Yêu Chúa?

Chúng ta hãy suy gẫm về hai câu Kinh Thánh sau: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà kính mến Chúa là Ðức Chúa Trời ngươi” (Luke_10:27), và “Nầy sự yêu thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Ðức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta” (1 John_4:10). Làm sao chúng ta có thể hoà giải được hai chân lý này về sự yêu thương? Một mệnh lệnh chúng ta phải yêu Chúa cách hết lòng, còn một định nghĩa khác nói rằng tình yêu không phải là của loài người cho Chúa, nhưng là của Chúa yêu loài người.

Mệnh Lệnh Yêu Thương

Mệnh lệnh yêu thương mà Chúa Giê-su đã phán trong Luke 10:27 đã trở nên một khuôn vàng thước ngọc cho hầu hết các giáo phái đặt nền tảng trên Thánh Kinh. Tất cả các sự dạy dỗ khác trong Kinh Thánh đều phải lùi lại để nhường chỗ cho mệnh lệnh cao cả này nhất là khi nó đến từ miệng của Đấng Cứu Thế.

25Bấy giờ, một thầy dạy luật đứng dậy hỏi đặng thử Ðức Chúa Jêsus rằng: Thưa thầy, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời? 26Ngài phán rằng: Trong luật pháp có chép điều gì? Ngươi đọc gì trong đó? 27Thưa rằng: Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà kính mến Chúa là Ðức Chúa Trời ngươi; và yêu người lân cận như mình. 28Ðức Chúa Jêsus phán rằng: Ngươi đáp phải lắm; hãy làm điều đó, thì được sống (Luke 10:25-28).

Chúa Giê-su nhắc nhở người nghe về mệnh lệnh này đã được ghi trong sách Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:5. Bây giờ Ngài dùng nó, Ngài dùng chính câu trả lời của một sành sõi luật pháp Môi-se, hay có lẽ đây là lời mà chính người đó đã nghe Chúa phán trong Matthew 22:37, để tóm lại ý nghĩa của Mười Điều Răn, mà còn làm cho ý nghĩa của nó mạnh mẽ hơn và gói ghém trọn vẹn hơn bản văn nguyên thuỷ khi Môi-se nhận từ trên đỉnh núi Si-nai. Lời đó đâm thấu vào lòng người và phơi bày tội lỗi hơn bất cứ mệnh lệnh nào khác.

Làm trọn được điều răn?

Chúng ta hãy trở về với Mười Điều Răn để suy gẫm xem nhân loại đã đạt được đến mức nào để thoả mãn được tiêu chuẩn tối cao này dưới Cựu Ước. Mười Điều Răn chỉ là sự thể hiện rõ ràng hơn của luật pháp đã được ghi vào tâm khảm của tổ tiên chúng ta trong vườn Địa Đàng. Loài người dù có Mười Điều Răn hay có những luật từ lương tâm (Romans 2:14), chẳng một ai giữ được dù chỉ một điều thôi, đó là chưa nói tới đoạn Kinh Thánh trong James 2:10 viết như sau: “Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều răn, thì cũng đáng tội như đã phạm hết thảy.” Có ai trong nhân loại không hề phạm tội dù chỉ một điều?

Thế còn khuôn vàng thước ngọc, mệnh lệnh yêu thương? Mục đích của Chúa Giê-su là Ngài dùng tiêu chuẩn tối cao đó để những người thời đó nhận thức rằng họ không thể nào đạt được sự công bình qua những việc đạo đức của mình. Ngài muốn họ đừng giơ tay tuyên bố điều mà họ không làm được:

Môi-se bèn đến thuật lại cho dân sự mọi lời phán của Ðức Giê-hô-va và các luật lệ, thì chúng đồng thinh đáp rằng: Chúng tôi sẽ làm mọi lời Ðức Giê-hô-va phán dạy (Exodus 24:1).

Nhưng thay vì thế họ nên quỳ gối nhìn nhận sự bất lực của mình mà đặt niềm tin nơi Ngài. Nếu họ không giữ được Mười Điều Răn, thì làm sao họ giữ được mệnh lệnh yêu thương?

Chúa Giê-su đã dùng mệnh lệnh yêu thương để vạch ra tội lỗi trong lòng những người dù không thực sự phạm tội ngoại tình trong thể xác, hoặc giết hại một ai. Mệnh lệnh trong Cựu Ước viết rằng: “Chớ giết người,” thì mệnh lệnh trong Tân Ước viết: “Chớ mang ý tưởng muốn giết người.” Mệnh lệnh cũ viết: “Chớ phạm tội tà dâm,” thì mệnh lệnh mới viết: “Chớ động lòng tà dâm.”

Thật vậy, mệnh lệnh yêu thương không phải là một khuôn vàng thước ngọc, mà là một bản án tử hình mới cho bất cứ ai tìm cách dùng nó để đạt được sự công bình. Thật chẳng ai có thể đạt được điều đó.

Bản chất loài người

  • Vì mọi người đều phạm tội và thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời ((Romans 3:23).
  • Thật, chẳng có người công bình ở trên đất làm điều thiện, mà không hề phạm tội (Ecclesiastes 7:20).
  • Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta (1 John 1:8).
  • Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được? (Jeremiah 17:9)
  • Ðức Chúa Jêsus nghe vậy, bèn phán cùng họ rằng: Chẳng phải kẻ mạnh khỏe cần thầy thuốc đâu, nhưng là kẻ có bịnh; ta chẳng phải đến gọi người công bình, nhưng gọi kẻ có tội (Mark 2:17).
  • Vì thật là tự trong lòng người mà ra những ác tưởng, sự dâm dục, trộm cướp, giết người (Mark 7:21).

Có thể nào một người trong tình trạng kể trên lại làm trọn được mệnh lệnh yêu thương? Từ tấm lòng và tâm trí “dối trá hơn mọi vật?” Nhưng Chúa Giê-su đã biết điều này rồi. Ngài ban mệnh lệnh đó để loài người đừng tự dối mình nữa, để họ bước xuống khỏi bệ cao và nhận thức rằng họ là những người “khổ sở, khốn khó, nghèo ngặt, đui mù và lỏa lồ (Revelation 3:17).

Sự thành thật của Phi-e-rơ

15Khi ăn rồi, Ðức Chúa Jêsus phán cùng Si-môn Phi -e-rơ rằng: Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi yêu ta hơn những kẻ nầy chăng? Phi -e-rơ thưa rằng: Lạy Chúa, phải, Chúa biết rằng tôi yêu Chúa. Ðức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy chăn những chiên con ta. 16Ngài lại phán lần thứ hai cùng người rằng: Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi yêu ta chăng? Phi -e-rơ thưa rằng: Lạy Chúa, phải, Chúa biết rằng tôi yêu Chúa. Ðức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy chăn chiên ta. 17Ngài phán cùng người đến lần thứ ba rằng: Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi yêu ta chăng? Phi -e-rơ buồn rầu vì Ngài phán cùng mình đến ba lần: Ngươi yêu ta chăng: Người bèn thưa rằng: Lạy Chúa, Chúa biết hết mọi việc; Chúa biết rằng tôi yêu Chúa! Ðức Chúa Trời phán rằng: Hãy chăn chiên ta.

Chúng ta hãy chú ý đến chữ “yêu” trong đoạn Kinh thánh trên, một chữ đậm đen và một chữ đậm đỏ. Chữ yêu màu đỏ đậm được mang số Strong 25 cho chữ Hy-lạp ἀγαπάω, hoặc agapáō, cùng một chữ được dùng trong mệnh lệnh yêu thương, trong khi chữ yêu màu đậm đen mang số Strong 5368 cho chữ Hy-lạp φιλέω, hoặc philéō, nói lên sự yêu mến trong tình bạn hữu.

Khi Chúa Giê-su hỏi Phi-e-rơ lần thứ ba rằng ông có yêu Ngài không, Chúa đã hạ mình xuống ngang hàng với Phi-e-rơ và thay vào đó dùng chữ “philéō”. Trong suốt mẩu đối thoại đó Phi-e-rơ đã chẳng hề dùng chữ “agapáō.” Dù là một người ngông nghênh chẳng kém ai, Phi-e-rơ nhất định không chịu dùng chữ ἀγαπάω, hoặc agapáō.

Định nghĩa tình yêu

Cách Chúa Giê-su hỏi Phi-e-rơ hai lần đầu rằng ông có ἀγαπάω, hoặc agapáō, Ngài, cũng là cách mà Ngài đã ban cho nhân loại mệnh lệnh yêu thương, để khiến họ hạ mình, nhận thức rằng họ chỉlà người phàm xác thịt không thể nào có khả năng yêu thương Đức Chúa Trời với hết tấm lòng, ý chí, và linh hồn.

Do đó Chúa đã viết trong 1 John 4:10 để xác định một lần cuối cùng rằng tình yêu không phải là của loài người dành cho Đức Chúa Trời, mà là của Đấng giàu lòng thương xót cho loài người.

Nầy sự yêu thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Ðức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta (1 John 4:10).

Đó là chính Đức Chúa Trời đã yêu thương thế gian chứ chẳng phải họ yêu Ngài.

Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời (John 3:16).

Kết Luận

Vốn bản chất loài người không thể yêu thương Đức Chúa Trời. Họ nghĩ họ yêu Ngài nhưng thực ra họ yêu thương chính mình. Khi nói rằng họ yêu thương Đức Chúa Trời họ tự đặt mình lên địa vị cao hơn chính con người thực cuả họ. Họ φιλέω, hoặc philéō, Đức Chúa Trời nhưng đã lầm tưởng rằng họ có thể ἀγαπάω, hoặc agapáō, Ngài. Nếu muốn làm trọn mệnh lệnh yêu thương họ phải agapáō Chúa, nhưng đó là điều loài người không thể làm.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: and