Hầu Việc Chúa

Rất nhiều bài vở đã được viết về chủ đề "Hầu Việc Chúa." Những người đang làm một việc gì đó liên hệ đến đức tin thì nghĩ rằng họ đang hầu việc Chúa. Người viết sách về sự hầu việc Chúa nghĩ rằng họ đang làm công việc đó. Thế còn những người đang nhận lãnh những sự chỉ dạy đó, họ biết phải làm gì để hầu việc Ngài?

Martin Luther khẳng định rằng: “Trước hết, chúng ta phải quen thuộc với cách dùng chữ trong thơ Rô-ma và biết ý của Phao-lô khi ông dùng những chữ như luật pháp, tội lỗi, ân điển, đức tin, công bình, xác thịt, thần linh, v.v. Vì nếu không thì có đọc cũng vô ích. … Bạn không thể hiểu chữ luật pháp theo cách thường của loài người, chẳng hạn như lề luật về những điều cần làm hoặc những điều bị ngăn cấm.” Chữ “tội lỗi” trong bối cảnh của Rô-ma là chữ bị hiểu lầm nhiều nhất.

Theo cái nhìn phổ thông

Vậy bạn phải hầu việc Chúa như thế nào? Chữ "hầu việc" hàm ý một điều gì đó thuộc linh, phụng sự tha nhân, đòi hỏi lòng vị tha, một mức độ xả thân nào đó. Khi nói về một người nào đó hầu việc Chúa, chúng ta ngụ ý việc họ làm bắt nguồn từ chính họ. Nó bắt nguồn từ chính họ vì những việc làm này đỏi hỏi một sự hi sinh của chính bản thân. Chúng ta cũng hàm ý họ xứng đáng được ban thưởng vì những hành động hy sinh đó.

Nhưng ý niệm về sự hầu việc Chúa đó có phù hợp với lời Kinh Thánh viết về việc làm cho nước Đức Chúa Trời?

Theo Thánh Kinh

Chúng ta hãy đọc đoạn Kinh Thánh Luke 17:7-10 dưới đây:

7Ai trong các ngươi có đầy tớ đi cày hoặc đi chăn, khi ở ngoài đồng về, biểu nó rằng: Hãy đến ngay mà ngồi ăn, hay sao? 8Trái lại, há không biểu nó rằng: Hãy dọn cho ta ăn, thắt lưng hầu ta, cho đến chừng nào ta ăn uống xong, rồi sau ngươi sẽ ăn uống sao? 9Đầy tớ vâng lịnh mà làm, thì chủ có biết ơn gì nó chăng? 10Các ngươi cũng vậy, khi làm xong việc truyền phải làm, thì hãy nói rằng: Chúng tôi là đầy tớ vô ích; điều chúng tôi đã làm là điều chắc phải làm (Luke 17:7-10).

Thông thường chúng ta nghĩ rằng hầu việc Chúa là một việc làm tự nguyện và tuỳ tâm, chẳng hạn như phục vụ cộng đồng qua sự tình nguyện làm việc ở một trung tâm thiện nguyện nào đó. Nhưng việc làm trong đoạn Kinh Thánh này không mang ý nghĩa “tuỳ lòng hảo tâm,” nhưng hình dung một trách nhiệm, của người nô lệ, hoặc tôi tớ, đối với chủ. Người “nô lệ” này phải làm công việc họ được giao phó. Do đó họ không có quyền trông đợi một phần thưởng, hoặc một lời khen ngợi. Và vì đây là một công việc mà người tôi tớ phải làm, nên nó mang một ý nghĩa khác với việc làm cao thượng mà chúng ta thường nói đến trong những bài học Kinh Thánh.

Chúng ta hãy đọc qua một hình ảnh nữa trong ngụ ngôn người làm việc trong vườn nho.

1Vả, nước thiên đàng, giống như người chủ nhà kia, tảng sáng đi ra, để mướn người làm công cho vườn nho mình. 2Khi người chủ đã định giá với người làm công, mỗi ngày một đơ-ni-ê, thì sai họ vào vườn nho mình. 3Ước chừng giờ thứ ba, người chủ lại ra, thấy những kẻ khác rảnh việc đứng trong chợ, 4thì nói cùng họ rằng: Các ngươi hãy đi vào vườn nho ta, và ta sẽ trả tiền công phải cho. 5Họ liền đi. Ước chừng giờ thứ sáu và giờ thứ chín, người chủ lại ra, cũng làm như vậy. 6Ước chừng giờ thứ mười một, chủ ra, lại thấy những kẻ khác đứng trong chợ, thì hỏi rằng: Sao các ngươi đứng đây cả ngày không làm gì hết? 7Họ trả lời rằng: Vì không ai mướn chúng tôi. Người chủ nói với họ rằng: Các ngươi cũng hãy đi vào vườn nho ta.

8Đến tối, chủ vườn nho nói với người giữ việc rằng: Hãy gọi những người làm công mà trả tiền công cho họ, khởi từ người rốt cho đến người đầu. 9Những người làm công mướn từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người được một đơ-ni-ê. 10Rồi tới phiên những người đầu đến, tưởng lãnh được nhiều hơn; song họ cũng lãnh mỗi người một đơ-ni-ê.

11Khi lãnh rồi, lằm bằm cùng chủ nhà, 12mà rằng: Những người rốt ấy chỉ làm một giờ, mà chủ đãi cũng như chúng tôi, là kẻ đã chịu mệt nhọc cả ngày và giang nắng. 13Song chủ trả lời cho một người trong bọn rằng: Bạn ơi, ta không xử tệ với ngươi đâu; ngươi há chẳng đã định với ta một đơ-ni-ê sao? 14Hãy lấy của ngươi mà đi đi; ta muốn trả cho kẻ rốt nầy bằng như đã trả cho ngươi vậy. 15Ta há không có phép dùng của cải ta theo ý muốn ta sao? Hay là ngươi thấy ta ở tử tế mà lấy mắt ganh sao? 16Đó, những kẻ rốt sẽ nên đầu và kẻ đầu sẽ nên rốt là như vậy. (Matthew 20:1-16)

Cũng cùng một Chúa Giê-su là Đấng kể ngụ ngôn này với câu chuyện trong Lu-ca 17, chúng ta phải nhìn nhận rằng đây cũng là những công việc thuộc cùng một loại: công việc mà người tôi tớ làm cho chủ. Cách trả lương của người chủ vườn nho cho thấy sự tương đồng với mối liên hệ chủ/tớ. Trong mối liên hệ đó cũng không có sự ban thưởng và ngợi khen. Tiền công trong ngụ ngôn này cũng không mang ý nghĩa lương bổng, vì lương bổng thì phải cân xứng với công sức của người làm việc. Vậy thì tiền công đó là gì nếu không phải là tiền thưởng hay lương bổng? Có lẽ là những gì người làm việc cần để làm công việc mà chủ giao phó.

Nếu chúng ta kết hợp hai câu chuyện này làm một, ý nghĩa của sự hầu việc Chúa có thể được viết như sau: không có sự hầu việc Chúa bởi sự tự nguyện hoặc từ lòng hảo tâm—vì mối liên hệ chủ/tớ, nhưng mỗi người đều có công việc được ban cho bởi ý muốn của Chúa, và vì không bởi sự tình nguyện, nên cũng không có sự ban thưởng, hoặc lương bổng.

Có một điều cần phải giải thích ở đây. Hiện nay mặc dầu chúng ta liên hệ với Đức Chúa Trời qua Đấng Christ trong địa vị con cái của Ngài, ý nghĩa của sự hầu việc vẫn là giữa chủ và người nô lệ nếu ân điển là nền tảng trong mọi khía cạnh của đời sống tin kính. Để sự hầu việc được đặt nền tảng trên ân điển, nó không thể đến bởi sự tự nguyện hoặc tuỳ thích, nhưng là điều Chúa đã sắm sẵn cho mỗi người tuỳ theo sự giàu có của ân điển Ngài. Điều này khiến mọi người đang làm một công việc gì đó cho nước Trời, hoặc những người dường như có vẻ không đóng một vai trò gì, đều đứng trên cùng một địa vị như nhau (ngụ ngôn người làm việc trong vườn nho—Matthew 20:1-16). Chúa sẽ ban cho mỗi người công việc tuỳ theo ý tưởng cao diệu của Ngài. Điều này cũng khiến sự thúc giục hầu việc Chúa trở nên không cần thiết, vì nếu Chúa đã sắm sẵn, và “áp đặt” công việc trên kẻ tôi-tớ/nô-lệ—theo nghĩa bóng, thì cần gì đến sự thúc giục? Có thể nào chúng ta không làm việc mà Chúa đã sắm sẵn? Có thể nào Môi-se, Giô-na, hoặc Phao-lô cưỡng lại được công việc mà Chúa đã sắm sẵn cho họ?

Vậy chúng ta có thể nói rằng mọi công việc tự nguyện, đến từ chính bản thân, thì không thể được chấp nhận trong nước Trời? Câu trả lời cho câu hỏi này là chìa khoá để hiểu được ý nghĩa của sự hầu việc Chúa, mục vụ, hay bất cứ điều gì được làm trong danh Chúa.

Sự hầu việc Chúa theo ân điển

Chúng ta hãy ôn lại đoạn Kinh Thánh quen thuộc Ephesians 2:8-10.

8Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Ðức Chúa Trời. 9Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình; 10vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Ðức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Ðức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo (Ephesians 2:8-10).

Chúng ta thường ngừng lại ở câu 9, nhưng câu 10 cho một định nghĩa về sự hầu việc đến từ ân điển. Những việc lành đã được sắm sẵn trước bởi Đức Chúa Trời cho những kẻ được chọn nhờ ân điển. Như đã được nhấn mạnh ở trên, để những việc làm được đặt trên nền tảng của ân điển, chúng không thể nào đến từ sự tình nguyện hoặc tuỳ thích, và vì thế cũng không có phần thưởng hay sự khen ngợi. Điều này loại bỏ mọi sự khoe mình về đức độ cá nhân. Sự “áp đặt” của việc làm mà Chúa đã sắm sẵn cho kẻ tin thực ra đúng là một việc lạ lùng của ân điển Chúa, vì nó cất khỏi người tín hữu sự hoang mang vì phải cố tìm biết điều gì mình phải làm cho Chúa, nhưng thay vào đó nó cho người đó được sự bình an chờ đợi Chúa bày tỏ điều gì họ phải làm. Không cần phải được thúc giục.

Nô lệ của sự công bình

Có một đoạn Kinh Thánh rất kỳ diệu trong Rô-ma đoạn 6 mà trong đó Phao-lô dùng hình ảnh của người nô lệ để bày tỏ sự chuyển từ địa vị tội lỗi đến sự công bình mà chúng ta có thể dùng để giải thích rằng sự hầu việc Chúa không phải là sự tự nguyện hoặc tuỳ thích.

17Nhưng, tạ ơn Ðức Chúa Trời, vì sau khi anh em làm tôi mọi tội lỗi, thì đã từ lòng vâng phục đạo lý là sự đã ban làm mực thước cho mình! 18Vậy, anh em đã được buông tha khỏi tội lỗi, trở nên tôi mọi của sự công bình rồi (Romans 6:17-18).

Xin theo dõi sự chuyển từ địa vị nô lệ tội lỗi sang sự nô lệ của sự công bình.

Chúng ta hãy suy gẫm về sự nô lệ dưới tội lỗi. Phao-lô nói về điều đó như một sự hiển nhiên, rằng chúng ta là những người nô lệ dưới tội lỗi. Trong mối liên hệ chủ/nô không có điều gì tuỳ thích, nhưng mọi sự đều bị áp đặt trên kẻ nô lệ. Có thể nào một kẻ nô lệ cưỡng lại ý của chủ? Hoàn toàn không. Có thể nào một người tôi tớ nói với chủ: Hãy xem, tôi đang phục vụ người từ thiện tâm, mặc dù tôi không buộc phải làm những việc đó? Không. Kết quả sẽ là sự chết nếu người nô lệ không làm theo ý chủ.

Phao-lô hẳn phải dùng từ “nô lệ” để bày tỏ sự không cưỡng lại được của việc lành là kết quả của sự trở nên nô lệ của sự công bình. Cũng như kẻ nô lệ dưới tội lỗi không thể cưỡng lại được quyền lực của nó, người nô lệ dưới sự công bình cũng không cưỡng được sự thúc đẩy để làm việc lành. Chúng ta phải hiểu rằng Phao-lô đang dùng sự so sánh này để giải thích quyền lực của ân điển trong đời sống của những kẻ thuộc về Đấng Christ để làm việc lành. Mọi điều này loại bỏ ý niệm rằng những việc lành làm trong danh Đấng Christ là những việc tự nguyện mà mỗi người tự quyết định cho chính mình cách thức và thời gian hầu việc Chúa. Tuyệt đối không, vì mọi công việc đã được định trước bởi Đức Chúa Trời từ trước muôn đời cho mỗi kẻ tin Ngài.Chẳng cần ai thúc đẩy, hay khuyên giục. Thực ra, những sự thúc đẩy hay khuyên giục từ loài người lại cản trở hoặc làm hoang mang tâm trí của người mà Chúa đã có sẵn chương trình cho họ.

Phao-lô bày tỏ mối liên hệ chủ/nô một cách khác trong Rô-ma.

“Vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn.” (Romans 7:19)

Thế còn quyền tự do tự quyết?

Có người có thể nêu lên câu hỏi về quyền tự do tự quyết để đối chọi với sự tranh luận trình bày qua bài viết này, rằng sự hầu việc Chúa phải đến từ sự tự nguyện và từ chủ ý của người làm việc thì mới có giá trị. Thoạt nghĩ đến thì điều này có vẻ là một động lực chính đáng để hầu việc Chúa, từ sự tự do của ân điển thay vì sự đòi hỏi của luật pháp.

Đến đây chúng ta nhận thấy có 3 định nghĩa của sự hầu việc Chúa: 1) bởi sự tự do, 2) bởi sự đòi hỏi của luật pháp, 3) bởi sự sắm sẵn trước của Đức Chúa Trời—là điều mà bài viết này chủ trương.

Định nghĩa về sự hầu việc Chúa mà đa số công nhận là đến từ sự chủ động của một cá nhân, có vẻ đáng kính nhất và dường như phù hợp với nguyên tắc cứu rỗi bởi ân điển và qua đức tin. Nhưng công việc đó, dù đến từ sự tự nguyện, có thực đến từ một động cơ thực sự thanh khiết? Có một chút xíu gì vương vấn của sự thèm muốn được ngợi khen hoặc ban thưởng?

Không ai khi làm việc lành mà tránh khỏi một động cơ ích kỷ. Tiên tri Giê-rê-mi đã viết: “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được? (Jeremiah 17:9)” Tiên tri Ê-sai cũng viết về những việc lành mà loài người làm: “Chúng tôi hết thảy đã trở nên như vật ô uế, mọi việc công bình của chúng tôi như áo nhớp; chúng tôi thảy đều héo như lá, và tội ác chúng tôi như gió đùa mình đi (Isaiah 64:6)”

Do đó phương cách duy nhất để một công việc được chấp nhận cho nước Trời là nó phải đến từ bên ngoài người làm công việc đó hầu cho mọi ý niệm về phần thưởng hoặc sự ngợi khen đều bị loại trừ.

Kết luận

8Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Ðức Chúa Trời. 9Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình; 10vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Ðức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Ðức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo (Ephesians 2:8-10).

Romans 11:6 viết rằng nếu bất cứ một khía cạnh nào trong sự liên hệ với Đức Chúa Trời đến bởi việc làm thì ân điển không còn là ân điển nữa. Do đó sự khoe mình không thể hiện hữu trong mối liên hệ bởi ân điển. Không ai làm công việc Chúa nhiều hơn ai vì Đức Chúa Trời là Đấng sắm sẵn những công việc đó. Sự “nô lệ của sự công bình (Romans 6:18)” có vẻ tiêu cực nhưng là một chân lý huyền nhiệm từ sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời và là một phần trong quan trọng trong ân điển Chúa. Người tín hữu được thoát khỏi sự dày vò trong lòng không biết họ có đang làm công việc Chúa hay chưa. Họ an nghỉ trong sự trọn vẹn của Thập Tự Giá của Đấng Christ và tin rằng Chúa đã có một chương trình cho mỗi người trong sự hầu việc Ngài.

Những tác động từ bên ngoài, những sách vở hoặc giảng luận, thúc giục người đọc hoặc người nghe, về sự hầu việc Chúa, có thể khiến một người rời bỏ nhiệm vụ họ đang làm vì tưởng rằng đó không phải là công việc Chúa. Lại nếu Chúa đã sắm sẵn việc làm cho những kẻ tin Ngài thì không lẽ Ngài lại để họ lần mò tìm ý Ngài như người mê tín dị đoan? Như Chúa đã sắm sẵn công việc cho Môi-se, Giô-na, và Phao-lô như thể nào thì Ngài cũng sắm sẵn cho chúng ta thể ấy. Công việc Chúa là địa vị của mỗi kẻ tin Ngài trong hiện tại, vai trò của họ trong xã hội, trong gia đình, trong hội thánh. Không cần phải ai sai bảo hay thúc giục. Nếu có sự khuyên bảo hay thúc giục nào, là cho những người đang đối diện với những thử thách khó khăn cần sự nâng đỡ.

Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao? (Romans 8:32)

Mọi sự, kể cả sự hầu việc Chúa.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: and