Lời Cầu Nguyện của Áp-ra-ham

Vả, khi các ngươi cầu nguyện, đừng dùng những lời lặp vô ích như người ngoại; vì họ tưởng vì cớ lời mình nói nhiều thì được nhậm (Matthew 6:7). Chớ vội mở miệng ra, và lòng ngươi chớ lật đật nói lời trước mặt Ðức Chúa Trời; vì Ðức Chúa Trời ở trên trời, còn ngươi ở dưới đất. Vậy nên ngươi khá ít lời (Ecclesiastes 5:2). Bấy giờ, từ giữa cơn gió trốt, Ðức Chúa Trời đáp cùng Gióp rằng: Kẻ nầy là ai dám dùng các lời không tri thức, Mà làm cho mờ ám các mưu định ta? (Job 38:1-2)

Giả định phổ thông

Mặc dầu bài viết này nói về sự cầu nguyện, mục đích chính là chuyển cái nhìn của người đang cầu nguyện khỏi chính mình, khỏi vấn đề mình đang cầu nguyện, và khỏi cả những cách thức của chính sự cầu nguyện, nhưng hướng về Đấng mà người đó đang cầu nguyện.

Dường như có một sự thoả thuận rằng sự xảy đến của những điều tốt lành, chẳng hạn như một người nào đó được chữa lành, một tai nạn được tránh khỏi, là nhờ có một người nào đó đang cầu nguyện. Trong nhà chúng tôi có một bảng gỗ có khắc hàng chữ: “Lời cầu nguyện thay đổi mọi sự.” Nhiều sách vở đã được viết với những mẩu chuyện kể lại những phép lạ đã xảy ra vì lời cầu nguyện. Những mẩu chuyện này trở nên những đỉnh cao của kinh nghiệm sống dường như còn tồn tại lâu dài hơn cả những người mà đời sống họ đem đến những câu chuyện đó.

Một giả định nữa dường như phổ thông trong vòng các tín hữu của các tôn giáo là thần mà họ tôn thờ có vẻ thụ động, thờ ơ, cho đến khi được khơi động bởi sự cầu khẩn của tín hữu. Thường thì những tín hữu này đã phải khẩn cầu tha thiết để lay chuyển cánh tay của đấng họ tin.

Những lời chứng về quyền năng của sự cầu nguyện

Chúng ta đã thường được nghe những lời kể lại của những cha mẹ cầu nguyện cho con cái mình trong nhiều thập niên cho đến một ngày kia khi tin mừng đến, đứa con hoang đàng đã về nhà và mọi ngợi khen được dâng lên Chúa. Và những lời thuật lại về những nhóm tín hữu họp lại để cầu nguyện cho một người nào đó đã bị lâm một bệnh tình trầm trọng. Và nhiều mẩu chuyện khác đã được viết lại qua nhiều thế hệ.`

Chắc chắn Đức Chúa Trời chữa lành và tham dự vào đời sống con người, và Ngài quý báu lời cầu nguyện của những kẻ tin Ngài. Chúa cảm nhận mọi tấm lòng đau thương đang tìm cầu sự giải cứu, nhưng phải chăng Ngài phải đợi cho đến khi có người cầu nguyện? Chúa yêu thương một tội nhân hơn bất kỳ ai có thể biết đến và cầu nguyện cho người đó, nhất là những người đơn chiếc không ai biết đến để cầu thay.

Abraham, Lót, và Sô-đôm

Các đoạn 18 và 19 của Sáng Thế Ký ghi lại một biến cố mà trong đó lửa xuống từ trời để huỷ diệt hai thành lớn: Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Chúng ta đặc biệt chú ý tới Sô-đôm vì đó là nơi cư ngụ của cháu ông Lót. Trong đoạn Kinh thánh này chúng ta thấy Áp-ra-ham cầu nguyện với Chúa về thành Sô-đôm khác với cung cách chúng ta thường thấy trong vòng những kẻ cầu nguyện. Bài viết này không nói về cách thức cầu nguyện, nhưng nghiên cứu về những dữ kiện dẫn đến sự cầu nguyện của Áp-ra-ham, cũng như nội dung của lời cầu nguyện của ông.

Câu chuyện khởi đầu với lời độc thoại của Đức Chúa Trời: “Lẽ nào ta giấu Áp-ra-ham điều chi ta sẽ làm sao?” Đó là chính Chúa đã chọn để bày tỏ dự tính của Ngài cho Áp-ra-ham. Áp-ra-ham có lẽ đang bận rộn với những công việc thường ngày với đôi lúc nghĩ đến không biết khi nào ông và vợ dấu yêu có được đứa con thừa tự. Mặc dầu hai ông bà đã có một con qua người tớ gái A-ga, họ chắc thường suy gẫm phải chăng dòng dõi mà Chúa hứa với họ vẫn còn nằm trong chương trình của Đức Chúa Trời vẫn còn tiếp diễn, mặc dầu đã lâu lắm rồi kể từ khi lần đầu họ nghe lời Chúa hứa.

Cho đến giờ phút này, Áp-ra-ham đã không cầu nguyện về thành Sô-đôm, và cũng chẳng cầu nguyện về cháu của mình là Lót, ít nhất là cho đến khi Chúa bày tỏ cho ông chương trình của Ngài. Rồi cho đến khi ông bắt đầu cầu nguyện, lời cầu nguyện của ông không giống với những gì chúng ta quen thuộc.

Áp-ra-ham đã không cầu nguyện về Lót. Nhưng khi được nghe Chúa nói về dự định huỷ diệt thành Sô-đôm, ông hỏi Ngài:

“Chúa sẽ diệt người công bình luôn với người độc ác sao? 24 Ngộ trong thành có năm mươi người công bình, Chúa cũng sẽ diệt họ hết sao? Há chẳng tha thứ cho thành đó vì cớ năm mươi người công bình ở trong sao? Không lẽ nào Chúa làm điều như vậy, diệt người công bình luôn với kẻ độc ác; đến đỗi kể người công bình cũng như người độc ác. Không, Chúa chẳng làm điều như vậy bao giờ! Ðấng đoán xét toàn thế gian, há lại không làm sự công bình sao?”

Chúa trả lời với ông:

Nếu ta tìm được trong Sô-đôm năm mươi người công bình, vì tình thương bấy nhiêu người đó ta sẽ tha hết cả thành.

Rồi Áp-ra-ham tiếp tục dò xét tấm lòng của Chúa về số người công bình tối thiểu khiến Chúa có thể vì họ mà dừng cơn nóng giận. Bốn mươi lăm người công bình? Bốn mươi? Ba mươi? Hai mươi? Và cuối cùng là mười? Cho mỗi câu hỏi Ngài trả lời rằng sẽ không huỷ thành vì số người công bình trong đó.

Điều quan trọng nhất

Tại sao Áp-ra-ham đã không cầu nguyện đặc biệt cho Lót? Dĩ nhiên có nhiều điều quan trọng trong đời sống ông mà Lót là một phần trong đó (Genesis 13:8-9), nhưng có một điều gì đó quan trọng hơn nhiều: bản tính của Đức Chúa Trời. Sau khi mỗi câu hỏi được nêu lên với Chúa với con số người công bình từ từ giảm xuống, Áp-ra-ham cảm nhận ông biết Chúa nhiều hơn. Đối với ông, mọi điều khác, kể cả Lót và thành Sô-đôm, và ngay cả những nghi vấn trong lòng ông về lời hứa của Đức Chúa Trời về hậu tự của ông, và mọi điều khác trong trần thế, phai mờ khi so sánh với sự nhận biết về bản tính của Đức Chúa Trời.

Áp-ra-ham mang một ấn tượng về Đức Chúa Trời của vũ trụ: “Không lẽ nào Chúa làm điều như vậy, diệt người công bình luôn với kẻ độc ác.” Áp-ra-ham không cần phải thương lượng với Chúa thêm nữa. Vì bây giờ ông biết, dù chỉ có một người công bình trong thành, Chúa cũng không huỷ diệt chỉ vì một người đó. Đó là Đức Chúa Trời mà Áp-ra-ham muốn biết, và tin cậy. Ông tin Chúa về số mệnh của Sô-đôm. Từ đây trở đi, dù có điều gì xảy ra chăng nữa ông biết mọi sự sẽ tốt đẹp. Ông hoàn toàn an tâm về Chúa.

Trước hết tìm kiếm nước Đức Chúa Trời.

31Ấy vậy, các ngươi chớ lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? uống gì? mặc gì? 32Vì mọi điều đó, các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi. 33Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Ðức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa. 34Vậy, chớ lo lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy (Matthew 6:31-34).

Trước hết tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài. Đây chính là điều chúng ta nhận xét từ mẩu đối thoại giữa Áp-ra-ham và Đức Chúa Trời.

Chắc chắn Áp-ra-ham cũng là một người như chúng ta với nhiều nhu cầu cần cầu nguyện. Chúng ta cũng biết ông và vợ ông là Sa-ra vẫn đang trông đợi sự trọn vẹn của lời hứa của Đức Chúa Trời về hậu tự của họ. Và chắc họ cũng đang sốt ruột về cháu là Lót và gia đình của ông ở thành Sô-đôm. Rồi trong lúc tuổi già sức yếu chắc cũng có nhiều vấn đề về sức khoẻ cần được Chúa thăm viếng. Và nhiều nan đề khác nữa trong cuộc sống.

Nhưng chúng ta đã không nghe Áp-ra-ham nói gì về những điều này trong lời cầu nguyện của ông với Chúa. Thay vào đó chúng ta nghe ông dò dẫm về chiều sâu của tình yêu Chúa cho nhbững kẻ thuộc về Ngài. Nếu Áp-ra-ham có thể tin cậy nơi Chúa về điều quan trọng này thì chắc ông sẽ tin cậy nơi Chúa trong mọi điều khác nữa.

Áp-ra-ham chắc đã từng nghe tiếng đồn về thành Sô-đôm là một thành phố cực kỳ tội lỗi. Nhưng ông đã không vì thế cầu nguyện xin Chúa huỷ diệt thành đó. Nhưng ông chọn để chú tâm vào những người công bình còn sống ở đó. Nhưng quan trọng hơn nữa là sự ông chú tâm vào bản tính Đức Chúa Trời. Những câu trả lời của Chúa sẽ dệt nên trong ông một hình ảnh về Ngài và cái nhìn của ông về cuộc sống.

Áp-ra-ham quả là một người tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài.

Lời cầu nguyện của ông cũng giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của 2 Peter 3:18:

Hãy tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Ðức Chúa Jêsus Christ.

Hãy để lời cầu nguyện của Áp-ra-ham hướng dẫn chúng ta trong sự tìm biết Chúa.

Mắt Chúa dõi trông từng con chim sẻ

29Hai con chim sẻ há chẳng từng bị bán một đồng tiền sao? Và ví không theo ý muốn Cha các ngươi, thì không hề một con nào rơi xuống đất. 30Tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi. 31Vậy, đừng sợ chi hết, vì các ngươi quí trọng hơn nhiều con chim sẻ (Matthew 10:29-31).

Nếu Chúa lo tưởng đến từng con chim sẻ, và ngay cả chính từng sợi tóc trên đầu chúng ta là điều dường như không đáng kể, há Ngài chẳng lo đến những nhu cầu trọng yếu hơn trong đời sống chúng ta như sức khoẻ, thức ăn hằng ngày, hoặc những lo lắng khác có thể đang đè nặng trên tâm khảm chúng ta? Còn những điều có vẻ thiêng liêng hơn như các mục vụ, chương trình truyền giáo? Ai đã cầu nguyện để Chúa Giê-su xuống thế từ trời, hoặc ai đã cầu nguyện để đưa Ngài lên từ âm phủ? (Romans 10:5-13)

Kết luận

Chúa không lơ là, và Ngài cũng chẳng mệt mỏi hay buồn ngủ. Trong trường hợp của Áp-ra-ham liên hệ đến thành Sô-đôm và cháu ông là Lót, đó là chính Đức Chúa Trời đến báo tin cho ông. Lời cầu nguyện của Áp-ra-ham chỉ là một sự đáp lại sự mong muốn của Đức Chúa Trời muốn chia xẻ với ông điều mà trí ông không hề nghĩ đến: “Lẽ nào ta giấu Áp-ra-ham điều chi ta sẽ làm sao?”

Đó chính là Chúa đã đem đến cho Môi-se chương trình của Ngài để giải cứu dân tộc Ngài ra khỏi xứ Ai-cập trong khi ý tưởng về dân tộc mà ông đã từng biết đã quá phai mờ trong tâm khảm của ông. Môi-se bây giờ đã tám mươi và đã quá quen thuộc với đời sống tĩnh lặng trong sa mạc. Không, ông đã không cầu nguyện cho dân tộc ông vẫn còn nằm trong xiềng xích nô lệ, mà cũng chẳng có ai chung quanh để đồng chia xẻ với ông khải tượng giải cứu họ ra khỏi xứ Ai-cập.

Thế còn Giô-na, phải chăng chính ông yêu thương dân thành Ni-ni-ve, hay là chính Chúa? Phải chăng chính Giô-na đã có khải tượng về sự rao truyền tin lành cho họ hay là Chúa đã tỏ bày tấm lòng của Ngài với ông: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian?”

Cũng cùng một trường hợp với sứ đồ Phao-lô. Ông đang bận rộn bắt bớ những người theo Chúa khi Ngài bày tỏ cho ông sự Ngài kêu gọi ông thành khí cụ dẫn đưa họ vào con đường hẹp và thẳng trong niềm tin mới của họ nơi Đấng Christ. Thực vậy, sứ đồ Phao-lô đã được Chúa gọi ông từ trong bụng mẹ để làm công việc mà Chúa đã sắm sẵn cho ông (Galatians 1:15), rất lâu trước khi ông biết mở lời cầu nguyện.

Chẳng một ai trong những vĩ nhân này tự khởi xướng về những công việc vĩ đại này. Họ chỉ một cách đơn giản sống trong tầm hiểu biết của họ, chẳng hề biết đến những trọng trách vĩ đại sẽ đến với họ sau khi Chúa gọi họ vào trách vụ hầu việc Ngài.

Dĩ nhiên cũng có lúc chúng ta cần cầu nguyện, và cầu nguyện với hết tấm lòng, về những vấn đề lớn và cấp bách. Mặc dầu chúng ta biết Chúa biết rõ mọi điều về đời sống chúng ta, được bày tỏ sự nặng nề trong lòng với Chúa là một ơn phước lớn, nhất là khi chúng ta được lời hứa rằng Đức Thánh Linh sẽ giúp chúng ta bày tỏ những ý tưởng mà chúng ta không thể nghĩ đến trong lúc khẩn trương.

Nhưng ngoài những trường hợp đó chúng ta có cần cầu nguyện không ngừng chăng? Hãy thử tưởng tượng một trẻ thơ cứ nói không ngừng với cha mẹ nó? Cầu nguyện không phải là chỉ nói với Chúa, nhưng cũng là nghe lời Chúa phán. Hãy thử suy gẫm về sự nghe tiếng Chúa là một cách cầu nguyện tốt hơn. Và Chúa thường hay phán với chúng ta qua Thánh Kinh. Sau cùng, yên lặng trước mặt Chúa và nhận thức Ngài là Chúa là điều còn tốt hơn nữa.

“Vả, khi các ngươi cầu nguyện, đừng dùng những lời lặp vô ích như người ngoại; vì họ tưởng vì cớ lời mình nói nhiều thì được nhậm (Matthew 6:7).

Chớ vội mở miệng ra, và lòng ngươi chớ lật đật nói lời trước mặt Ðức Chúa Trời; vì Ðức Chúa Trời ở trên trời, còn ngươi ở dưới đất. Vậy nên ngươi khá ít lời (Ecclesiastes 5:2).

1Bấy giờ, từ giữa cơn gió trốt, Ðức Chúa Trời đáp cùng Gióp rằng: 2Kẻ nầy là ai dám dùng các lời không tri thức, Mà làm cho mờ ám các mưu định ta? (Job 38:1-2)

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: and