Kẻ đang ngủ, hãy thức dậy!

Một đoạn Kinh thánh thường được dùng để đánh thức những tín hữu sống dường như đang mê ngủ trong đời sống đức tin, gọi họ thức dậy để đem nhiều kết quả cho Chúa. Phải chăng đây là lời kêu gọi để kẻ chết thuộc linh được vào sự sống, hay lời kêu gọi kẻ sống nhưng vật vờ yếu đuối?

Vô ứng dụng

Ephesians 5:14, một đoạn Kinh thánh trích thẳng từ Isaiah 51:17: “Ngươi đương ngủ, hãy thức, hãy vùng dậy từ trong đám người chết, thì Ðấng Christ sẽ chiếu sáng ngươi.”, thường được dùng để động viên thúc giục người tín hữu thăng tiến. Tuy nhiên, một câu hỏi cần được nêu lên là: đoạn Kinh thánh này có nên được áp dụng cho người đã tin Chúa, hay chỉ dành cho những kẻ còn ở ngoài Ngài? Thật ra, bài viết này sẽ chứng tỏ rằng đoạn Kinh thánh này không thể dùng được trong môi trường truyền giáo hoặc ngay cả trong nỗ lực thánh hóa hội thánh Chúa, lý do là vì đó không phải là mục đích chính của đoạn Kinh thánh.

Truyền giáo?

Trong đoạn Kinh thánh John 11:1-44 khi Chúa Giê-su đem La-xa-rơ trở về từ cõi chết, Ngài phán: “Hỡi La-xa-rơ, hãy ra.” Bạn có nghĩ rằng Chúa Giê-su đã đợi La-xa-rơ nghe lời gọi của Ngài và đi đến quyết định có ra khỏi mồ mả không? Không có lý nào một người đã chết bốn ngày lại nghe được lời kêu gọi mà bước ra khỏi mộ. Lời kêu gọi đó thực ra là cho những kẻ ở chung quanh đó, cho Ma-thê là chị em của La-xa-rơ hoặc những người đang chứng kiến sự kiện, được biết điều sắp xảy ra, một phép lạ chưa từng thấy, một bày tỏ quyền năng của Đức Chúa Trời, và trên hết là lời tuyên bố về một kỷ nguyên mới, lời mở đầu cho một giao ước mới giữa Đức Chúa Trời và loài người.

Do đó chúng ta có thể khẳng định rằng đoạn Kinh thánh này, Isaiah 51:17, không thể được dùng trong mục tiêu truyền giáo cho người ngoại đạo, hoặc nhằm mục đích đánh thức những kẻ đã ở trong Đấng Christ. Vì đoạn Kinh thánh này chỉ là một lời tuyên bố về những việc sẽ xảy đến trong tương lai.

Nhằm mục đích thánh hóa?

Isaiah 51:17 có thể được áp dụng như thế nào cho đời sống người tín hữu? Để đánh thức họ dậy từ sự mệt mỏi tâm linh? Giả sử đây là một điều hợp với Kinh thánh, thì kết quả đạt được đến mức nào? Theo kinh nghiệm riêng tôi, thành quả hầu như chỉ là con số không. Nhưng thực ra sự áp dụng này hoàn toàn trái ngược với Kinh thánh, vì sự tìm cách áp dụng đoạn Kinh thánh này cho người tin Chúa đặt nền tảng trên giả dụ rằng họ vẫn còn trong sự chết, nghĩa là sự chết của Đấng Christ trên thập tự giá là vô ích, và họ còn ở trong tội lỗi mình (1 Corinthians 15:17).

Chỉ là một lời tiên tri

Isaiah 51:17 là một lời tiên tri về điều Chúa Giê-su sẽ làm trọn trên thập tự giá, một sự sống nhờ sự đến ngự trị của Thánh Linh đã mất bởi A-đam nhưng bây giờ được ban lại cho những kẻ tin. Chẳng khác gì khi xưa Chúa đã ban Thánh Linh Ngài để khiến cục đất sét trở nên loài sinh linh thưở sáng thế, thì Ngài cũng ban sự sống cho những kẻ đã chết về đời sống tâm linh. Đây không phải là tiếng gọi để người chết nghe được mà đạt được sự sống, hoặc để người tín hữu biếng nhác trở nên tích cực hăng say, nhưng là một lời hứa về con đường mới và sống bởi sự dâng thân thể của Đấng Christ.

Những người chiến thắng

Nếu chúng ta quả thực là những người chiến thắng theo Romans 8:37, thì vì đâu chúng ta lại cần được đánh thức dậy từ trong vòng những kẻ chết? Thật vô lý phải không các bạn? Chúng ta cũng nhận thức rằng sự thắng cuộc mình có được là nhờ Đấng Christ đã vô hiệu hóa quyền lực của tội lỗi, Ngài đã đổi tình trạng của chúng ta từ địa vị những tội nhân bị nguyền rủa trở nên con cái Đức Chúa Trời, Ngài đã khiến chúng ta được trở nên tinh bạch hơn tuyết trắng ngần. Chúng ta cũng nhận thức rằng bất kể hoàn cảnh nào, giàu sang hoặc nghèo khó, mạnh khỏe hoặc yếu đau, đang ở trong hoặc ngoài các mối liên hệ, thành công hay thất bại, cũng không có ảnh hưởng gì trên cơ nghiệp vĩnh cửu mà không ai hoặc điều gì có thể cướp đi.

Được đồng chết và sống lại với Đấng Christ

Và nếu Ðấng Christ đã chẳng sống lại, thì đức tin anh em cũng vô ích, anh em còn ở trong tội lỗi mình. (1 Corinthians 15:17)

Vả, nếu chúng ta đã cùng chết với Ðấng Christ, thì chúng ta tin rằng mình cũng sẽ sống lại với Ngài, bởi biết rằng Ðấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, thì chẳng chết nữa; sự chết không còn cai trị trên Ngài. (Romans 6:8-9)

Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp tem trong sự chết Ngài, hầu cho Ðấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy.(Romans 6:4)​

Chúa Giê-su đã sống lại từ trong kẻ chết, thì bạn cũng vậy.

Chúa ngự trong lòng

Ấy lại cũng trong Ngài mà anh em sau khi đã nghe đạo chơn thật, là đạo Tin Lành về sự cứu rỗi anh em, ấy là trong Ngài mà anh em đã tin và được ấn chứng bằng Ðức Thánh Linh là Ðấng Chúa đã hứa (Ephesians 1:13)

Hầu cho phước lành ban cho Áp-ra-ham nhờ Ðức Chúa Jêsus Christ mà được rải khắp trên dân ngoại, lại hầu cho chúng ta cậy đức tin mà nhận lãnh Ðức Thánh Linh đã hứa cho.. (Galatians 3:14)

Thế thì tại sao một người có Thánh Linh ngự trong lòng lại có thể chết mà cần được đánh thức dậy? Thực ra người đó còn sinh động hơn cả A-đam trước khi loài người phạm tội cùng Đức Chúa Trời.

Không vết, không chỗ trách được

Nhưng bây giờ Ðức Chúa Trời đã nhờ sự chết của Con Ngài chịu lấy trong thân thể của xác thịt mà khiến anh em hòa thuận, đặng làm cho anh em đứng trước mặt Ngài cách thánh sạch không vết, không chỗ trách được. (Colossians 1:22)

Xin ghi nhận rằng sự nên thánh và không chỗ trách được của chúng ta không có nghĩa là chúng ta đã đạt được những đặc tính này bởi nỗ lực của chính mình, nhưng là sự ban cho bởi Đấng Christ. Các bạn có thể được sinh động hơn như thế này chăng?

Lẽ tự nhiên

Chắc các bạn biết ngụ ngôn Mười người nữ đồng trinh khi tất cả bọn họ, người dại cũng như người khôn, đều ngủ gật trong khi chờ đợi chàng rể? Trong ngụ ngôn này, Chúa cho chúng ta thấy vấn đề của các người nữ ngu dại không phải là ở chỗ họ ngủ gật, nhưng ở chỗ họ lên đường mà không đem theo yếu tố tối cần là dầu để thắp đèn. Sự ngủ gật của các nàng trinh nữ có thể ở dưới nhiều dạng thức khác nhau trong đời sống con người, và trên thực tế, qua những khó khăn và trở ngại trong cuộc sống mà Chúa chuẩn bị chúng ta cho cuộc sống vĩnh cửu. Có người có thể khuyên các bạn hãy tỉnh thức canh phòng, nhưng tôi tin rằng sự vào nơi an nghỉ Chúa lại là điều cần yếu hơn (Hebrews 4:11).

Sự sống vĩnh cửu

Lời kêu gọi những linh hồn thức dậy từ giấc ngủ của sự chết không còn áp dụng cho những người đã lìa cõi chết để đến sự sống khi họ đặt niềm tin nơi Đấng Christ. Nhưng nhiều tín hữu không nhận thức được điều đó. Họ nghe lời kêu gọi vào trong cõi sống và coi đó là chuyện thường, rằng họ phải tỉnh cơn mê để đi đến một điều gì đó tốt đẹp hơn, theo một cung cách và sự tin tưởng không khác gì những người theo các tín ngưỡng khác tin vào những kiếp luân hồi mà qua đó họ được tiến lên một sự tái sinh ở cấp bực cao hơn. Vì dựa vào tiêu chuẩn không xác định để kiểm chứng chỗ đứng của mình trước mặt Đức Chúa Trời, họ không thể nào có được sự bình an, và luôn luôn lo lắng không biết Chúa nghĩ gì về mình. Đây không phải là cách sống đời tin kính, nhưng trái lại họ nên nghe lời khuyên dạy của tác giả sách Hê-bơ-rơ mà chú nhìn vào Đấng Christ (Hebrews 12:2; John 3:14). Cho dù họ có hiện đang sống một nếp sống tốt lành và đạo đức, họ không còn cậy vào chúng để đạt được sự công bình của Đức Chúa Trời, mà chỉ cậy vào sự công bình của Đấng Christ để đạt được tiêu chuẩn tối thượng của Ngài.

Đây có thực là điều trọng yếu?

Quả thực là điều trọng yếu, vì nếu người tín hữu không nắm chắc về sự cứu rỗi của mình, thì cả đời sẽ cố tìm cách đạt được điều mà Đấng Christ đã ban cho mình rồi. Họ sẽ cứ xoay vần trong vòng tròn luẩn quẩn của sự bối rối hoang mang.

Cho dù người tín hữu có lúc cũng thấy mòn mỏi, ngủ mê trong khi chờ đợi sự trở lại của Đấng Christ mà biết đâu sẽ không xảy ra trong cuộc đời mình, người đó chẳng cần phải được đánh thức dậy như kẻ đang trôi dần vào trong giấc ngủ của những người hư mất. Bất kể họ đang ở trong trạng thái nào, chỗ đứng của họ trong tình yêu của Cha Thiên Thượng vẫn cứ vững bền vì đã được ấn chứng bởi huyết Chiên Con và sự sống đời đời bởi được Thánh Linh đến ngự trong lòng như ngày xưa Ngài đã hà hơi ban sự sống cho tổ phụ A-đam để ông được trở nên một loài sinh linh. Bất kể họ đang ở trạng thái nào trong cuộc sống tạm này, dù đang sống trong an bình với sức lực của thời thanh xuân, hay đang bị tấn công từ mọi phía bởi những nghịch cảnh ngoài sức chiến đấu của con người, vẫn có một sự vững lòng về chỗ đứng của mình trước mặt Đức Chúa Trời vì họ đã được mặc lấy áo trắng công bình của Đấng Christ.

Sự áp dụng sai lầm của Isaiah 51:17 có thể dẫn đến sự người tín hữu đặt trọng tâm sai lầm trên nỗ lực của riêng mình thay vì trên điều chính Chúa Giê-su đã làm trọn, hoặc từ điều chỉ mình Đấng Christ có thể thực hiện đến nỗ lực vô vọng của sức người. Một bên đem đến niềm hy vọng, còn một bên đem đến sự tuyệt vọng. Cách giải thích và ứng dụng đoạn Kinh thánh này cho chúng ta nhiều dấu hiệu để định giá mục vụ của một người hay một tổ chức nào đó.

Nguyền xin ân điển và sự bình an ở cùng bạn.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , , , , and