Kẻ Thù Nghịch Thập Tự Giá

Các bạn đã có từng bao giờ được nghe một bài giảng dựa trên đoạn Kinh thánh viết “Lắm người có cách ăn ở như là kẻ thù nghịch thập tự giá của Đấng Christ”? Điều gì được gợi nên ngay trong trí bạn khi suy nghĩ về ý nghĩa của nó? Tôi chắc rằng phần lớn các tín hữu hiểu sai đoạn Kinh thánh này.

Phải chăng tôi là kẻ thù nghịch?

Chẳng bao lâu sau khi tin Chúa thì tôi được lần đầu tiên nghe giảng về đoạn Kinh thánh đó. Không cần đợi nghe giảng về ý nghĩa nó, tôi đã mường tượng ngay trong trí những hành động, hoặc thái độ nào, có thể khiến tôi trở nên kẻ thù thập giá. Nhưng sau nhiều thập niên, những ý niệm đó vẫn mơ hồ như lúc ban đầu. Dầu vậy, chúng làm tôi căng thẳng từng giây, từng phút, khiến tôi bước đi theo Chúa cách rụt rè. Thỉnh thoảng lại có tiếng còi báo động vang lên trong trí, nhưng tôi đã có một thói quen gạt nó qua một bên, như một người bấm vào đồng hồ báo thức để ngủ nướng thêm. Nhưng làm như thế chỉ là trì hoãn cho đến cơn báo động đến sau, nhiều khi lại còn gây thêm bồn chồn lo lắng. Lắm khi, những nghĩa được ngầm hiểu từ đoạn Kinh thánh đó lại gây ấn tượng sâu xa hơn ý nghĩa chân thực, khiến tôi lại càng khao khát sự an nghỉ trong Chúa. Không thể nào tôi lại có thể là kẻ thù nghịch Chúa, nhưng thành thực mà nói, tôi không biết chắc mình có hoàn toàn được Chúa chấp nhận không. Chính trong khoảng cách giữa sự được Chúa hoàn toàn chấp nhận, và là kẻ thù nghịch của Ngài, là điều giữ tôi luôn trong trạng thái bồn chồn bất an.

Phi-líp 3:18

Đây là đoạn Kinh thánh đem cho tôi nhiều vấn nạn.

Vì tôi đã thường nói điều nầy cho anh em, nay tôi lại khóc mà nói nữa: lắm người có cách ăn ở như là kẻ thù nghịch thập tự giá của Ðấng Christ. (Philippians 3:18)

Tội lỗi là nguyên nhân chính?

Phải chăng điều khiến bạn trở nên kẻ thù nghịch của thập tự giá là những sự vi phạm?

Cái nhìn của phần lớn các tín hữu về luật pháp là chỉ có sự vi phạm khi được viết thành luật, và, hoặc, có người làm chứng. Chẳng hạn như luật về tội giết người, ngoại tình, trộm cướp, v.v. Nhưng bất cứ ai cẩn thận suy gẫm lời Chúa đều biết rằng luật pháp tra xét sâu vào lòng người.

27Các ngươi có nghe lời phán rằng: Ngươi chớ phạm tội tà dâm. 28Song ta phán cho các ngươi biết: Hễ ai ngó đờn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi. (Matthew 5:27-28)

Vì vậy, kết quả là mọi người đều là kẻ thù của thập tự giá, nếu quả thực những tội người ta phạm là yếu tố chính. Vậy thì chính ra Phao-lô phải viết Phi-líp 3:18 cho mọi người, kể cả chính ông, rằng chẳng ngoại trừ ai. Nhưng nếu vậy, thì ông đã đạt được điều gì? Để hi vọng hão huyền rằng có kẻ nào nhờ đó tránh được không trở nên kẻ thù của thập tự giá?

Các Giao Ước

Hai Giao Ước, Cựu và Tân, vạch ra hai tựu điểm trong mối liên hệ giữa loài người với Đức Chúa Trời. Dưới Cựu Ước, loài người phải giữ trọn mọi điều răn hầu duy trì mối liên hệ với Chúa. Sau khi cho một thời gian để nhân loại thấy sự bất lực của mình về sự giữ các giới răn, Chúa cho họ một cơ hội làm hòa với Ngài qua sự chết của Chúa Giê-su trên thập tự giá. Đó là một món quà vô giá không ai có thể mua được.

Một cánh cửa được mở ra trong Giao Ước Mới, còn cánh cửa mà không ai có thể lay chuyển được, đó là Giao Ước Cũ, đã bị cất đi vĩnh viễn.

Nhưng nếu ví bằng có người nhất quyết vào nước trời qua cửa cũ? Họ quả quyết rằng họ phải dự phần gì đó trong sự cứu rỗi bản chất hư nát của mình? Họ bị thúc đẩy bởi cùng sự kiêu ngạo đã khiến A-đam và Ê-va cố trở nên giống như Chúa, biết phân biệt thiện ác. Điều đó sẽ khiến mối liên hệ giữa họ với Chúa biến dạng như thế nào?

Cậy nơi xác thịt

Chúng ta hãy xem xét bối cảnh xung quanh Phi-líp 3:18. Dưới đây là các câu 2 và 3 đi trước câu 18:

2Hãy coi chừng loài chó; hãy coi chừng kẻ làm công gian ác; hãy coi chừng phép cắt bì giả. 3Vì, ấy chính chúng ta là kẻ chịu phép cắt bì thật, là kẻ cậy Ðức Thánh Linh Ðức Chúa Trời mà hầu việc Ðức Chúa Trời, khoe mình trong Ðấng Christ, và không để lòng tin cậy trong xác thịt bao giờ. (Philippians 3:2-3 — NIV)

Xin các bạn đọc để ý những ngôn từ rất nặng nề trong câu 2. Phao-lô dùng những chữ “chó”“gian ác.” Họ đã phạm tội gì đến nỗi ông phải gọi họ như vậy? Ông buộc tội họ là những người *“hủy hoại thân thể,”“để lòng trông cậy trong xác thịt.” Những tương phản này được thấy nhiều trong các thư Ga-la-ti, Rô-ma, Hê-bơ-rơ, và ngay đây trong thơ Phi-líp.

Phao-lô hẳn phải đang tương phản phép cắt bì theo luật pháp với phép cắt bì chân thật trong lòng bởi Thánh Linh. Các thư kể trên thực đã thiết lập một nền tảng thiết yếu để chúng ta có thể hiểu được ý của Phao-lô trong đoạn Kinh thánh này.

Những kẻ vướng vào một tội lỗi nào đó, họ làm vì sự yếu đuối của xác thịt. Nhưng những kẻ để lòng tin cậy vào xác thịt, họ làm với một mục đích hẳn hòi. Không phải là vì yếu đuối, nhưng là một hành động với chủ ý sử dụng việc làm của xác thịt để được ơn Chúa. Tội lỗi thì được định rõ qua các điều răn, còn việc làm của xác thịt thì được vạch ra một cách trầm lặng, nhưng sâu nhiệm và chu toàn, trong các thư của Phao-lô.

Trong hai điều ấy, điều nào khiến một người trở nên kẻ thù nghịch thập tự giá? Hiển nhiên đó là điều sau. Đó là một hệ thống tín ngưỡng. Một nỗ lực để đạt được sự công bình của Đức Chúa Trời qua việc làm. Nhưng lạ thay, và khó hiểu thay, hầu hết các bài giảng đều đi ngược lại. Họ giảng dạy rằng tội lỗi là duyên cớ chính của sự thù nghịch thập tự giá. Rất ít bài, nếu có chăng, liên hệ sự cậy vào việc làm của luật pháp là kẻ thù của thập tự giá. Tội lỗi sẽ được tha, như sự cậy vào việc làm của luật pháp là sự khước từ tối hậu của thập tự giá. Chẳng trách ít tín hữu hiểu trọn vẹn tin mừng cứu rỗi, đừng nói đến việc rao giảng tin mừng đó với thế gian tăm tối.

Kẻ thù thực của thập tự giá

Hai đoạn Kinh thánh dưới đây sẽ tăng cường cho biện luận rằng kẻ thù thực của thập tự giá không phải là những người ngoại đạo, hoặc người tín hữu yếu đuối phạm tội vì cám dỗ của xác thịt, nhưng là những người đã đến với niềm tin trong ân điển, nhưng rồi bây giờ lại quay trở về một con đường khác thay vì thập tự giá, hoặc một tin lành khác như được nhắc đến trong Ga-la-ti 1:6. Tóm lại, đó là sự trở về với sự cậy vào luật pháp để được sự công bình của Đức Chúa Trời. Nó là phản đề của sự trông cậy trọn vẹn vào việc Chúa Giê-su đã làm trọn trên thập tự giá. Sự “vấp ngã” nói đến trong Hê-bơ-rơ 6:6 dưới đây nói về sự người Hê-bơ-rơ trở lại với sự dâng những của lễ thiêu đã bị truất phế, không còn hiệu lực nữa.

4Anh em thảy đều muốn cậy luật pháp cho được xưng công bình, thì đã lìa khỏi Ðấng Christ, mất ân điển rồi. (Galatians 5:4)

4Vì chưng những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Ðức Thánh Linh, 5nếm đạo lành Ðức Chúa Trời, và quyền phép của đời sau, 6nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ lại ăn năn nữa, vì họ đóng đinh Con Ðức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường. (Hebrews 6:4-6)

Nhãn quan qua phúc âm

Cách bạn hiểu thế nào về phúc âm sẽ ảnh hưởng sâu xa đến nhãn quan của bạn về thế giới chung quanh, và trên hết là mối liên hệ với Chúa. Một sự hiểu biết đúng đắn sẽ giúp bạn tránh khỏi sự cậy vào luật pháp hoặc thói hay phê phán. Nó sẽ đặt một nền tảng vững vàng để bạn kinh nghiệm được sự bình an trong Chúa. Nó sẽ giữ bạn khỏi lọt vào vòng tròn luẩn quẩn của sự phô diễn tài năng, hoặc giúp bạn thoát khỏi vòng tròn đó. Nó sẽ cho bạn sự khôn ngoan để thấy sự vô vọng của sự cố sống đẹp lòng Chúa, vì chỉ điều duy nhất làm đẹp lòng Chúa là chính Con Một của Ngài; điều đó không có nghĩa là Chúa không cảm nhận được lòng thành của bạn gắng sống cho đẹp ý Ngài, nhưng là bản chất hư hoại của loài người không có khả năng làm được điều đó. Sau rốt, sự hiểu biết đúng đắn về tin mừng cứu rỗi sẽ cho bạn sự biết chắc vững vàng rằng mình không phải là kẻ thù của Chúa, và nhường lại cho Ngài quyền phán xét ai là kẻ thù của thập tự giá, vì chỉ mình Ngài biết rõ lòng người.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , , , , , , and