Chúa Chữa Lành Người Mù Từ Lúc Mới Sinh

Ðức Chúa Jêsus bèn phán rằng: Ta đã đến thế gian đặng làm sự phán xét nầy: Hễ ai chẳng thấy, thì thấy; còn ai thấy, lại hóa mù. (Giăng 9:39)

Chào các bạn,

Những phép lạ Chúa Giê-su đã làm trong Kinh thánh được phân ra làm hai loại. Thứ nhất là các phép lạ được làm vì lòng thương xót của Ngài, và thứ hai là một loại phép lạ được làm để chứng tỏ Ngài chính là Đấng Mê-si. Phép lạ chữa người mù từ thuở lọt lòng mẹ ở ao Si-lô-am là thuộc loại thứ hai này.

PHẦN 1

1. LỄ LỀU TẠM

Phép lạ này đã xảy ra trong một trong những lễ quan trọng nhất của người Do-thái đó là Lễ Lều Tạm. Lễ này diễn ra trong tám ngày mà mọi người Do-thái từ khắp nơi phải về thành Giê-ru-sa-lem để dự.

Trong suốt kỳ lễ này, đèn được thắp sáng rực trong đền tạm đến nỗi sáng rực cả thành phố. Một trong những nghi thức các thầy tế lễ phải làm là họ mang nước từ ao Si-lô-am lên đền và phải bước lên 15 bậc bằng đá theo hình bán nguyệt. Ở mỗi bậc, các thầy tế lễ hát một Thithiên, từ 120 đến 134. Khi lên đến bậc cao nhất thì họ đổ nước xuống chân bàn thờ dâng của tế lễ.

Nghi lễ này cứ được lập đi lập lại mỗi ngày trong suốt kỳ lễ. Lễ này quan trọng đối với người Do-thái đến nỗi họ tìm mọi cách để dựng lều tạm để cư ngụ ở một địa điểm có thể quan sát được quang cảnh các thầy tế lễ đi tới và lui đoạn đường từ ao Si-lô-am đến đền thờ trong suốt Lễ Lều Tạm.

2. MÙ TỪ LÚC MỚI SINH

Chúa Giê-su đã chọn thời điểm này để làm một phép lạ với mục đích công bố sự đến của Đấng Mê-si, đó chính là Ngài. Nhưng đây không phải là một phép lạ như các phép lạ khác Ngài đã làm. Trong niềm tin của người Do-thái, chỉ chính Chúa mới có quyền năng chữa người mù từ lúc mới sinh.

32Người ta chẳng bao giờ nghe nói có ai mở mắt kẻ mù từ thuở sanh ra. 33Nếu người này chẳng phải đến từ Ðức Chúa Trời, thì không làm gì được hết.” (John 9:32-33)

Một phép lạ đặc biệt như thế, lại được làm ở một thời điểm như Lễ Lều Tạm với sự hiện diện của toàn dân và các thầy tế lễ, thì không phải là một chuyện tình cờ, mà trong một chương trình mà Đức Chúa Trời đã định trước để công bố sự đến của Đấng Cứu Thế.

3. NGƯỜI MÙ VÀ NGƯỜI SÁNG

Ngoài sự Chúa Giê-su đã làm phép lạ trong kỳ lễ trọng này để chứng tỏ Ngài là Đấng Mê-si, Chúa còn dùng việc này để dạy chúng ta về sự mù và sự sáng thật.

39Ðức Chúa Jêsus bèn phán rằng: Ta đã đến thế gian đặng làm sự phán xét nầy: Hễ ai chẳng thấy, thì thấy; còn ai thấy, lại hóa mù. 40Mấy người Pha-ri-si bên cạnh Ngài nghe điều đó, thì nói với Ngài rằng: Còn chúng ta cũng là kẻ mù chăng? 41Ðức Chúa Jêsus đáp rằng: Nếu các ngươi là kẻ mù, thì không có tội lỗi chi hết; nhưng vì các ngươi nói rằng: Chúng ta thấy, nên tội lỗi các ngươi vẫn còn lại.” (John 9:39-41)

Qua đoạn Kinh thánh trên, đối với các lãnh đạo Do-thái, hoặc những người sống dưới sự hướng dẫn của họ thì điều gì khiến họ “thấy” được? Điều duy nhất họ có thể nhờ cậy được trong niềm tin của họ bấy giờ là luật pháp. Vì thế đối với họ, chỉ người ngoại là những người không có luật pháp, tức là không được ban luật pháp Môi-se, là những người “mù,” còn họ là những người “thấy” vì nhờ sự hướng dẫn của luật pháp.

Vậy chúng ta phải giải thích làm sao khi Chúa Giê-su nói “Nếu các ngươi là kẻ mù, thì không có tội lỗi chi hết?” Vì đây là Chúa Giê-su đang nói với những người Do-thái ở dưới luật pháp thì chắc Ngài phải nói theo cách hiểu biết của họ, và điều Chúa nói thì trái với điều họ thường nghĩ.

Phải chăng Chúa Giê-su nói nếu họ mù, tức là không có luật pháp thì không có tội lỗi chi hết? Rô-ma 4:15 có viết:

“Vì luật pháp đem lại cơn thịnh nộ; song đâu không có luật pháp, thì đó cũng không có sự phạm luật pháp.” (Romans 4:15)

Rồi Chúa Giê-su nói tiếp rằng vì họ nói họ “thấy” tức là họ có luật pháp nên tội họ còn lại. Đây là điều trái ngược với suy nghĩ thường tình của nhân loại nói chung.

Đến đây, nhiều tín hữu lo lắng nghĩ thầm trong lòng, như vậy là ai muốn sống ngoài luật pháp cũng được hay sao? Thực ra, cả nhân loại đều phải sống dưới luật pháp. Người Do-thái thì có Mười Điều Răn và luật pháp Môise, còn người không tin Chúa thì có luật của lương tâm từ lúc họ biết điều thiện và điều ác từ trong Vườn Địa Đàng.

4. NGƯỜI MÙ ĐƯỢC SÁNG

Theo như đoạn Rô-ma 4:15 ở trên, “…đâu không có luật pháp, thì đó cũng không có sự phạm luật pháp,” nghĩa là không có sự định tội. Vậy để tránh trường hợp “nên tội lỗi các ngươi vẫn còn lại,” nghĩa là để kẻ mù được sáng, thì một người phải không còn sống dưới luật pháp nữa.

Nhưng đâu phải ai cũng muốn thoát ra khỏi sự kềm tỏa của luật pháp mà được. Từ khi loài người ăn trái cấm ở Vườn Địa Đàng thì luật pháp, biểu tượng của sự biết điều thiện và điều ác, đã vào trong lương tâm, và tội lỗi đã vào thế gian. Vậy thì ai có thể thoát khỏi luật pháp để mắt được sáng ra, để tội lỗi được cất đi?

Tạ ơn Chúa vì Ngài đã mở cho chúng ta một con đường mới bằng cách thay thế luật cũ bằng một luật mới có quyền năng cất đi tội lỗi.

“Vì luật pháp của Thánh Linh sự sống đã nhờ Ðức Chúa Jêsus Christ buông tha tôi khỏi luật pháp của sự tội và sự chết.” (Romans 8:2)

5. TÔI MÙ HAY SÁNG?

Mặc dầu bạn đã đến với Chúa qua ân điển bởi đức tin nơi Đấng Christ để nhận sự cứu rỗi, nhưng hiện nay bạn đang sống dưới luật nào? Luật của sự tội và sự chết chăng? Luật đã vào tâm khảm của A-đam và Ê-va từ Vườn Địa Đàng, xuống từ núi Si-nai, rồi khai triển thêm dưới sự hướng dẫn của Môi-se? Hay là luật mới của Thánh Linh và sự sống chỉ bởi đức tin nơi Đấng Christ mà thôi? Nếu bạn vẫn còn sống dưới luật cũ thì e rằng bạn là người mù mà tưởng mình đang thấy và “tội lỗi … vẫn còn lại.” (John 9:41)

PHẦN 2

Chúa Nhật qua, chúng ta đã dùng hết thì giờ để ôn lại phần cuối của đoạn Kinh thánh Giăng 9 về sự Chúa Giê-su chữa bệnh cho người mù từ lúc mới sinh. Phần đầu của đoạn này có tính cách minh chứng vai trò của Chúa Giê-su là Đấng Mê-si. Với chúng ta là những người đã đến trong niềm tin thì đây không phải là điều tối cần, nhưng phần sau về sự Chúa bày tỏ ý nghĩa của sự mù và sự sáng là điều tối cần cho nếp sống đạo.

Bài viết này chỉ bổ sung thêm điều đã viết trong tuần trước về lý do tại sao người Pha-ri-si, và người Do-thái nói chung, là những kẻ mù theo định nghĩa của Chúa Giê-su. Có lẽ cách hay nhất để diễn tả sự liên hệ giữa sự mù và sự sống dưới luật pháp là trích dẫn những đoạn Kinh thánh nói lên ý này. Chúng ta hãy trở về lúc ban đầu trong sách Sáng Thế Ký:

“Nhưng Ðức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Ðức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác.” (Genesis 3:5)

Theo đoạn Kinh thánh này thì trước khi ăn trái cấm, mắt chưa được mở ra, A-đam và Ê-va đã không biết điều thiện và điều ác, thế mà họ lại có sự sống đời đời. Còn sự biết phân biệt thiện ác thì đến từ đâu nếu chẳng phải từ luật pháp đã vào trong tâm khảm của họ?

“Vậy thì té ra điều răn những tưởng rằng sẽ làm cho tôi sống, đã dắt tôi đến sự chết.” (Romans 7:10)

Động lực của sự biết điều thiện và điều ác là luật pháp, là điều đã dẫn A-đam và Ê-va đến sự chết.

Chắc hẳn hầu hết chúng ta biết rằng mọi tôn giáo trên thế gian đều đặt nền tảng trên một hệ thống luật pháp nào đó, kể cả luật của lương tâm. Chúng ta là những người đã đến với Chúa bởi ân điển và qua đức tin thì lại càng cần thấy hậu quả tai hại của sự tìm cách sống đẹp lòng Chúa qua các việc làm do luật pháp đòi hỏi.

Trở lại đoạn Sáng Thế Ký ở trên, trước khi họ ăn trái cấm thì kể như “mù” mà lại được sống, nhưng khi “mắt mình mở ra” thì lại chết. Đây chính là điều Chúa Giê-su đã phán trong Giăng đoạn 9 câu 41 ở phần cuối của đoạn Kinh thánh về sự chữa lành cho người mù lúc sơ sinh.

“Ðức Chúa Jêsus đáp rằng: Nếu các ngươi là kẻ mù, thì không có tội lỗi chi hết; nhưng vì các ngươi nói rằng: Chúng ta thấy, nên tội lỗi các ngươi vẫn còn lại.” (John 9:41)

Họ đã “thấy” gì? Họ đã mở mắt ra và thấy luật pháp dò xét họ từ trong tâm khảm.

Chúa chỉ cho nhân loại một con đường duy nhất để làm hòa lại với Ngài trong Giao Ước Mới, đó là chúng ta cậy nơi lòng nhân từ thương xót của Chúa thay vì cậy nơi khả năng của xác thịt mình để thỏa những đòi hỏi của luật pháp.

Người nghĩ rằng mình sáng về luật pháp thì lại mù về ân điển, còn kẻ mù về luật pháp, nghĩa là không còn cậy vào việc làm của luật pháp để đạt được sự công bình của Đức Chúa Trời thì lại sáng về ân điển và đức tin.

Tôi tin rằng đó là ý nghĩa thật của mù và sáng, của luật pháp và ân điển, theo ý Chúa Giê-su và theo hầu hết những bài viết của sứ đồ Phao-lô.

LỜI CẢM TẠ

Bài viết này dựa theo tài liệu giảng dạy của Mục Sư Aaron Budjen của livinggodministries.net.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , , , and