Ý Chúa

Câu hỏi thường được các tín hữu nêu lên là: “Chúa có ý muốn gì cho đời sống tôi?” Nhiều sách vở đã được viết nhắm vào mục đích hướng dẫn người đọc làm sao để tìm được câu trả lời cho câu hỏi này. Thế nhưng hầu hết không thấy được ý nghĩa chân thực của “ý Chúa” cho những người đang tìm kiếm nó trong cuộc sống.

Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên loài người với tấm lòng khao khát tìm được ý nghĩa, mục đích, và giá trị bản thân, phản ảnh sự nhận thức về mình như Vua Đa-vít: “Tôi cảm tạ Chúa, vì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ lùng. Công việc Chúa thật lạ lùng, lòng tôi biết rõ lắm.” Nhưng điều đáng buồn là bây giờ lòng họ trở nên trống vắng, và chẳng có điều gì trong thế gian có thể phủ đầy chỗ trống phảng phất hình ảnh của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên đây không phải là một bài viết để chứng minh về nhu cầu của con người cần Chúa, nhưng để nói về những người đã tin Chúa nhưng vẫn còn lạc lõng. Sự lạc lõng của họ không phải vì họ không được vào nước Trời, nhưng về khoảng thời gian giữa hiện tại và lúc Chúa gọi họ về nước Ngài; và họ chẳng thấy sự sung mãn trong đời sống tin kính. Phải chăng đây cũng là lý do nhiều tín hữu không có sự vững lòng tin về sự cứu rỗi?

Trước khi tôi tin Chúa

Một số những từng trải được chia xẻ ở đây có thể không áp dụng được vào trường hợp những người sinh ra và lớn lên trong môi trường đạo Chúa, nhưng có lẽ vẫn có thể áp dụng được vào đời sống của một số đông vì thường người ta chỉ tăng trưởng về đức tin nơi Đấng Christ ở một giai đoạn nào đó sau tuổi trưởng thành. Trong những giai đoạn đó có nhiều sự hoang mang, nhiều câu hỏi không có câu trả lời, nhiều lo lắng về tương lai, sự cực kỳ khao khát tìm được ý nghĩa trong cuộc sống, một nhu cầu tự nhiên để cảm nhận mình thuộc về một điều gì đó, và vô số những sự khao khát được bày tỏ qua nhiều dạng thức khác nhau.

Riêng phần tôi, quyển Steppen Wolf của Hermann Hesse mà tôi đã đọc trong những năm đầu đại học đã khơi dậy trong tôi một dòng cuồng lưu của những thắc mắc hiện sinh như một lối thoát trong nỗ lực tìm câu trả lời cho những nghi vấn dai dẳng đó. Những ý tưởng của tác giả đã khích động những suy nghĩ của riêng tôi trong cuộc hành trình nội tâm. Những luồng tư tưởng đó lúc đầu thì thực hứng thú, nhưng dần dần gây khó chịu vì cứ xoay vần mà chẳng đưa đến một kết luận nào có ý nghĩa.

Sau khi tôi tin Chúa

Sau hơn một thập niên cố gắng tim cách thoát khỏi mê hồn trận của cuộc sống qua những ý tưởng hiện sinh, thử nhúng vào Transcendental Meditation và tốn một thời gian nghiên cứu quyển Bhagavad Gita qua sự giải thích của một thiền sư Ấn độ và những tác phẩm khác, Chúa đã mở mắt cho tôi thấy phúc âm tuyệt vời của Chúa Giê-su Christ. Một hình ảnh tôi thường dùng để diễn tả biến cố quan trọng này là tôi đã xem lời mời gọi của Đấng Christ như một thời điểm tuyệt hảo để thoát khỏi vòng tròn luẩn quẩn, xoay vần, của sự tìm siêu thoát bởi chính sức lực của mình dù nhiều hứa hẹn nhưng chẳng đi đến đâu. Tôi đã cảm nhận được một sự nhẹ nhàng thư thái như chưa từng thấy; một gánh nặng rơi khỏi lưng mình; một cảm giác an bình thấy mình đứng vững vàng trên mặt đất, tôi thấy mình có thể an tâm bắt đầu xây dựng một cuộc sống bình thường như bao nhiêu người khác. Thật là một cảm giác tuyệt vời thấy mình được an bình với thế giới chung quanh, không còn phải cố tìm lối thoát như trong những giấc mộng cứ lập lại hằng đêm.

Nhưng nỗi vui mừng về sự cứu rỗi lúc ban đầu đã chửng tỏ rằng thật ngắn ngủi. Sự theo đuổi ý nghĩa cuộc sống bây giờ trở thành cuộc hành trình đi tìm ý Chúa. Điều khác biệt là bây giờ có Chúa trong bối cảnh. Tôi đã thường chỉ giải quyết các vấn đề chỉ một mình, nhưng bây giờ tôi phải trả lời với Chúa. Mặc dù sự tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống bây giờ nằm trong một phạm vi nhỏ hẹp hơn, cũng vẫn còn đủ rộng lớn để gây cho người tín hữu nhiều bối rối hoang mang.

Chẳng bao lâu thì tôi lại thấy mình lọt trở lại vào vòng tròn luẩn quẩn của cuộc chạy đua. Những ác mộng thấy mình bị lạc đường ở đâu đó, mất một điều gì quý báu, hoặc bị lùi lại xa trong trường học không thể cứu vãn, bây giờ thay vào đó là những giấc mộng thấy mình là một giáo sĩ ở một chân trời xa xăm nào đó. Dù không phải là ác mộng, chúng vẫn là những giấc mộng không thành. Số lượng sách vở về niềm tin giữ tôi bận rộn trong nhiều năm nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời. Ý Chúa là gì cho đời sống tôi? Tôi sẽ phục vụ Ngài như thế nào? Những chuyến đi xuống phố rao truyền tin mừng cứu rỗi của Chúa Giê-su Christ đem lại một phần nào ý nghĩa và sự thỏa lòng nhưng chỉ trong chốc lát; có nhiều khi trong những chuyến đi đó tôi tự hỏi mình có thực sự biết rõ điều mình đang rao giảng cho người khác, về lời Chúa hứa cất gánh nặng cho những tâm hồn đang sờn ngã. Tôi cũng giống như người đang rao bán một món hàng mà chính mình chưa thực sự hưởng những lợi ích của nó.

Một số đoạn Kinh thánh về ý Chúa

Chúng ta hãy xem vài đoạn Kinh thánh thường được nhắc đến về ý Chúa cho đời sống người tin Chúa.

3Vì ý muốn Đức Chúa Trời, ấy là khiến anh em nên thánh: tức là phải lánh sự ô uế, 4mỗi người phải biết giữ thân mình cho thánh sạch và tôn trọng, 5chẳng bao giờ sa vào tình dục luông tuồng như người ngoại đạo, là kẻ không nhìn biết Đức Chúa Trời. (1 Thess 4:3-5)

phàm làm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ đối với anh em là như vậy. (1 Thess 5:18)

Từ những đoạn Kinh thánh này chúng ta đọc được về ý Chúa về sự ít nhất là tránh những cám dỗ về xác thịt và luôn sống trong sự tạ ơn. Thế còn ý Chúa về sự dâng hiến, trái Thánh Linh, rao giảng phúc âm, đức tính tốt, trau giồi Kinh thánh, các mối liên hệ, sự tham lam, ganh tị, sự kiêu ngạo, khôn ngoan, nóng giận, đạo đức giả, lòng thành thật, và vô số các điều tốt lành khác? Dầu số đoạn Kinh thánh nói trực tiếp về ý Chúa chỉ đếm trên đầu ngón tay, trên thực tế quan niệm về ý Chúa chỉ giới hạn bởi óc sáng tạo phong phú của loài người như chúng ta thấy trong các sách vở nói về niềm tin.

Với một số gần như vô giới hạn những điều có thể là ý Chúa cho đời sống, người tín hữu chắc phải bận rộn lắm để tìm kiếm ý Chúa cho đời mình. Câu hỏi có thể được đặt ra ở đây là khi nào họ có thể kinh nghiệm được sự an nghỉ mà Chúa Giê-su đã hứa cho họ, hoặc khi nào họ có thể sở hữu chân lý “mọi sự đã được trọn mà Chúa Giê-su đã thốt lên trước khi Ngài hoàn thành trọng trách mà Đức Chúa Trời đã giao phó?

Vấn đề tội lỗi

Thông thường người ta nghĩ rằng tội lỗi là những điều sai trái rõ ràng chẳng hạn như ngoại tình, sát nhân, hay bất cứ điều gì biết được qua đức tin, nhưng trong thực tế bất cứ điều gì mang đến cho một người ý niệm thất bại thì điều đó trở nên tội lỗi đối với họ. Chúa đã ban cho chúng ta câu chuyện của ông Gióp để chứng tỏ cho chúng ta sức mạnh của tâm trí trong sự lên án một người. Trong trường hợp của Gióp sự mất mát to lớn trong đời sống ông là thất bại đó. Chúng ta thấy các bạn bè của ông đi đến kết luận rằng Gióp đã phạm tội nên ông đã lâm vào tình cảnh đó. Ngay cả chính Gióp cũng ngờ rằng mình đã phạm tội nên tìm cách bênh vực cho sự công bình của chính mình. Câu chuyện người mù từ lúc sơ sinh cũng chứng tỏ điều này khi những người chung quanh ông quả quyết rằng sự mù lòa của ông là hậu quả của tội lỗi của chính ông hoặc của cha mẹ ông.

Trong đời sống con người thế nào cũng có cơ hội thất bại dù nhiều hoặc ít, điều đó có nghĩa là người tin Chúa luôn luôn sống với mặc cảm tội lỗi nhất là về phương diện tìm biết ý Chúa và cư xử với sự nhận biết đó trong đời sống mỗi ngày.

Cho nên, kẻ biết làm điều lành mà chẳng làm, thì phạm tội. (James 4:17)

Nguyên tắc này áp dụng chung cho người giảng cũng như người nghe mà chắc có lẽ người giảng mang nhiều mặc cảm tội lỗi hơn vì họ thường dạy người khác phải làm điều mà chính họ không làm (Luke 11:46). Nhưng bất kỳ bạn là ai, nếp sống dưới sự thống trị không ngừng nghỉ của tội lỗi và những mặc cảm của nó thì thật trái ngược với tin mừng cứu rỗi.

Giao ước giữa Chúa và người

Đoạn Kinh thánh dưới đây tiêu biểu cho mối liên hệ dựa trên Cựu Ước giữa Đức Chúa Trời và loài người có thể được tóm lại là “nếu các ngươi làm theo những điều này thì Ta sẽ làm cho các ngươi những điều kia.”

1Nếu ngươi nghe theo tiếng phán của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi cách trung thành, cẩn thận làm theo mọi điều răn của Ngài, mà ta truyền cho ngươi ngày nay, thì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ ban cho ngươi sự trổi hơn mọi dân trên đất. 2 Nếu ngươi nghe theo tiếng phán của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, nầy là mọi phước lành sẽ giáng xuống trên mình ngươi. (Deuteronomy 28:1-2).

Lời hứa về những phước lành có một điều kiện kèm theo là sự vâng lời Chúa cách trọn vẹn, do đó chúng ta không nên ngạc nhiên về lý do tại sao nhân loại có cái nhìn về tội lỗi như vậy trong truyện của Gióp và người mù từ lúc sơ sinh, và chúng ta cũng thấy điều đó xảy ra thường xuyên trong bối cảnh một hội thánh qua những lời làm chứng và đối thoại, mà căn bản là sự không được những phước lành là đồng nghĩa với sự không đẹp lòng Chúa.

Nhưng chúng ta đều biết rằng Đức Chúa Trời không thể nào sai lầm, và các điều răn, hoặc luật pháp, của Ngài cũng vậy. Vì vậy chỉ còn có một điều có thể xảy ra là chắc chúng ta sai lầm trong sự nhận thức về vai trò của luật pháp. Luật pháp đã không được ban cho loài người như một khuôn vàng thước ngọc để noi theo, nhưng như một khí cụ để vạch trần bản chất tội lỗi hư nát của họ và mở mắt cho họ thấy sự họ cần Đấng Christ. Sự hiểu lầm về vai trò của luật pháp khiến người tín hữu bị vướng vào một vòng tròn luẩn quẩn không lối thoát, cứ xoay vần tìm ý Chúa mà không hề đến được nơi cho tâm hồn được nghỉ an.

Ý thật của Đức Chúa Trời

Đến đây chúng ta nhận thấy rằng trong tâm hồn mỗi người có một sự khao khát từ tận đáy lòng để tìm ý nghĩa và mục đích cho cuộc sống. Đối với những người chưa có mối liên hệ với Chúa qua Con Ngài, họ bị thúc đẩy bởi luật pháp của lương tâm điều khiển họ trong mỗi ý tưởng và hành động. Còn những người gọi mình là Cơ Đốc Nhân, họ sống dưới sự điều khiển của những điều được viết trong Kính Thánh; đối với họ mặc dù Kinh Thánh cụ thể hơn và dễ tuân theo hơn là luật pháp của lương tâm, nhưng vẫn còn quá mơ hồ khiến những kẻ muốn làm theo cứ mãi luẩn quẩn trong sa mạc đi tìm ý Chúa mà không đến được đất hứa.

Tuy nhiên có một loại “ý muốn” khác của Đức Chúa Trời, không phải là loại thường được hiểu và rao giảng trong thế giới đạo Chúa, không phải là loại mà người ta phải vất vả tìm cầu, nhưng là “ý muốn” mà Đấng Christ đã phải xả thân để bảo đảm cho người nhận được quyền sở hữu, chẳng tùy thuộc vào khả năng, nhưng được thừa hưởng bởi đức tin. Chương 9 của sách Hê-bơ-rơ gọi ý muốn của Đức Chúa Trời là một chúc thơ, là cơ nghiệp đời đời.

15Nhơn đó, Ngài là Đấng trung bảo của giao ước mới, để khi Ngài chịu chết mà chuộc tội đã phạm dưới giao ước cũ, thì những kẻ được kêu gọi nhận lãnh cơ nghiệp đời đời đã hứa cho mình. 16Vì khi có chúc thơ, thì cần phải đợi đến kẻ trối chết đã hứa cho mình. 17Chúc thơ chỉ có giá trị sau khi chết, và hễ kẻ trối còn sống thì nó không có quyền gì.. (Hebrews 9:15-17)

Để nhận thức được cơ nghiệp đời đời này, người theo Đấng Christ phải ngừng mọi nỗ lực theo đuổi ý Chúa theo cách thông thường của thế gian, mà an nghỉ tại chân thập tự giá để có mắt họ có thể được mở ra để thấy được “ý Chúa,” hay nói đúng hơn là một di chúc hoặc cơ nghiệp, đã thuộc về họ trong Đấng Christ, không phải ở một nơi nào đó ngoài họ để kiếm tìm, nhưng đã là của họ rồi bởi lời hứa của Đức Chúa Trời.

Điều đó mới quả thực là sự biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình. Không còn theo Chúa qua cách của đời này, là nhờ vào nỗ lực của riêng mình để tìm ý nghĩa cho cuộc sống, hoặc phương cách để thỏa mãn ý Chúa, nhưng chỉ chú nhìn vào Đấng Christ để nhận biết những gì đã thuộc về mình rồi, đủ để vào nước Trời, đủ để được Chúa hoàn toàn chấp nhận, đủ để được nên thánh, biệt riêng ra cách trọn vẹn cho mục đích của Chúa, và nhiều món quá quý bấu khác Ngài ban cho cùng với Đấng Christ.

Cơ nghiệp

Ý niệm về cơ nghiệp, hoặc gia tài, hoặc đất đai được truyền lại từ đời này qua đời kia, dưới thời Cựu Ước, là một hình bóng nói trước về cơ nghiệp của thời Tân Ước mà chúng ta được hưởng trong Đấng Christ (xin xem phụ chú). Điều này được ghi lại trong sách Dân Số Ký khi đất đai được phân chia cho mối gia đình đủ để họ sinh sống và sau đó truyền lại cho thế hệ mai sau:

52Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: 53Phải tùy theo số các danh mà chia xứ ra cho những người nầy làm sản nghiệp;. 54chi phái nào số dân đông thì ngươi phải cho một sản nghiệp lớn hơn, chi phái nào số dân ít, thì phải cho một sản nghiệp nhỏ hơn, tức là phải cho mỗi chi phái sản nghiệp mình cân phân cùng số tu bộ. 55Nhưng phải bắt thăm mà chia xứ ra; dân Y-sơ-ra-ên sẽ lãnh phần sản nghiệp mình theo tên của các chi phái tổ tông. 56Phải tùy sự bắt thăm mà chia sản nghiệp ra cho mỗi chi phái, hoặc số dân đông hay ít. (Numbers 26:52-56)

Nhưng chắc chắn thế nào cũng có sự mất quyền sở hữu vì nghịch cảnh trong cuộc sống, mất mùa, bệnh tật, hoặc các thất bại khác. Ngoại trừ trong những trường hợp hiếm có, hầu hết những người mất tài sản vì gặp khó khăn chẳng bao giờ hồi phục lại đủ để chuộc lại tài sản. Đức Chúa Trời đã lập nên năm hân hỉ, cứ mỗi năm mươi năm một lần (Leviticus 25:8-17), và năm sa-bát mỗi bảy năm một lần (Leviticus 25:1-7), để thánh hóa kinh tế Ích-ra-ên. Trong năm sa-bát, mỗi thửa đất không được trồng cấy hoặc gặt hái, nhưng năm hân hỉ mang một ý nghĩa rộng lớn hơn: tất cả đất đai bị sang lại hoặc bán cho người khác vì bất cứ lý do gì phải được hoàn trả lại cho người chủ đất nguyên thủy, và tất cả những người làm nô lệ người khác hoặc lao động để trả nợ phải được trả tự do (Leviticus 25:10).

Một tác động của năm hân hỉ là tránh sự mất mát đất đai của các gia đình qua việc bán, cầm, hoặc cho thuê vô thời hạn của những mảnh đất đã được phân cho. Sự kiện này mở đường cho người khốn cùng có cách để kiếm tiền sinh sống cho đến năm hân hỉ tới. Nhưng chúng ta đều biết rằng, bất cứ điều gì Đức Chúa Trời làm, đều làm trong bối cảnh chương trình cứu rỗi để hoàn trả loài người lại cương vị mà họ đã mất sau khi họ phạm tội trong vườn Địa Đàng. Năm hân hỉ là hình bóng đi trước của ân điển Chúa cho những người đã mất sự sống đời đời có thể được lại sự sống đó mà không cần phải trả một giá nào cả (Leviticus 25:10-17).

Đây là để thể hiện lời hứa của Đức Chúa Trời cho Áp-ra-ham rằng họ sẽ được uống nước từ giếng mà họ không phải đào và ăn từ vườn nho và ô-liu mà họ không phải trồng cấy (Deut 6:11). Sự hoàn trả cơ nghiệp trong năm hân hỉ là một hình bóng đi trước tuyệt vời của sự hoàn trả Thánh Linh cho người tin Chúa, và luôn luôn đồng nhất với cách Chúa cứu chúng ta: 8Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời.9Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình; (Ephesians 2:8-9).

Chúng ta hãy thử duyệt qua những thành phần của cơ nghiệp thuộc linh dưới đây.

• Được Thánh Linh ngự vào lòng

11Ấy cũng là trong Ngài mà chúng ta đã nên kẻ dự phần kế nghiệp, như đã định trước cho chúng ta được điều đó, theo mạng của Đấng làm mọi sự hiệp với ý quyết đoán 12 hầu cho sự vinh hiển của Ngài nhờ chúng ta là kẻ đã trông cậy trong Đấng Christ trước nhứt mà được ngợi khen. 13Ấy lại cũng trong Ngài mà anh em sau khi đã nghe đạo chơn thật, là đạo Tin Lành về sự cứu rỗi anh em, ấy là trong Ngài mà anh em đã tin và được ấn chứng bằng Đức Thánh Linh là Đấng Chúa đã hứa, 14Đấng ấy làm của cầm về cơ nghiệp chúng ta, cho đến kỳ chuộc lấy những kẻ mà Ngài đã được để khen ngợi sự vinh hiển Ngài. (Ephesians 1:11-14)

12Về phần chúng ta, chúng ta chẳng nhận lấy thần thế gian, nhưng đã nhận lấy Thánh Linh từ Đức Chúa Trời đến, hầu cho được hiểu biết những ơn mà chúng ta nhận lãnh bởi Đức Chúa Trời. (1 Corinthians 2:12:)

Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận bởi Đức Chúa Trời, và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao? (1 Corinthians 6:19)

• Được cứu chuộc và tha tội

“Trong Con đó chúng ta có sự cứu chuộc, là sự tha tội.” (Colossians 1:14)

Áy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài. (Ephesians 1:7)

Ấy chính Ngài làm của lễ chuộc tội lỗi chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta thôi đâu, mà cũng vì tội lỗi cả thế gian nữa. (1 John 2:2)

• Được nên thánh và xưng công bình

Trước kia anh em ít nữa cũng có một đôi người như thế; nhưng nhơn danh Đức Chúa Jêsus Christ, và nhờ Thánh Linh của Đức Chúa Trời chúng ta, thì anh em được rửa sạch, được nên thánh, được xưng công bình rồi. (1 Corinthians 6:11)

• Bảo đảm về sự cứu rỗi

Hỡi con cái bé mọn ta, ta viết cho các con những điều nầy, hầu cho các con khỏi phạm tội. Nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha, là Đức Chúa Jêsus Christ, tức là Đấng công bình. (1 John 2:1)

Dù vị luật sư tài giỏi nhất trong thế gian cũng không thể bào chữa cho chúng ta bằng Đấng bênh vực tuyệt vời là Con Đức Chúa Trời hằng sống.

• Và mọi điều khác chúng ta cần

Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao? (Romans 8:32)

Kết luận

Mong rằng đến đây sự khác biệt giữa hai cái nhìn về ý Chúa đã trở nên rõ ràng.

Trong cái nhìn truyền thống và phổ thông nhất, ý Chúa là một điều gì đó mà mỗi người phải tự khám phá cho chính mình, nếu muốn được hạnh phúc, nhiều kết quả, hoặc đi đúng theo đường lối Chúa. Nếu họ phải vật lôn với cuộc sống hoặc đời sống đức tin, chắc có lẽ tại họ không cầu nguyện đủ, không tham dự đủ các buổi bồi linh, không tham dự đủ các sinh hoạt trong hội thánh, hoặc những điều khác nữa mà họ đã không làm. Nếu họ ở ngoài ý Chúa thì đó là lỗi tại họ.

Theo cái nhìn kia, ý Chúa trong ý nghĩa của một cơ nghiệp đời đời cho những kẻ tin thì không thể mất đi được. Cơ nghiệp đó là của họ dù họ có ý thức về nó hay không, dù họ có khả năng cầm giữ nó hay không. Cơ nghiệp đó đã được chuộc cho họ bằng huyết Chiên Con của Đức Chúa Trời. Nghe có vẻ dường như vô trách nhiệm nhưng đó là đường lối Chúa, như Ngài đã định trước qua luật về năm hân hỉ.

Sự theo đuổi ý Chúa theo cung cách của thế gian chẳng bao giờ đưa người tín hữu đến sự thỏa lòng, họ luôn luôn sống trong trạng thái hoang mang vì sẽ chẳng bao giờ biết ý Chúa cho đời sống mình là gì, và ngay cả khi họ nghĩ mình biết ý Chúa trong một thời điểm nào đó, họ sẽ chẳng bao giờ thỏa mãn. Sự theo đuổi đó hướng mắt họ về chính mình vì hầu hết những điều họ đang tìm kiếm là để thỏa mãn nhu cầu của xác thịt. Bất kể những đeo đuổi đó dù được che đậy dưới bề ngoài thiêng liêng, mọi nỗ lực của xác thịt cuối cùng sẽ chỉ sinh ra xác thịt, và trọng tâm của họ là chính mình hơn là Chúa.

Cái nhìn về ý Chúa như một cơ nghiệp đời đời đòi hỏi mọi nỗ lực của xác thịt phải đến hồi kết cuộc. Người tín hữu bây giờ hướng mắt mình lìa khỏi sự tự kỷ mà hướng về Đấng Christ là Đấng mà trong Ngài chứa trọn vẹn những điều họ cần thiết cho sự nên thánh và sự thỏa lòng. Họ được an nghỉ vì chẳng còn điều gì có thể tước đoạt cơ nghiệp bởi lời hứa vì năm hân hỉ đã đến. Đây chính là ý muốn, là di chúc, chân thực của Chúa.

Nếu một đời sống được thúc đẩy bởi dù bất cứ một mục đích nào, nguyện xin mục đích đó là an nghỉ trong sự Chúa đã làm trọn mọi điều cần thiết như được viết trong Hebrews 4:11: “Vậy, chúng ta phải gắng sức vào sự yên nghỉ đó.”

Phụ Chú

  • http://www.newcovenantinstitute.net/living_god_ministries/radio_archive/will_of_god.htm (accessed 2017/01/29)
  • https://www.theologyofwork.org/old-testament/leviticus-and-work/the-sabbath-year-and-the-year-of-jubilee-leviticus-25 (accessed 2017/01/29)

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , , , and