Quyền Năng của Ân Điển

Một dẫn chứng thực tế trong đời sống cho thấy ân điển Chúa có quyền năng khiến chúng ta làm được những điều mà trước kia chúng ta không làm được vì kiệt quệ trong sợ hãi. Chẳng người tín hữu nào được tránh khỏi nỗi sợ khi họ đang tìm cách sống sao cho đẹp lòng Chúa, là một điều còn khó vạn lần hơn là bài học leo núi mà bài viết này dùng làm dẫn chứng. Điều mà chúng ta học được từ câu chuyện leo núi này có thể dẫn đến một thay đổi lớn lao trong đời sống đức tin.

Động Moaning ở Jackson, CA

Những gia đình có con nhỏ trong hội thánh đã tạo nên một truyền thống trong vài năm qua vào mỗi dịp lễ Martin Luther King khi họ qui tụ tại một địa điểm xa nhà để các con em có dịp sinh hoạt ngoài những gặp gỡ thường lệ. Năm nay chúng tôi trở lại Động Moaning ở thành phố Jackson, CA, nơi mà chúng tôi cho các con trẻ sinh hoạt ngoài trời với thú leo núi. Đó cũng là nơi Chúa đã cho tôi ngưồn cảm hứng viết bài này, một dẫn chứng về quyền năng của ân điển Ngài.

Sự sợ hãi làm tê liệt

Hai năm trước đây, các con trẻ đã được đến địa điểm trèo núi này. Hai đứa con gái sinh đôi của chúng tôi đã không lên được đến đỉnh kỳ đó, và không hiểu tại sao năm nay chúng lại bày tỏ một sự sợ hãi sâu xa hơn. Carissa trèo lên được chừng 5 bộ trên mặt đất thì cứ đứng yên một chỗ. Mặc dầu tôi đứng gần nó hơn để tìm cách giúp, nhưng tôi cũng nhận thấy Theony đang đứng gần đó quan sát. Tôi biết nó đang tìm biết điều gì có thể học hỏi được để có thể giúp nó tự trèo lên.

Tôi không còn nhớ là bao lâu, chỉ biết dường như là một khoảng thời gian dài, Carissa bị kẹt ở một chỗ không nhúc nhích được về bất cứ hướng nào. Sau một lúc tôi chợt ý thức được rằng nó cần nhận biết sự trợ giúp của sợi dây cáp sắt, và tôi bắt đầu khuyến khích nó hãy thả mình rơi xuống. Các ngón tay, bàn tay, cả cánh tay cũng như các phần khác của cơ thể nó có lẽ cũng đã mỏi lắm, nhưng nó vẫn không chịu buông ra. Nó vẫn tiếp tục bám chặt vào những chỗ lồi ra trên mặt tường leo vì sợ bị té.

Lòng tôi biết rằng, nếu nó buông ra, thì chắc sẽ cảm nhận được sức kéo lên mạnh mẽ giúp nó có thể buông mình xuống cách nhẹ nhàng từ tốn. Sức kéo lên đó sẽ cho nó sự an tâm rằng nó sẽ không bị té nặng. Tôi tiếp tục khích lệ nó buông thả mình ra nhưng không được. Người phụ nữ trợ giúp việc leo trèo cũng góp lời với tôi để nói với nó rằng sợi dây cáp sắt đó có sức kéo đến hai ngàn cân. Nhưng nó vẫn bám chặt lấy tảng đá.

Những người đứng chung quanh cố tìm cách chỉ cho Carissa những điểm trên mặt đá mà nó có thể bám lấy với những ngón tay đã quá mỏi, và ở đâu nó có thể đặt bàn chân cũng đã mệt. Nhưng những sự chỉ dẫn từ người khác càng khiến nó phẫn trí thêm. Nó không dám nhúc nhích đến một ly. Nhưng tôi vẫn không vì thế mà bực mình. Tôi biết những gì đang đối diện với nó, vì vì tôi đã từng trải qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc sống. Dường như Chúa đã đổ đầy tình yêu của Ngài vào lòng tôi khiến tôi kiên nhẫn chờ đợi đến thì thuận tiện.

Tin tưởng vào sợi dây cáp

Carissa phải đến một lúc đặt sự tin tưởng vào sợi dây cáp, rằng nó sẽ chẳng để cô bé bị tổn hại. Một khi có được sự tin cậy đó thì chắc nó sẽ không những lên được đến đỉnh, mà còn làm được điều đó trong sự thích thú.

Sau một khoảng thời gian lâu nữa, hơn là chỉ khuyên lơn bằng miệng, tôi bắt đầu muốn thử vài điều. Tôi cho nó cảm nhận được sự nâng đỡ dưới sức nặng của nó bằng tay và vai, và cứ tiếp tục khuyên nhủ nó phải buông mình khỏi tảng đá. Cuối cùng thì nó buông ra, nhưng có lẽ cũng vì đã quá mỏi mệt chẳng còn sức để bám vào nữa.

Mặc dầu Carissa đã xuống an toàn trên mặt đất, nó đã xuống nhờ sự trợ giúp của tôi thay vì hoàn toàn nhờ vào sợi dây cáp chống lại trọng lực của trái đất để giúp nó. Carissa phải hoàn toàn tin tưởng vào sợi dây cáp này thì nó mới có thể lên được tới đỉnh.

Sau khi đặt chân xuống đất an toàn, nó bèn nhờ tôi đấm bóp tay, cổ tay, và cánh tay. Sau khi phục hồi phần nào, mặc dầu tay nó vẫn còn run rẩy, nó xin người giúp việc gắn các bộ phận trèo núi vào nó trở lại. Lần này thì tôi biết mình phải làm gì. Sau khi Carissa trèo lên được chừng 2 bộ, tôi giục nó buông mình xuống ngay, nó nghe lời tôi và cảm nhận được sức kéo của mạnh mẽ của sợi dây cáp. Sau vài lần thử như vậy, leo lên một chút rồi thả mình xuống, nó học được sự tin tưởng nơi sợi dây cáp, thế rồi bất chợt cái chuông treo trên đỉnh cột đá trên hai mươi bộ nằm trong tầm tay với của Carissa và nó tự do leo lên và xuống nhiều lần nữa.

Chúa là sợi dây cáp bền vững

Cũng như nhiều người trong vòng chúng ta chứng kiến sự vật lộn của Carissa trong cuộc trèo núi đó, chúng ta có thể rút tỉa ra được nhiều bài học nhất là các nhân vật trong vai trò lãnh đạo tâm linh, các mục sư, các thầy giáo dạy trường Chúa Nhật trong hội thánh. Quí vị là những người được giao cho trọng trách giúp đỡ những người giống như Carissa tiến lên trong hòn đá đức tin của họ.

Carissa có đã nhận được lợi ích gì từ những lời chỉ bảo của người chung quanh khi nó đang trèo núi? Chẳng được một lợi ích gì. Thực ra còn làm cho nó rối trí thêm. Tất cả những người chung quanh đã không thấy được tầm mức của sự sợ hãi của nó. Khuyên nó đừng sợ hãi nữa cũng chẳng giúp nó vượt qua được sự sợ hãi. Chỉ cho nó vô số những điểm nó có thể bám trên thành núi càng làm cho nó kinh hoảng thêm. Giận dữ với nó chỉ làm tăng thêm nỗi đau đớn khi sức lực đang mòn mỏi.

Bây giờ chúng ta hãy tưởng tượng nhiều tín hữu trong hội thánh cũng giống như Carissa. Nhưng trèo núi không thể so sánh được với sự con người tìm cách trèo đến nước Trời. Trong khi sợi dây cáp giúp Carissa trèo núi, Chúa Giê-su đã phải lìa ngôi Trời chịu đóng đinh trên cây thập tự để đưa chúng ta lên nước Ngài. Vậy thì điều gì khó hơn? Thì tại sao nhiều khi chúng ta cũng vấp vào những sai lầm như khi chúng ta giúp Carissa trèo núi? Chúng ta có biết những sự chỉ dạy đó là vô ích không? Tôi biết, vì chúng cũng là vô ích đối với tôi. Và vì chúng ta đã chứng kiến tận mắt điều đó ở dưới chân núi đá thử thách cho các con nhỏ. Những sự chỉ bảo có thể hữu ích đối với những người đã vượt qua sự ngăn trở cội rễ, là sự sợ hãi như của Carissa, nhưng không phải là điều tối yếu để các em leo được lên đỉnh núi. Nhưng nếu vấn đề căn bản không được giải quyết, thì muôn vàn lời chỉ dẫn cũng chỉ là vô ích.

Một khi Carissa nhận ra được cho chính mình là nó có thể tin tưởng nơi sợi dây cáp, thì mọi vấn đề đều được giải quyết. Sợi dây cáp đó cũng giống như Ân-điển, sự Nhân-từ, và Thành-tín của Chúa nhập thành một mà sức căng được làm cho bền vững hơn bởi quyền năng tạo nên vũ trụ và được trui luyện trong giòng huyết báu của Con Trời và bảo đảm với lời thệ hứa trên danh của chính mình là danh cao trên hết mọi danh (Hebrews 6:13).

Nếu chúng ta biết sự nhận biết sự đáng tin cậy của sợi dây cáp đã giúp Carissa thể nào, thì tại sao chúng ta không giúp các tín hữu tấn tới trong sự thông biết thêm về sợi chỉ hồng linh diệu của sự cứu rỗi (Joshua 2:18)? Nhiều người sợ rằng khi biết nhiều về quyền năng gìn giữ của sợi dây cáp tẩm trong huyết của Chiên Con họ sẽ có cớ phạm tội, nhưng chúng ta có thấy điều này xảy ra trong cuộc vật lộn của Carissa không? Nó đã tìm được lý do để bỏ cuộc? Chẳng hề như vậy, nhưng nó đã tìm được sức lực, cảm nhận thấy một sự thúc đẩy để đạt đến đích. Cũng giống như Carissa, những kẻ khám phá được ân điển—sợi dây cáp—trở nên nô lệ của sự công bình (Romans 6:18), họ không cưỡng được sự muốn làm lành, muốn trèo lên tột đỉnh của chương trình Chúa dành cho họ. Điều tôi muốn khuyên các vị lãnh đạo là hãy giúp các con cái Chúa hiểu biết quyền năng của sợi dây cáp ân điển của Ngài, giúp họ tin rằng Chúa sẽ không buông rơi họ, để họ có thể đạt đến tột đỉnh của đức tin.

PHỤ CHÚ: không buông rơi họ không có nghĩa là họ sẽ không còn bị vấp ngã trên đường đời vì những yếu đuối của xác thịt, nhưng có nghĩa là sự cứu rỗi đời đời của họ sẽ không bao giờ bị mất đi.

Sống trong sợ hãi là cả một gánh nặng

Giả sử một người nào đó tìm cách thúc đẩy Carissa trèo lên đỉnh bằng cách doạ nạt hoặc phần thưởng: “Đừng buông ra, vì nếu buông ra thì sẽ rơi xuống và té đau lắm,” hoặc “Nếu lên đến đỉnh sẽ được phẩn thưởng chờ đợi ở đó.” Hoặc có người dùng sự làm xấu hổ, hoặc cổ động, hoặc giảng mo-ran, v.v… Đây cũng là những cách thông thường được dùng để cổ động người tín hữu. Những phương cách này có thể thành công về những mục tiêu của đời này, nhưng không ích gì trong sự khiến chúng ta dù tội lỗi đỏ như hồng điều trở nên trắng như tuyết, được trở nên con cái Đức Chúa Trời. Nhất là trong nước Trời không có những phần thưởng dựa trên nỗ lực của xác thịt, nhưng có những món quà được ban cho bởi ân điển.

Cũng giờ này năm tới, ví bằng Chúa cho chúng ta được trở lại nơi trèo núi đó, Carissa sẽ nhớ điều gì đã giúp nó trèo lên tận đỉnh? Chẳng điều chi khác ngoại trừ sự an tâm kỳ diệu về sức mạnh của sợi dây cáp. Ân điển Chúa cũng vậy trong đời sống tín hữu. Điều thúc đẩy họ tiến đến tột đỉnh của đức tin không phải là những điều nên hoặc không nên làm, nhưng là sự tha thứ bảy trăm triệu lần bảy về những điều bất toàn của họ.

Nhiều tín hữu cũng vật lộn như Carissa. Sự tìm cách đạt được tột đỉnh của đức tin trong khi được thúc đẩy bởi sự sợ hãi thì quá sức cho họ, sự sợ hãi rằng Chúa có thể mất kiên nhẫn vì nhiều điều lầm lỡ của họ. Năm này qua năm nọ họ mong chờ một cuộc bồi linh chỉ để thấy lại bị thất vọng, trong khi đặc tính của sức mạnh của sợi dây cáp ân điển của Chúa thì được bày tỏ rành rành trong Kinh thánh nếu họ biết cách tìm, và nếu họ nhìn qua con mắt đức tin chứ không qua khả năng của họ. Chúa cho chúng ta năm mươi hai tuần trong một năm với năm mươi hai cơ hội để truyền bá qua các bài giảng, các lớp Trường Chúa Nhật, để tăng cường đức tin nơi sợi dây cáp ân điển. Đừng bỏ qua cơ hội.

Mục tiêu chân thực

Về những theo đuổi của đời này, đặt những mục tiêu, rồi liệt ra những giai đoạn hầu đạt được mục tiêu đó là một việc rất tốt. Chúng ta thấy nhiều bằng chứng về thành quả của nó trong cuộc sống. Nhưng về đời sống tâm linh nhiều khi chúng ta thấy có sự đảo ngược. Chúa Giê-su kể cho chúng ta nhiều lần khi Ngài nói “Nước Trời cũng giống như …” khi những giá trị và thứ tự ưu tiên trái nghịch với sự suy nghĩ thường tình.

Nếu chúng ta đặt mục tiêu khi dạy dỗ các trẻ em như Carissa về sức mạnh của sợi dây, thì chắc nó dùng kiến thức đó để lên đến tột đỉnh. Sự lên được đến đỉnh chỉ là một sự thêm vào trong nỗi vui mừng, vì rất có thể chúng sẽ phát hiện ra rằng nương mình trong sự kềm giữ của sợi dây cáp không chừng còn thú vị hơn. Nhưng nếu chúng ta đặt mục tiêu là lên được đến đỉnh, thì sự nản lòng lại càng tăng thêm bội phần khi chúng không làm được.

Sứ đồ Phao-lô đã sử dụng tất cả sự hiểu biết Chúa ban để dạy chúng ta mục tiêu chân thực: Chúa Giê-su. Ông khuyên chúng ta nên chú nhìn vào Đấng Christ. Cả chính Chúa Giê-su cũng dạy chúng ta nên nhìn vào Ngài như người Hê-bơ-rơ thuở xưa hễ nhìn lên con rắn bằng đồng khi bị rắn cắn thì được cứu. Một khi người tín hữu tấn tới trong ân điển và sự thông biết Đấng Christ (2 Peter 3:18), mọi sự khác sẽ được ban thêm cho, từ môi miệng không ngớt nói về Cứu Chúa, tới sự sáng rỡ trong sắc thái khi gánh nặng được cởi bỏ, tới lòng tuôn tràn suối nước hằng sống từ ngôi Trời khiến bông trái nẩy sinh.

Điều gì là tối quan trọng trong mục vụ của quí vị?


Thêm vài ý phụ

Trên thế gian có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu những thử thách. Bài viết này chỉ mong trình bày một nguyên tắc tổng quát rằng nếu vấn đề cội rễ được giải quyết, các vấn đề khác cũng sẽ theo đó mà được giải quyết. Nhưng tôi tin rằng Kinh thánh không được viết để dạy chúng ta về những vấn đề của đời này, nhưng để đương đầu với vấn đề căn bản là bản chất tội lỗi đến bởi sự ngăn cách giữa con người và Đức Chúa Trời. Trong I Corinthians 15:19 sứ đồ Phao-lô viết rằng “Nếu chúng ta chỉ trông cậy nơi Chúa về đời này thì trong mọi người chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết.” Và nhiều người cũng thuộc nằm lòng Matthew 6:33: “Song trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài thì Ngài sẽ ban cho chúng ta mọi điều khác nữa.”

Nếu sợi dây cáp sắt giải quyết được nan đề cơ bản của Carissa là sự sợ bị té ngã, thì sự bảo đảm về sự cứu rỗi giải quyết vấn đề cơ bản về sự thiếu mất sự công bình của Đức Chúa Trời. Trong các mục vụ cũng vậy, nếu chúng ta lợi dụng cơ hội Chúa ban cho qua những bài giảng hoặc bài học trường Chúa Nhật, v.v., để tạo nền móng vững vàng cho những người Chúa cho chúng ta được ơn hướng dẫn, chẳng phải về những chỗ cần bấu víu trên bức tường đá thử thách hoặc về khả năng của họ, nhưng về khả năng của Chúa qua thập tự giá của Đấng Christ, chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề cơ bản: sự công bình của Đức Chúa Trời—sự công bình chẳng thể đạt được qua nỗ lực hoặc sự công bình của chính mình.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: and