Lột bỏ tánh xác thịt

“Anh em cũng chịu cắt bì trong Ngài, không phải phép cắt bì bởi tay người ta làm ra, nhưng là phép cắt bì của Ðấng Christ, là lột bỏ tánh xác thịt của chúng ta. Anh em đã bởi phép báp-tem được chôn với Ngài, thì cũng được sống lại với Ngài bởi đức tin trong quyền phép Ðức Chúa Trời, là Ðấng đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại (Colossians 2:11-12—NET).”

Coram Deo

Trước kia đã có một bài viết tương tự dưới tựa đề “Làm Chết Các Việc Của Chi Thể.” Đây không phải là một bài được viết lại, nhưng là một cái nhìn từ một khía cạnh khác dựa trên một đoạn Kinh thánh khác. Động lực thúc đẩy bài viết này là một bài giảng tôi đã nghe trong một trại Hè dựa trên Colossians 2:11-12. Trong bài giảng, vị giảng sư đã nhắc đến Coram Deo của R. C. Sproul dựa trên cùng đoạn Kinh thánh. Điều đáng ghi nhận là khi tôi lên trên mạng để thăm dò quan niệm chung của quần chúng trên thế giới về đoạn Kinh thánh này, thì tìm thấy bài viết của Rev. Sproul với Coram Deo cho Colossians 2:11-12 như sau:

Bản chất A-đam của chúng ta đã bị tử thương, nhưng nó không chịu nằm yên trong mồ mả. Vì có bản chât mới trong Đấng Christ, chúng ta phải đánh chết tội lỗi khi nó vùng lên. Điều này có nghĩa là chúng ta phải chống lại những cám dỗ và ăn năn khi phạm tội, vì chúng ta sẽ không trọn vẹn cho đến khi được vào nước thiên đàng. Calvin đã bình luận về đoạn Kinh thánh này rằng “sự chôn cất bày tỏ một tiến trình của sự chết.” Tội lỗi mất khả năng điều khiển chúng ta, nhưng nó vẫn là điều nguy hiểm và phải bị chống trả.

(được trích từ bài viết ở trang mạng: http://www.ligonier.org/learn/devotionals/dead-and-buried-with-christ/).

Một số ý chính trong Coram Deo của R. C. Sproul cần được đối chiếu với các chân lý nền tảng trong Kinh thánh, nhất là trong bối cảnh tức thời của đoạn Kinh thánh chúng ta đang học hỏi. Các ý niệm này được bênh vực bởi hầu hết các tín hữu trong đạo Chúa dù đi ngược với Thánh Kinh và gây nhiều vấn nạn cho đời sống người tín hữu.

Tử Thương

Coram Deo: Bản chất A-đam của chúng ta đã bị tử thương, nhưng nó không chịu nằm yên trong mồ mả.

Chúng ta biết rằng người tội lỗi không phải vì họ đã phạm một tội gì đó dù lớn hay nhỏ, vì mình làm điều không nên làm hoặc không làm điều mình nên làm, nhưng vì một nguyên nhân sâu kín: bản chất tội lỗi. Chúa Giê-su đã phán: “Chẳng phải điều chi vào miệng làm dơ dáy người; nhưng điều chi ở miệng ra, ấy mới là điều làm dơ dáy người vậy! (Matthew 15:11)” Vậy nếu bản chất tội lỗi đã bị “tử thương” thì làm sao còn có thể gây ra tội lỗi? Hoàn toàn không, bản chất A-đam của chúng ta sẽ không bao giờ hoàn toàn chết cho đến khi người tín hữu được mặc lấy thân thể không hư nát (1 Corinthians 15:52-54). Trước khi điều đó xảy đến, bản chất A-đam vẫn sống mạnh.

Do đó, bản chất A-đam của chúng ta chỉ bị tử vong trong ý nghĩa răng tội lỗi của nó không còn quyền lực để lên án chúng ta, vì chúng ta đã được buông tha khỏi luật pháp (Romans 7:6).

Đánh chết tội lỗi

Coram Deo tiếp theo: Vì có bản chât mới trong Đấng Christ, chúng ta phải đánh chết tội lỗi khi nó vùng lên. Điều này có nghĩa là chúng ta phải chống lại những cám dỗ và ăn năn khi phạm tội.

Chẳng còn nghi ngờ gì rằng mọi vấp phạm đều gây ra sự đau đớn cho cả phạm nhân cũng như những người bị ảnh hưởng trong phạm vi tàn phá của nó. Chỉ ngoại trừ vài trường hợp đặc biệt, hầu hết các tín hữu đều biết hậu quả đau đớn của tội lỗi, và họ đều biết răng mình nên, và phải, chống trả tội lỗi. Ngay cả người không ở trong đạo cũng biết và kinh sợ giá mà họ phải trả khi vấp phạm. Họ không cần phải vào nhà thờ để học hỏi điều mà trẻ con cũng biết, vì “sự khôn ngoan kêu lên ngoài phố chợ (Proverbs 1:20)”.

Còn sự ăn năn nói đến trong Coram Deo thì sao? Vì khi sự phạm tội đã xảy ra thì sự ăn năn chỉ bằng thừa. Lời xưng tội cũng vô ích vì chỉ là môi miếng. Thà đừng phạm tội còn hơn.

Tuy nhiên, Đức Chúa Trời mở cho chúng ta một đường thoát khi chúng ta phạm tội. Chẳng phải sự ăn năn, hối cải, chẳng phải những giọt nước mắt thường tình, hay lời xin lỗi của môi miệng, nhưng sự bảo đảm về quyền công dân của chúng ta trong nước Trời:

Hỡi các con, ta viết cho các con những điều nầy, hầu cho các con khỏi phạm tội. Nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có Ðấng cầu thay ở nơi Ðức Chúa Cha, là Ðức Chúa Jêsus Christ, tức là Ðấng công bình (1 John 2:1).

Bản tiếng Việt dịch chữ “Advocate” là “Đấng cầu thay” không được thoát nghĩa cho lắm, có lẽ dịch là “Đấng bênh vực” như trong vai trò của một luật sư biện hộ cho kẻ vi phạm luật pháp. Nhưng vai trò biện hộ của Chúa Giê-su còn mang một ý nghĩa tuyệt vời hơn thông thường, đó là Ngài đã trả giá vượt quá món nợ mà người Ngài đang biện hộ phải trả, do đó sự trắng án là điều chắc chắn.

Vì chúng ta có Chúa Giê-su, Đấng biện hộ, người ngồi bên hữu Đức Chúa Cha, bênh vực cho chúng ta. Bạn thử nghĩ điều gì có hiệu lực hơn? Sự ăn năn của chúng ta hay sự bênh vực của Chúa? Vì dù chúng ta có vui lòng chịu đóng đinh trên thập tự giá để chuộc tội mình cũng không đủ, vì không ai trong chúng ta là “không tì vết” đủ hầu dâng chính thân mình làm của lễ. Quả thực đây là khi đường lối Chúa không phải là đường lối của loài người.

Hơn nữa, nếu mục đích đời sống chúng ta là chiến đấu với tội lỗi thì có lẽ chúng ta đang trong một cuộc chiến nắm chắc phần thất bại, hoặc chiến đấu theo một phương cách sai lầm. Chắc chắn chú nhìn vào Đấng Christ thì tốt hơn là vào kẻ thù chúng ta là ma quỷ. Tôi có một thí dụ trong đời sống để dẫn chứng điều đó.

Có một tín hữu trong hội thánh làm việc trong kỹ nghệ phục vụ. Người đó hỏi tôi ý kiến làm sao để đương đầu với một khách hàng cứ tìm cách quyến rũ mình. Tôi khuyên người đó nên “nhìn xem Đức Chúa Giê-su”, thường đến với Ngài để được thêm sức lực qua sự vững lòng về sự cứu rỗi, tình yêu không điều kiện, sự tha thứ trọn vẹn về mọi tội lỗi mình, và nhiều ơn lành khác mà Ngài ban cho cùng với Con Một của Ngài.

Nếu người đó chọn một giải pháp khác, chẳng hạn như của Coram Deo hoặc những sự giảng luận phổ thông, thì sẽ suốt ngày dù khi ở nhà cứ chuẩn bị để chống lại tội lỗi. Thế nào cũng tưởng tượng đặt mình trong nhiều bối cảnh của sự cám dỗ. Bạn có thấy chiều hướng của điều đó không? Người đó sẽ trong tư tưởng của mình ở cùng người cám dỗ suốt ngày dù không ở sở làm. Phải chăng đây là cách chúng ta nên chuẩn bị để chống lại tội lỗi?

Khi người tín hữu sống, thở hít, và an nghỉ trong địa vị mình là con cái Đức Chúa Trời, khi người đó hướng ý tưởng mình về các sự ở trên trời, sẽ sẵn sàng hơn để để chống lại tội lỗi khi nó đến. Nhưng nếu người đó thường nghĩ đến tội lỗi, dù là nghĩ đến sự chống tội lỗi, thì dễ vấp ngã khi phải đối diện với cám dỗ, họ sẽ giống như người chiến sĩ mòn mỏi qua những đêm dài lo lắng về kẻ thù của mình.

Nhìn xem Đức Chúa Giê-su thì chúng ta sẽ vượt thắng được tội lỗi.

Khi người Do-thái bị rắn cắn trong đồng vắng, Đức Chúa Trời truyền cho Môi-se treo một con rắn bằng đồng trên cột cao hầu cho bất kỳ ai bị rắn cắn, nếu nhìn đến nó thì không phải chết. Môi-se không cần phải nhắc nhở dân sự cố gắng đừng để bị rắn cắn, hoặc buộc họ phải ăn năn khi bị cắn, nhưng chỉ cần hướng mắt nhìn lên con rắn đồng. Bị rắn cắn đau đớn và có thể chết cũng đủ để mọi người trong vòng họ phải run sợ.

… Nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có Ðấng cầu thay ở nơi Ðức Chúa Cha, là Ðức Chúa Jêsus Christ, tức là Ðấng công bình (1 John 2:1).

Xưa Môi-se treo con rắn lên nơi đồng vắng thể nào, thì Con người cũng phải bị treo lên dường ấy, hầu cho hễ ai tin đến Ngài đều được sự sống đời đời (John 3:14-15).

Trở nên hoàn hào

Coram Deo tiếp theo: … vì chúng ta sẽ không trọn vẹn cho đến khi được vào nước thiên đàng.

Phần này của Coram Deo cho rằng mục tiêu đời sống người tin Chúa là theo đuổi sự toàn thiện dủ rằng sẽ không thể nào đạt được điều đó cho đến khi vào nước thiên đàng. Ý niệm này đi ngược với Kinh thánh trong nhiều khía cạnh.

Trước hết, Chúa Giê-su đã phán trong Matthew 5:48: “Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn”, nghĩa là nếu chúng ta không trọn vẹn RỒI thì không được vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời.

Kế đến, sứ đồ Phao-lô cũng bày tỏ sự kinh ngạc của ông trong Galatians 3:3: “Sao anh em ngu muội dường ấy? Sau khi đã khởi sự nhờ Ðức Thánh Linh, nay sao lại cậy xác thịt mà làm cho trọn?” Bắt đầu cuộc đời tin kính nhờ vào quyền năng của Thánh Linh, được tái sinh từ thiên thượng, được ban ơn trọn vẹn để vào nơi rất thánh, thế mà bây giờ lại còn muốn làm mình hoàn hảo hơn qua sức mạnh của xác thịt? Vật lộn với tội lỗi? Chẳng phải Đấng Christ đã báp-têm bạn rồi sao? Và nếu Ngài đã cắt bỏ bản chất tội lỗi của bạn (câu 11), thì phần nào của bạn chưa toàn hảo? (Xin hãy nhớ rằng cho dù bạn không thể tránh được sự phạm tội trong suốt đời sống, bạn vẫn được kể là người toàn hảo trong mắt Chúa vì Ngài nhìn bạn qua con Một của Ngài)

Và tiếp theo, Hebrews 10:14 viết rằng: “Vì nhờ dâng chỉ một của tế lễ, Ngài làm cho những kẻ nên thánh được trọn vẹn đời đời”. Bởi một của lễ, sự hy sinh của Chiên Con, chẳng bởi sự liên tục chống trả hoặc ăn năn liên hệ đến tội lỗi. Và nếu Đấng Christ đã làm bạn được trọn vẹn thì còn gì nữa để bạn phải làm cho trọn?

Những đoạn Kinh thánh trên, và nhiều đoạn khác nữa trong Kinh thánh, đều hướng về sự kiện rằng sự toàn thiện của chúng ta không đến từ nỗ lực cá nhân để chống trả tội lỗi, nhưng nhờ sự làm trọn của Đấng Christ trên thập tự giá. Mọi nỗ lực của chúng ta để chống trả tội lỗi cũng giống như một người lo những mụt nhọt trên da trong khi có một mầm mống ung thư nằm sâu trong thân thể mà chỉ có Đấng Christ mới giải quyết được.

##

Tiến trình của sự chết

Coram Deo tiếp theo: Calvin đã bình luận về đoạn Kinh thánh này rằng “sự chôn cất bày tỏ một tiến trình của sự chết.” Tội lỗi mất khả năng điều khiển chúng ta, nhưng nó vẫn là điều nguy hiểm và phải bị chống trả.

Phải chăng cúng ta đang bị chôn sống cho đến khi thực sự chết hẳn? Kinh thánh cho biết răng đó không phải là cách chúng ta chết. Nhưng viết rằng:

Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp tem trong sự chết Ngài, hầu cho Ðấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy (Romans 6:4).

Chúng ta đã được đồng chôn với Đấng Christ. Đó là một việc Ngài đã làm trọn. Hơn nữa:

Anh em đã bởi phép báp-tem được chôn với Ngài, thì cũng được sống lại với Ngài bởi đức tin trong quyền phép Ðức Chúa Trời, là Ðấng đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại (Colossians 2:12).

Câu Kinh thánh này làm sáng tỏ hơn ý nghĩa rằng chúng ta không những chỉ được đồng chôn cùng Đấng Christ, đã chết với Ngài—vì chẳng ai còn sống mà lại được tái sinh—. Chúa Giê-su đã phán quả quyết về điều này:

Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu hột giống lúa mì kia, chẳng chết sau khi gieo xuống đất, thì cứ ở một mình; nhưng nếu chết đi, thì kết quả được nhiều (John 12:24).

Sự sống lại được ám chỉ trong phần “kết quả” của đoạn Kinh thánh.

Các câu Kinh thánh này cho chúng ta thấy rõ ràng rằng “tiến trình của sự chết” là một ý niệm không có trong Kinh thánh, thế mà ý niệm đó là nền tảng của nhiều sự giảng luận từ hầu hết các bục giảng—hay phải chăng đó là một cách khác để nói về luyện ngục?—. Những đoạn Kinh thánh được trích vào trong bài viết này, dầu chỉ là một phần nhỏ nhưng cũng đủ tiêu biểu, là để cho thấy những giải thích và áp dụng sai lầm lớn trong hội thánh điển hình là Colossians 2:11-12.

Kết luận

Bạn có thấy sự tương phản giữa Colossians 2:11-12 và Coram Deo?

Colossians 2:11-12 truyền đạt ý niệm tự do, chiến thắng, với Đấng Christ là động lực chính trong sự đạt được mục tiêu là cắt bỏ tính xác thịt của chúng ta. Nhưng quan trọng nhất là ý niệm về sự hoàn tất trong sự chuẩn bị để chúng ta được sẵn sàng diện kiến Đức Chúa Trời, được dạn dĩ đến trước ngai ân điển. Đấng Christ là Đấng ban cho, còn chúng ta là những người được nhận lãnh ơn lành mình không đáng nhận. Do đó chúng ta cứ nhìn xem Đấng Christ là cội rễ và sự toàn vẹn của đức tin.

Coram Deo bày tỏ một ý niệm hoàn toàn khác hẳn. Dẫn chúng ta hướng về nội tại đen tối, hướng mắt chúng ta lìa khỏi Đấng Christ mà hướng về chính mình và kẻ thù của linh hồn chúng ta. Dẫn chúng ta trở về đồng vắng vì e sợ những người khổng lồ trong đất hứa. Bảo chúng ta rằng hiện nay KHÔNG PHẢI là thì thuận tiện, và hiện nay KHÔNG PHẢI là thì cứu rỗi (2 Corinthians 6:2).

Đừng tin nơi Coram Deo, nhưng hãy tin nơi Colossians 2:11-12. Tin như lời đã viết. Hiện nay không còn con rắn đồng, nhưng có Đấng Christ ngồi bên hữu Đức Chúa Cha bênh vực cho bạn là những người toàn hảo—bất kể nhiều lần bị rắn cắn—. Bạn đã được chôn cùng Đấng Christ và nay đã sống lại với Ngài trong đời sống mới. Mọi sự đã được trọn.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , , , , , and