Sự Tái Sinh

Bạn có lẽ đã từng nghe danh hiệu về người tín hữu được tái sinh, nhưng sự tái sinh thực sự mang ý nghĩa gì?

Ni-cô-đem

Trong sách phúc-âm Giăng, chương 3, có chép về một người tên là Ni-cô-đem, là một ra-bi ở cấp cao hơn các ra-bi, là người dạy luật pháp Đức Chúa Trời cho cả Ích-ra-ên. Trong suốt cuộc sống, ông đã thường được sự kính trọng của người Ích-ra-ên, nhưng có một điều gì đó gặm nhấm trong tâm tư ông kể từ khi ông khởi sự quyết tâm giữ trọn luật pháp Đức Chúa Trời. Trí nhớ siêu việt đã giúp ông học và nhớ những điều ông đã học hỏi, và ông đã trở nên bậc vĩ nhân trong vòng những người cùng thời với ông. Nhưng ông cảm thấy mọi nỗ lực để đạt được sự toàn vẹn vẫn còn thiếu sót, những thành tích của ông có thể che mắt những kẻ đồng thời nhưng chẳng giấu được con mắt của lương tâm, chúng có thể khiến nhiều người khâm phục nhưng chẳng đủ để ông vào được nước Trời.

1 Trong vòng người Pha-ri-si, có người tên là Ni-cô-đem, là một người trong những kẻ cai trị dân Giu-đa. 2 Ban đêm, người nầy đến cùng Ðức Chúa Jêsus mà nói rằng: Thưa thầy, chúng tôi biết thầy là giáo sư từ Ðức Chúa Trời đến; vì những phép lạ thầy đã làm đó, nếu Ðức Chúa Trời chẳng ở cùng, thì không ai làm được. (John 3:1-2)

Từng được thấy Chúa Giê-su làm nhiều phép lạ chưa hề có tự cổ chí kim, và đã từng nghe Ngài tranh luận với các thầy thông giáo cũng như dạy dỗ cho đoàn dân với những lời đầy quyền năng, ông cảm thấy trào dâng trong lòng một niềm hy vọng. Ông tự hỏi phải chăng đây chính là Đấng Mê-si mà dân mình đang ngóng đợi?

Sự tái sinh

3Ðức Chúa Jêsus cất tiếng đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Ðức Chúa Trời. 4Ni-cô-đem thưa rằng: Người đã già thì sanh lại làm sao được? Có thể nào trở vào lòng mẹ và sanh lần thứ hai sao? (John 3:3-4)

Nhưng nhân vật Giê-su này đã tuyên bố một điều khiến ông vô cùng bối rối.

Theo truyền thống Do-thái giáo của ông, Ni-cô-đem đã từng trải qua nhiều lần “tái sinh,” một lần khi ông đến tuổi trưởng thành và được dự lễ Bar Mitzvah, một lần khi ông lấy vợ, một lần khi ông tốt nghiệp trường dạy ra-bi, và lần cuối cùng khi ông thành khoa trưởng trường dạy các ra-bi. Không còn cơ hội “tái sinh” nào nữa cho Ni-cô-đem để ông tiến tới một địa vị cao hơn. Thế mà Chúa Giê-su bảo rằng nếu ông không sinh lại thì không được thấy nước Trời. Chắc ông đã nói cách mỉa mai khi ông nói với Chúa Giê-su chỉ còn cách trở vào lòng mẹ để làm lại cuộc đời.

Theo lối suy nghĩ của người Do-thái, mỗi lần có một sự biến chuyển mới từ một địa vị trong cuộc sống đến một địa vị khác, như những từng trải của Ni-cô-đem, đó là một lần được “tái sinh.” Điều này không khác gì sự suy nghĩ của nhiều tín hữu khi họ nói về sự tái sinh: khi trước thường làm những việc gì đó, nhưng bây giờ thì làm những việc khác. Khi trước thường theo đuổi những lạc thú trong những ngày cuối tuần, nay thì để thì giờ học lời Chúa, thông công với các tín hữu và thờ phượng Chúa. Và những thay đổi tích cực khác để làm bằng chứng về sự được tái sinh.

Nhưng theo Chúa Giê-su, đây không phải là phương cách để vào nước Trời cho cả người Do-thái lẫn người ngoại.

Sinh từ thiên thượng

5Ðức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Ðức Chúa Trời. … 7 Chớ lấy làm lạ về điều ta đã nói với ngươi: Các ngươi phải sanh lại. (John 4:5,7)

Câu trả lời là KHÔNG. Sự tái sinh này đến từ nơi cao, bởi Thánh Linh. Chính người nhận được sự tái sinh từ Chúa cũng không hiểu tận tường điều đó xảy ra như thế nào. Đây chính là sự khác biệt đối với từng trải của người Do-thái hoặc cái nhìn phổ thông của các tín hữu. Đó chắc phải là lý do tại sao khi được hỏi trong lớp Trường Chúa Nhật về ý nghĩa của sự tái sinh, đa số các câu trả lời đều nói về sự đòi hỏi phải có một sự thay đổi tích cực trong việc làm hoặc nếp sống.

Ít nhất, theo từng trải của Ni-cô-đem, các sự sinh lại của ông được định nghĩa rõ ràng và công nhận bởi hầu hết người Ích-ra-ên. Ngược lại, người tín hữu theo Chúa không thể một cách xác định chỉ về một điều nào đó là bằng chứng của sự tái sinh của họ, và vì thế họ cứ theo đuổi sự tái sinh đó cho đến khi bỏ cuộc vì nghĩ rằng sự tái sinh chỉ là một ý niệm thần học để người giảng người nghe mà chẳng để lại kết quả vững bền.

Xác thịt vs. Thánh Linh

6 Hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt; hễ chi sanh bởi Thánh Linh là thần. … 8 Gió muốn thổi đâu thì thổi, ngươi nghe tiếng động; nhưng chẳng biết gió đến từ đâu và cũng không biết đi đâu. Hễ người nào sanh bởi Thánh Linh thì cũng như vậy. (John 4:6,8)

Điều gì sinh ra bởi xác thịt? Đó là mọi điều đến từ loài người, bất kể cao đẹp hoặc thiêng liêng như thế nào, là những điều đến từ xác thịt. Nhưng sự kiêu ngạo thuộc linh thì hấp dẫn chẳng khác gì trái cấm trong vườn địa đàng mà con người thế nào cũng sẽ tìm cách để mặc lấy như chiếc áo của sự công bình của chính mình, áo đan bằng lá cây vả khi xưa, mà A-đam và Ê-va đã mặc. Họ sẽ luôn tìm cách nâng cao chính mình với những lời nghe có vẻ thiêng liêng, thái độ đáng kính, mà chính Chúa Giê-su đã chẳng dùng dù Ngài là Đức Chúa Trời và có đặc quyền để cư xử như vậy mà chẳng sợ mang tiếng đạo đức giả.

Một công tác vĩ đại có thể được kể là cao đẹp trong mắt của những kẻ ngang hàng với mình, nhưng cũng chỉ là điều đến từ xác thịt, chứ chẳng phải đến từ thiên thượng, vì thế chỉ là vô ích trong việc đem tác nhân của nó đến trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời.

Hơn nữa, công việc của Chúa để tái sinh một người từ trên cao là một huyện nhiệm đối với cả chính người được nhận lãnh, chẳng khác gì lá bay trong gió mà chúng chỉ nhận sự đưa đẩy của một sức mạnh từ bên ngoài. Và vì thế “Hễ người nào sanh bởi Thánh Linh thì cũng như vậy.”

Sống bởi đức tin

Mặc dù Chúa quả thực có thể sắm sẵn từ trước muôn đời những việc của nước Trời cho những kẻ được Ngài gọi (Ephesians 2:10), Ngài chỉ dành những việc đó cho những người đã nhận được sự tái sinh, vì chẳng việc lành nào sẽ có bao giờ là duyên cớ, hoặc điều kiện, của sự sinh lại thuộc linh.

Tuy nhiên có một việc lành, chỉ một việc duy nhất bởi Con Một của Đức Chúa Trời, có đủ quyền năng và được Ngài chấp nhận để bắc nhịp cầu giữa trời và đất, giữa tội nhân và Đấng Chí Thánh, để đem đứa con hoang đàng về với cha, hầu ban cho chúng ta sự tái sinh là điều kiện tuyệt đối để vào được nước Trời. Mọi việc làm đề xướng bởi bất cứ ai hoặc bất cứ hệ thống tín ngưỡng nào đều là đối nghịch với sự Chúa đã làm trọn trên thập tự giá.

Tóm lại, phương tiện duy nhất mà qua đó chúng ta được hưởng sự tái sinh thuộc linh là:

Ðức Chúa Jêsus đáp rằng: Các ngươi tin Ðấng mà Ðức Chúa Trời đã sai đến, ấy đó là công việc Ngài. (John 6:29)

13Ấy lại cũng trong Ngài mà anh em sau khi đã nghe đạo chơn thật, là đạo Tin Lành về sự cứu rỗi anh em, ấy là trong Ngài mà anh em đã tin và được ấn chứng bằng Ðức Thánh Linh là Ðấng Chúa đã hứa, 14Ðấng ấy làm của cầm về cơ nghiệp chúng ta, cho đến kỳ chuộc lấy những kẻ mà Ngài đã được để khen ngợi sự vinh hiển Ngài. (Ephesians 1:13-14)

Cũng như sự được sinh lần đầu của chúng ta vào buổi sáng thế, Đức Thánh Linh đã hà hơi vào khiến cục đất sét được trở nên loài sanh linh, nhưng sự sống đó đã bị mất trong A-đam, ngày nay Ngài lại hà sinh khí lần thứ hai cho những kẻ được nối kết lại với Ngài qua Con Một. Sự tái sinh này là một lần đủ cả và mãi mãi sẽ là việc làm của Đấng Toàn Năng, mà loài người chỉ có thể nhận lãnh cách như một món quà tặng không mất tiền mua.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , , , , and