị của họ trong Chúa bất cứ lúc nào, họ thảy đều bày tỏ sự bất an vì sâu trong đáy lòng họ vẫn tìm cách đạt được sự công bình của Chúa qua việc làm -như trong bối cảnh của bài viết này, họ vẫn linh cảm thấy những điều họ làm Chúa buồn hàng ngày là điều cản ngăn họ vào nước Trời.

Luận Về Sự Phán Xét

Toàn thể nhân loại đợi ngày phán xét khi họ phải đối diện với Đấng Tạo Hóa. Đây là lý do tại sao chúng ta đến chân thập tự hầu có thể đứng trong ngày đó không dưới địa vị tội nhân, nhưng là con cái Đức Chúa Trời vì Ngài đã ban cho chúng ta một lối thoát qua Con Một của Ngài làm giá chuộc cho tội lỗi chúng ta.

Chúa Giê-su cho thấy mục tiêu thứ ba của Đức Thánh Linh là cho chúng ta biết sự phán xét là dành cho “vua chúa của thế gian,” và dĩ nhiên là cho những kẻ thuộc về vua chúa đó. Còn chúng ta biết chắc rằng minh thuộc về Đấng Christ, do đó chúng ta sẽ chẳng còn ở dưới sự đoán xét.

Đây là điểm nhiều người sai lầm về sự phán xét. Chúng ta có dám tin rằng sự phán xét không còn hiệu lực trên những kẻ ở trong Đấng Christ bất kể họ có bất toàn đến đâu chăng nữa? Tôi quả quyết rằng đại đa số các tín hữu và những người có trọng trách rao truyền lời Chúa dạy, và được dạy, rằng có một sự phán xét cho mọi người bất kẻ mối liên hệ của họ với Đấng Christ. Nhưng tôi tin rằng nếu có một sự phán xét cho con cái Chúa, thì tiêu chuẩn không đặt trên việc làm, nhưng trên sự tinh sạch của đức tin mà đức tin đó chính là công việc thực của Đức Chúa Trời (John 6:29).

1 Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Ðức Chúa Jêsus Christ; 2 vì luật pháp của Thánh Linh sự sống đã nhờ Ðức Chúa Jêsus Christ buông tha tôi khỏi luật pháp của sự tội và sự chết. 3 Vì điều chi luật pháp không làm nổi, tại xác thịt làm cho luật pháp ra yếu đuối, thì Ðức Chúa Trời đã làm rồi: Ngài đã vì cớ tội lỗi sai chính Con mình lấy xác thịt giống như xác thịt tội lỗi chúng ta, và đã đoán phạt tội lỗi trong xác thịt, 4 hầu cho sự công bình mà luật pháp buộc phải làm được trọn trong chúng ta, là kẻ chẳng noi theo xác thịt, nhưng noi theo Thánh Linh. (Romans 8:1-4)

Kết Luận

Mục đích của Đức Thánh Linh khi Ngài đến -Ngài đã đến rồi trong lòng những kẻ thuộc về Đấng Christ- là để bảo đảm chúng ta nhận biết:

  • Tội lỗi là: vì chẳng tin nơi Chúa Giê-su
  • Sự công bình thuộc về chúng ta vì Chúa Giê-su đang biện hộ cho chúng ta bên hữu Đức Chúa Trời
  • Sự phán xét không dành cho những kẻ tin, nhưng dành cho vua chúa thế gian và những kẻ thuộc về nó

Những kẻ nói phạm, hoặc xuyên tạc, Đức Thánh Linh là những kẻ bóp méo mục đích chính của Đức Thánh Linh, hoặc làm suy giảm sự hữu hiệu của sứ điệp Ngài. Đó là những người phạm tội không thể thứ tha được.

Tín lý rằng sự làm buồn lòng Thánh Linh là tội đánh mất sự cứu rỗi không có trong Thánh Kinh, và đi ngược lại tất cả các chân lý nền tảng rải rác trong Kinh Thánh. Như chúng ta đã thảo luận trước đây, nếu sự làm buồn lòng Chúa quả thực dẫn đến sự hư mất đời đời, thì chẳng ai được cứu.

Những người giữ niềm tin đó rất có thể vẫn còn sống dưới luật pháp, mà Galatians 5:4 viết rằng kẻ cậy luật pháp thì sẽ trật phần ân điển:

Anh em thảy đều muốn cậy luật pháp cho được xưng công bình, thì đã lìa khỏi Ðấng Christ, mất ân điển rồi.

Do đó nói một cách hợp lý, những kẻ sống dưới luật pháp sẽ phạm luật pháp không ngừng, vì khi còn sống trong xác thịt thì thế nào cũng có lúc phạm luật, và dựa vào James 2:10 thì người đó sẽ là một người phạm luật thường xuyên, và là một người thường làm buồn lòng Thánh Linh.

Thật là một mối liên hệ đáng sợ với Đức Chúa Trời!

Sống dưới ân điển là cách duy nhất để bảo đảm sự cứu rỗi, và bước đi cho đến ngày vào nước Chúa. Đó là cách duy nhất để sống của con cái Chúa. Nếu còn suy nghĩ rằng có một điều gì đó có thể khiến thập giá của Chúa mất hiệu lực, là còn sống trong sự vô tín.

17 Lại phán: Ta sẽ chẳng còn nhớ đến tội lỗi gian ác của chúng nó nữa. 18 Bởi hễ có sự tha thứ thì không cần dâng của lễ vì tội lỗi nữa. (Hebrews 10:17-18)

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: and