Ê-phê-sô 2:1

Một chữ bị dịch sai có thể thay đổi ý nghĩa của cả một đoạn Kinh thánh. Người dịch có thể vô tình, nhưng điều đó phản ảnh tín lý của họ, và có thể gây một ảnh hưởng sâu xa trong mối tương giao với Chúa, và cuối cùng sẽ dẫn người tín hữu đi lầm đường.

Vì đâu một người trở nên tội nhân?

Hầu như luôn luôn có một sự khác biệt giữa điều người tín hữu tin về phương diện tín lý và điều người đó cảm nhận trong lòng được phản ảnh qua hành động. Ý niệm của họ về nguồn gốc của tội lỗi là đối tượng chính của bài viết này. Ý niệm đó sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự hiểu biết của họ về sự tha thứ của Chúa, mà sự hiểu biết đó sẽ định đoạt sắc thái của mối tương giao giữa họ và Chúa. Vấn đề tội lỗi và sự chết thì đi song song với sự tha thứ và sự sống; nếu một người có cái nhìn sai về tội lỗi, thì họ cũng hiểu sai về sự tha thứ.

Trong một bài viết trước kia, “Khi Được Chúa Giải Thoát”, tôi đã trưng dẫn thí dụ về một người kể như đã chết dưới ảnh hưởng của sự nghiện ngập ma túy. Anh đã chẳng đóng góp chút nào về sự anh được giải cứu; mọi nỗ lực của anh chỉ càng tăng thêm sự thèm khát, đến nỗi sự suy bại khiến anh chỉ mong tìm đến sự chết; nếu có chút mảy may nào trong tâm trí anh về một đấng nào đó để anh cầu khẩn, thì chắc có lẽ anh đã khấn vái cầu xin, nhưng anh đã chẳng còn chút hơi nào để làm điều đó; lúc này hẳn anh đã cảm thấy mình là một kẻ cực khốn cùng. Vì vậy tôi trích đoạn Kinh thánh Ephesians 2:1 để nói về sự cứu rỗi của Chúa dành cho những kẻ khốn cùng như anh.

Còn anh em đã chết “VÌ” lầm lỗi và tội ác mình. (Ephesians 2:1)

Đến đây tôi chợt thấy có gì không ổn. Đoạn Kinh thánh này, theo bản dịch New International Translation, hoặc các bản khác như King James, New English Translation, mà tôi thường dùng, rất thích hợp để bày tỏ tình trạng khốn cùng của người nghiện ma túy trước khi họ được Chúa giải cứu. Đoạn đó có thể được áp dụng cho toàn thể nhân loại vì “mọi người đều phạm tội và thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (Romans 3:23).”

Nhưng trong khi tôi đang thản nhiên dịch bài viết đã nói trên sang tiếng Việt, thì giật mình vì thoáng nhận thấy bản tiếng dịch Việt cho đoạn Ephesians 2:1 dường như mang một ý nghĩa khác với hầu hết các bản tiếng Anh. Chữ “VÌ” trong bản dịch này hàm ý một người bị chết về tâm linh “VÌ” những tội lỗi mà họ đã phạm. Nếu các bản tiếng Anh đã được dịch để mang cùng ý nghĩa với bản tiếng Việt thì chúng phải viết như thế này: “As for you, you were dead BECAUSE OF your transgressions and sins.” Như vậy thì nếu một người có thể bằng cách nào đó tránh không phạm tội thì người đó không chết về tâm linh? Rằng có thể có một người nào đó vượt ra ngoài định luật rằng mọi người đều phạm tội và thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời? Tôi đã chưng hửng khi chiêm nghiệm câu Kinh thánh trong bản dịch tiếng Việt này.

Thực ra tôi phải thú nhận rằng có một chút ý tưởng ranh mãnh trong lòng khi phát giác lỗi lầm lớn trong bản dịch tiếng Việt; nó chứng minh điều tôi thường nhấn mạnh rằng người đọc Kinh thánh có trách nhiệm tra cứu mọi điều họ đọc, so sánh nó với các chân lý nền tảng rõ ràng để tránh những lỗi lầm trong sự giải thích hoặc thông dịch. Các bản tiếng Anh chỉ đơn giản giúp khẳng định lỗi lầm tìm thấy trong bản dịch tiếng Việt, nhưng cho dù không có các bản tiếng Anh chăng nữa, lỗi lầm trong bản dịch Việt ngữ thật dễ để nhận diện nếu người đọc được trang bị vững vàng với một số lượng đầy đủ các chân lý nền tảng căn bản.

Nghịch với các đoạn Kinh thánh khác

Rất có thể đây không phải là chủ ý của người dịch, nhưng bản dịch của ông ta đi ngược lại với Romans 3:23 như đã được trích ra ở trên, và kể cả 1 John 1:8,10 như được trích ra dưới đây:

Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta. … Nhược bằng chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội, ấy là chúng ta cho Ngài là kẻ nói dối, lời Ngài không ở trong chúng ta. (1 John 1:8,10)

Nhưng chúng ta hãy tạm ngừng tại đây để đọc lại đoạn Kinh thánh trong bản dịch tiếng Việt để ôn lại nguyên cớ của bài viết này: “Còn anh em đã chết lầm lỗi và tội ác mình.” Chúng ta biết rằng, theo sự hiểu biết căn bản của phúc âm, người ta chết về tâm linh chẳng phải vì những việc họ làm—những việc ác mà họ làm hoặc những việc lành họ không làm—, nhưng vì họ đã mang lấy bản chất hư nát, chết về tâm linh: là những tội nhân cần sự thương xót và lòng nhân từ của Đức Chúa Trời, như được viết trong Romans 5:12-14:

“Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội. Vì, trước khi chưa có luật pháp, tội lỗi đã có trong thế gian, song chưa có luật pháp, thì cũng không kể là tội lỗi. Nhưng từ A-đam cho đến Môi-se, sự chết đã cai trị cả đến những kẻ chẳng phạm tội giống như tội của A-đam, là người làm hình bóng của Ðấng phải đến.” (Romans 5:12-14)

Chết và sống

Nếu bản dịch tiếng Việt của Ephesians 2:1 là đúng, thì một người chỉ chết trong tâm linh khi họ phạm vào những điều ác, và do đó nếu họ tránh được—ví bằng họ có thể làm được điều đó, hoặc đã trả giá cho tội lỗi mình chẳng hạn bằng sự xưng tội (mặc dù tôi không tin sự xưng tội có thể cất tội lỗi họ)—, thì họ sẽ không mất sự sống. Điều này đi ngược lại với chân lý trong Kinh thánh về sự tái sinh: sự ban cho Thánh Linh vào lòng người tin Chúa. Chúng ta hãy ghi nhớ rằng yếu tố chính mang lại sự sống là đức tin nơi Đấng Christ chứ chẳng phải sự chiến đấu với bản chất tội lỗi.

Trong nhãn quan của bản dịch tiếng Việt trong câu Ephesians 2:1, đời sống người tín hữu ba chìm bảy nổi giống như một con quay dây, yo-yo, cảm thấy mình sống mạnh khi vượt thắng được những cám dỗ, và ngược lại cảm thấy thất bại, xa Chúa, khi rơi vào trong sự cám dỗ. Nếp sống trầm bổng này là chuyện đương nhiên dưới thời Cựu Ước, nhưng hoàn toàn đi ngược với chương trình cứu rỗi của Chúa trong thời Tân Ước. Dưới giao ước cũ, các của lễ thiêu cứ được lập đi lập lại vì tội lỗi không hoàn toàn bị xóa bỏ, nhưng dưới giao ước mới, Đấng Christ đã được dâng lên chỉ một lần là đủ và không bao giờ còn được tái diễn. Do đó với những người đã được tái sinh, nếu họ “VÌ” phạm tội mà phải chết, và nếu Chúa không thể bị đóng đinh trên thập giá lần thứ hai, thì làm sao họ được sống lại nữa? Bằng cách xưng tội chăng? Điều này không thể xảy ra vì “nếu không có sự đổ huyết thì không có sự tha tội.” (Hebrews 9:22).

Quay về đường cũ

Sự dịch sai đoạn Kinh thánh Ephesians 2:1 không phải chỉ đơn giản là một lỗi nho nhỏ trong vấn đề thông dịch, nhưng nó là biểu tượng của khuynh hướng loài người hay nhờ cậy vào sức mạnh của xác thịt, và cũng vì đó họ ỷ lại vào sự tuân giữ luật pháp để bước đi với Chúa. Điều này cũng được phản ảnh qua sự giải thích sai lầm của nhiều đoạn Kinh thánh cho dù chúng đã được thông dịch cách chính xác.

Vì Đấng Christ đã chết một lần trọn vẹn cho tội lỗi, nên một kẻ tin cũng sống lại một lần trọn vẹn trong Thánh Linh khi người đó bước vào trong mối tương giao với Chúa đặt căn bản trên đức tin. Tín lý sai lạc khiến họ nghi ngờ sự cứu rỗi, vì họ tưởng rằng những lầm lỡ vấp phạm không ai tránh khỏi sẽ khiến họ lại phải chết nữa, và vì thế họ quay trở lại trong vòng tròn luẩn quẩn tìm phương thuốc chữa cho tội lỗi mình, và họ dùng sự “xưng tội” như một trong vô số những phương cách khác để làm vơi đi mặc cảm tội lỗi. Thế là họ quay trở về sa mạc như người Do-thái thuở xưa để đi cho trọn bốn mươi năm đầy dẫy sự vất vả nhọc nhằn.

Dịch đúng Ê-phê-sô 2:1

Còn anh em đã chết “TRONG” lầm lỗi và tội ác mình. (Ephesians 2:1)

Anh em đã chết, như A-đam và Ê-va ngày xưa đã chết, như mọi người sinh ra trong bản tính xác thịt hư mất. Các lầm lỗi và tội ác của anh em là hậu quả đương nhiên mà anh em sẽ ngụp lặn “TRONG” đó cho đến ngày được Chúa ban cho một thân thể mới (1 Corinthians 15).

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , , , , and