Phạm Đến Thánh Linh

Tội này là tội gì?

Những phép lạ Chúa Giê-su đã làm trong Kinh thánh được phân ra làm hai loại. Thứ nhất là các phép lạ được làm vì lòng thương xót của Ngài, và thứ hai là một loại phép lạ được làm để chứng tỏ Ngài chính là Đấng Mê-si. Phép lạ chữa người mù từ thuở lọt lòng mẹ ở ao Si-lô-am là thuộc loại thứ hai này.

Cảm nghĩ của các bạn là gì sau khi đọc đoạn Kinh thánh trên, hoặc được nghe giảng luận về ý nghĩa và áp dụng của nó? Phần lớn nghĩ rằng “phạm thượng” hoặc “nói phạm” là những lời sàm sở hoặc vô phép, thiếu sự tôn kính.

PHẠM ĐẾN THÁNH LINH

Sau khi đọc đoạn Kinh thánh trên, nhiều người cũng có giả định rằng phạm đến Thánh Linh tức là nói rằng phép lạ Chúa đã làm là đến từ ma quỉ. Nhưng giả định này có thể đưa đến câu hỏi là vậy thì ai dám đặt câu hỏi về những dấu kỳ phép lạ mà mình chứng kiến. Chúa Giê-su đã cảnh cáo về điều này trong Ma-thi-ơ 24:24:

“Vì nhiều christ giả và tiên tri giả sẽ dấy lên, làm những dấu lớn, phép lạ, nếu có thể được thì họ cũng đến dỗ dành chính những người được chọn.”

Nếu phép lạ của những tiên tri giả giống thật đến độ có thể gạt được cả những người tin Chúa, mà lại còn có sự sợ hãi rằng phạm đến Thánh Linh, thì ai dám nhận diện những tiên tri giả?

BUỘC TỘI CHÚA GIÊ-SU PHẠM THƯỢNG

Nhưng cảm ơn Chúa có cho chúng ta một trường hợp mà chữ “phạm thượng” được sử dụng để chúng ta dùng làm khuôn mẫu hầu có thể định nghĩa và áp dụng trong trường hợp của đoạn Kinh thánh Ma-thi-ơ 12:22-32. Trong Giăng 10:30-33 có viết như sau:

25Đức Chúa Giê-su phán rằng … Ta với Cha là một. 31Người Giu-đa lại lượm đá đặng ném Ngài.32Ðức Chúa Jêsus phán rằng: Ta đã làm trước mắt các ngươi lắm việc lành bởi Cha đến; vì việc chi mà các ngươi ném đá ta?33Người Giu-đa trả lời rằng: Ấy chẳng phải vì một việc lành mà chúng ta ném đá ngươi, nhưng vì lời lộng ngôn: ngươi là người, mà tự xưng là Ðức Chúa Trời.”

Hai từ “phạm thượng” trong Ma-thi-ơ 12:31 và “lộng ngôn” trong Giăng 10:33 đều được dịch từ cùng chữ βλασφημία (blasphemy). Trong Giăng 10:33, người Giu-đa buộc tội Chúa Giê-su là “lộng ngôn” vì Ngài là “người mà tự xưng là Đức Chúa Trời.” Vậy, nếu dùng cùng cách áp dụng đó với Đức Thánh Linh thì “phạm thượng” phải là người mà tự xưng là Đức Thánh Linh. Chúng ta có thể mở rộng ý nghĩa của nó để bao gồm sự người nào đó đóng vai trò Đức Thánh Linh, hoặc thay thế Ngài trong một phận sự nào đó, hoặc có quyền năng giống Thánh Linh, hoặc những điều khác tương tự.

Ý NGHĨA ĐÚNG CỦA TỘI NÀY

Chúng ta hầu hết đều đồng ý rằng Đức Thánh Linh đóng những vai trò sau đây trong đời sống người tin Chúa: Đấng cầu thay, làm ấn chứng của sự cứu rỗi, hướng dẫn chúng ta vào mọi lẽ thật, Đấng làm chúng ta được tái sinh (như Đức Chúa Trời đã ban Thánh Linh khiến A-đam trở nên loài sanh linh), Đấng Yên Ủi, Đấng cáo trách thế gian về tội lỗi, Đấng truyền đạt ý Chúa cho tín hữu, Đấng ban sự khôn ngoan, Đấng ban các ân tứ, Đấng làm chúng ta sanh bông trái, và có thể có những điều khác nữa.

Do đó, sự phạm đến Thánh Linh phải là những người, hoặc hệ thống tín lý nào đó, tìm cách thay thế vai trò của Đức Thánh Linh.

AI CÓ THỂ PHẠM TỘI NÀY?

Thực ra, có rất nhiều hình thức mà một người có thể tìm cách đóng vai trò Thánh Linh. Hiện nay, chúng ta đã thấy có nhiều lãnh đạo các tôn giáo với nhiều người theo trong hội thánh Chúa trên toàn thế giới. Họ cũng cổ động nhiều những tín điều sai quấy có thể khiến tín hữu đi lạc con đường mà mình đã theo lúc ban đầu. Vì thế, sự đâm rễ vững nền trong đạo ân điển của Đấng Christ thật là một điều cần thiết để chúng ta có thể nhận diện được những tiên tri giả hoặc các giáo điều sai lạc.

Tuy nhiên, theo nhận xét của riêng tôi, những lá thư của Phao-lô cho chúng ta thấy nan đề lớn nhất của tín hữu là nhận thức được sự khác biệt giữa luật pháp và ân điển, đức tin và việc làm. Chúa Giê-su đã dùng nhiều ngụ ngôn để nói trước về những khác biệt này nhưng chúng là những ẩn dụ cho đến khi Ngài dùng Phao-lô để giải thích cho chúng ta trong Tân Ước.

LUẬT PHÁP VÀ THÁNH LINH

Có nhiều đoạn Kinh thánh so sánh vai trò của luật pháp và Thánh Linh. Chẳng hạn như:

“Và ấy là Ngài đã ban tài năng cho chúng tôi giúp việc giao ước mới, chẳng phải giao ước về chữ, bèn là giao ước về Thánh Linh; vì chữ làm cho chết, song Thánh Linh làm cho sống.” (2 Cô-rinh-tô 3:6)

“Chữ” trong đoạn Kinh thánh trên là nói về luật pháp.

“Vì luật pháp của Thánh Linh sự sống đã nhờ Ðức Chúa Jêsus Christ buông tha tôi khỏi luật pháp của sự tội và sự chết.” (Rô-ma 8:2)

“Vì khi chúng ta còn sống theo xác thịt, thì các tình dục xấu xa bị luật pháp xui khiến, hành động trong chi thể chúng ta và kết quả cho sự chết.” (Rô-ma 7:5)

“Vả, nếu chức vụ về sự chết, chạm chữ trên bảng đá, đã là vinh hiển lắm đến nỗi con cái Y-sơ-ra-ên không có thể ngó trên mặt Môi-se, vì cớ sự sáng láng trên mặt người, dầu là tạm, phương chi chức vụ của Thánh Linh càng vinh hiển hơn biết bao!” (2 Cô-rinh-tô 3:7,8)

Trong đoạn Kinh thánh trên, “chức vụ về sự chết” được dùng để diễn tả chức vụ của Môi-se để ban Mười Điều Răn cho dân Do-thái từ núi Si-nai. Chức vụ này được so sánh với chức vụ ban sự sống của Thánh Linh. Tôi đã dùng các đoạn Kinh thánh trên để chứng minh rằng người sử dụng luật pháp để sống đời tin kính rất có thể là người phạm đến Thánh Linh.

KẾT LUẬN

Tôi xin kết luận với hai đoạn Kinh thánh sau đây:

“Tôi không muốn làm cho ân điển Ðức Chúa Trời ra vô ích; vì nếu bởi luật pháp mà được sự công bình, thì Ðấng Christ chịu chết là vô ích.” (Ga-la-ti 2:21)

“Anh em thảy đều muốn cậy luật pháp cho được xưng công bình, thì đã lìa khỏi Ðấng Christ, mất ân điển rồi.” (Ga-la-ti 5:4)

Sự chết của Chúa Giê-su trên thập tự giá là trọng tâm của phúc âm, thế mà sự cậy vào luật pháp để được xưng công bình có thể khiến sự chết của Ngài trở nên vô ích. Thế nghĩa là sao? Là người cậy vào luật pháp sẽ không được cứu. Đó là tội duy nhất không được tha thứ.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , , , , , , and