Xuất Ê-díp-tô Ký 19:4-25

Chúng ta đã từng nghe nói về Mười Điều Răn, nhưng có ai biết rằng từ nguyên thủy Chúa đã cho dân sự của Ngài một sự lựa chọn giữa luật pháp và ân điển? Khi đưa người Do-thái ra khỏi xứ Ai-cập, Chúa đã gánh họ trên cánh chim ưng. Nói cách khác, Ngài đã giải thoát họ bằng ân điển. Nhưng thay vì thỏa lòng sống trong ân điển Chúa, họ lại muốn sống dưới luật pháp.

Bài giảng của Dr. McGee

Đoạn trích ra in bằng chữ lớn ở trên là từ phần giới thiệu bài giảng rất hay của Dr. J. Vernon McGee về đoạn Xuất Ê-díp-tô Ký 19:4-25 mà tôi đã tình cờ được nghe trong ra-đi-ô vào ngày 21 tháng Chín, 2016. Có lẽ tôi đã được nghe bài giảng này của Dr. McGee hơn ba mươi năm qua, mỗi năm một lần trong hơn một thập niên, nhưng không thực sự hiểu thấu. Tôi đã đi đến sự hiểu biết ngày hôm nay qua sự dẫn dắt riêng của Chúa trong cuộc sống, nhưng được nghe lại từ Dr. McGee lần này trong giờ phát thanh lại vào ngày 21 tháng Chín, 2016 thực là một món quà từ thiên thượng. Bài giảng của ông khích lệ tôi viết bài này từ sự suy gẫm và hiểu biết của riêng tôi.

Trên cánh chim ưng

4Các ngươi đã thấy điều ta làm cho người Ê-díp-tô, ta chở các ngươi trên cánh chim ưng làm sao, và dẫn các ngươi đến cùng ta thể nào. (Exodus 19:4)

Chúng ta biết tình trạng của người Do-thái ở xứ Ai-cập, là nô lệ dưới sự thống trị tàn bạo của những người chủ mà chẳng còn hy vọng gì trong tầm mắt. Thế mà giờ đây họ đã được Chúa giải thoát trên “cánh chim ưng.” Điều này nhắc tôi nhớ lại Isaiah 40:31 nói về những kẻ trông đợi nơi Chúa thì được cất cánh bao cao như chim ưng. Đây chắc phải là tâm trạng của dân Chúa ở Ai-cập, họ đang “trông đợi.” Hay có lẽ họ cũng chẳng trông đợi đâu; sau hằng trăm năm nô lệ qua nhiều thế hệ ở nơi đất khách quê người, mọi hy vọng dường như tan biến. Còn đợi chờ là còn hy vọng vào một điều gì đó, do đó với dân này tia hy vọng cuối cùng dường như tan biến, vậy họ còn mong đợi điều gì? Dù sao đi nữa, đợi hay không đợi, họ chẳng còn cách nào khác nữa.

Lời nhắc nhở này, trước những diễn biến dẫn đến sự họ được ban luật pháp, Mười Điều Răn, đến từ nơi Đức Chúa Trời hẳn phải nhằm mục đích khiến họ đừng quên rằng họ đã chẳng đóng vai trò gì trong sự giải cứu vĩ đại đó, chẳng điều gì đến từ họ để có thể kể công, bởi sức mạnh của xác thịt hoặc đạo đức luân lý.

Đức Chúa Trời đã bao lần quả quyết rằng “Chẳng phải là bởi quyền thế, cũng chẳng phải là bởi năng lực, bèn là bởi Thần ta, Ðức Giê-hô-va vạn quân phán vậy” (Zechariah 4:6).

Một loại thử thách khác

5Vậy, bây giờ, nếu các ngươi vâng lời ta và giữ sự giao ước ta, thì trong muôn dân, các ngươi sẽ thuộc riêng về ta, vì cả thế gian đều thuộc về ta. 6Các ngươi sẽ thành một nước thầy tế lễ, cùng một dân tộc thánh cho ta. Bấy nhiêu lời đó ngươi sẽ nói lại cùng dân Y-sơ-ra-ên. (Exodus 19:5-6)

Khoan đã! Chẳng phải họ đã là tuyển dân của Chúa sao? Chúng ta biết rằng Chúa đã giao ước với Áp-ra-ham trong Genesis 12:1-3 rằng Ngài sẽ ban phước cho ông và dòng dõi ông, và chúng ta cũng biết rằng Áp-ra-ham được xưng công bình trước mặt Đức Chúa Trời vì ông tin Ngài (Genesis 15:6).

Giao ước mà Đức Chúa Trời đã lập với Áp-ra-ham là một giao ước đặt trên nền tảng đức tin, nhưng giao ước xuống từ đỉnh Si-nai thì hoàn toàn khác vì kèm theo một điều kiện đòi hỏi những nỗ lực của họ. Tại sao Chúa lại hỏi họ một điều như thể họ chưa phải là tuyển dân của Ngài? Có gì đã thay đổi? Không, chẳng có thì thay đổi. Đức Chúa Trời vẫn thế từ trước, hôm nay, và cho đến đời đời, và Ngài sẽ không bao giờ bội ước(Hebrews 6:13-20). Điều duy nhất có thể thay đổi là loài người, hoặc họ đã không tin vào lời hứa của Chúa cho Áp-ra-ham, hoặc họ đã chẳng từng sống trong niềm tin đã được ban cho họ qua ông.

Đức Chúa Trời không thử thách họ về sự họ có muốn hoặc sẵn lòng giữ những điều răn viết trên bảng đá, nhưng về sự họ có tin Ngài đủ để nắm chặt lời hứa mà Ngài đã lập với Áp-ra-ham. Đó là đức tin làm đẹp lòng Ngài chứ chẳng phải sự làm theo lề luật để tự tôn mình lên cao.

Sự chọn lựa dại dột

7Môi-se đến đòi các trưởng lão trong dân sự, thuật cùng họ mọi lời Ðức Giê-hô-va đã dặn mình nói lại. 8 Cả dân sự đồng thanh đáp rằng: Chúng tôi xin làm mọi việc Ðức Giê-hô-va đã phán dặn! (Exodus 19:7-8)

CHÚNG TÔI XIN LÀM MỌI VIỆC ĐỨC GIÊ_HÔ_VA ĐÃ PHÁN DẶN! Như chúng ta đã nhận thấy trong đoạn Kinh thánh trên, hoặc họ không tin, hoặc đã quên giao ước mà Đức Chúa Trời đã lập cùng tổ Áp-ra-ham, hoặc họ đã bằng lòng trao đổi giao ước của đức tin lấy giao ước của luật pháp. Mặc dầu Chúa đã nhắc nhở họ về sự Ngài đã giải cứu họ trên cánh chim ưng, họ đã chọn để quên điều đó. Cũng như nhiều người ngày hôm nay xưng nhận danh Đấng Christ nhưng nhất quyết không bước đi trong đức tin, vì nếu nhờ luật pháp thì họ có cớ để khoe khoang về công bình của chính mình (Ephesians 2:8-9; Romans 3:27-28).

Quả là dại dột! (Galatians 3:1-6)

Nhiều người thường nhắc đến mệnh lệnh yêu thương của Chúa Giê-su “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Ðức Chúa Trời ngươi” (Matthew 22:37) với sự tự tin giống như những người trong câu 8 ở trên.

Hãy đọc mẩu đối thoại giữa Chúa Giê-su và người trẻ tuổi giàu có khi anh đến hỏi Chúa làm sao để được sự sống đời đời.

16Nầy, có một người đến hỏi Ngài rằng: Theo thầy, tôi phải làm việc lành chi cho được sự sống đời đời? 17Ðức Chúa Jêsus đáp rằng: Sao ngươi hỏi ta về việc lành? Chỉ có một Ðấng lành mà thôi. Nếu ngươi muốn vào sự sống, thì phải giữ các điều răn. 18Người hỏi: Những điều răn gì? Ðức Chúa Jêsus phán rằng: Những điều răn nầy: Ðừng giết người; đừng phạm tội tà dâm; đừng ăn trộm cắp; đừng làm chứng dối; 19Hãy thảo kính cha mẹ; và: Hãy yêu kẻ lân cận như mình. 20Người trẻ đó thưa rằng: Tôi đã giữ đủ các điều nầy; còn thiếu chi cho tôi nữa? 21Ðức Chúa Jêsus phán rằng: Nếu ngươi muốn được trọn vẹn, hãy đi bán hết gia tài mà bố thí cho kẻ nghèo nàn, thì ngươi sẽ có của quí ở trên trời; rồi hãy đến mà theo ta. 22Nhưng khi người trẻ nghe xong lời nầy, thì đi, bộ buồn bực; vì chàng có của cải nhiều lắm (Matthew 19:16-22).

Người trẻ tuổi trong câu chuyện này đã phạm cùng một lầm lỗi to lớn chẳng khác gì những người trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký ở trên khi anh trả lời Chúa Giê-su: “Tôi đã giữ đủ các điều nầy.” Có thật vậy không? Vì chẳng một ai dưới ánh mặt trời có thể giữ dù chỉ một điều chứ đừng nói đến giữ mọi điều, nhưng Chúa Giê-su biết điều sâu kín trong lòng thanh niên này và Ngài đã dùng điều đó để dẫn anh đến chỗ nhìn nhận thất bại của mình: sự giàu có của anh.

Sự thử thách Chúa đem đến cho người Do-thái ở chân núi Si-nai chẳng phải để xem họ có thể giữ những điều răn Ngài sẽ ban cho họ, nhưng để xem họ có muốn liên hệ với Ngài qua một trong hai cách dưới đây mà cả hai đều biểu tượng cho mối liên hệ đặt nền tảng trên đức tin.

  • Họ tin cậy Chúa đủ để đòi hỏi được có cùng giao ước giữa Đức Chúa Trời và Áp-ra-ham (Genesis 12:1-3).
  • Họ nhìn nhận sự bất lực của mình để giữ giao ước dựa trên luật pháp mà Đức Chúa Trời sắp ban cho họ và thay vào đó bằng sự thương xót của Ngài, và cầu xin Ngài nếu họ có thể được cứ bước đi với Ngài trên cánh chim ưng. Những người đến với Đức Chúa Trời theo cung cách đó sẽ chẳng bị Ngài từ khước (John 6:37).

Khi nhắc nhở họ về sự Ngài đã giải cứu họ như trên cánh chim ưng, Chúa mở rộng vòng tay thương xót của Ngài đến họ nhưng buồn thay họ phản ứng chẳng khác gì nhiều tín hữu oai phong của thời nay: “Chúng tôi xin làm mọi việc Ðức Giê-hô-va đã phán dặn!”

Ba ngày để quyết định

9CHÚA phán với Môi-se rằng: “Ta sẽ đến với con trong đám mây dày đặc và cho dân chúng được nghe Ta nói chuyện với con để chúng luôn tin tưởng con.” Môi-se cũng trình lên cho CHÚA những điều dân Y-sơ-ra-ên đã nói. 10CHÚA phán dạy Môi-se: “Con hãy đến với dân Y-sơ-ra-ên và bảo họ làm cho mình thánh sạch trong ngày hôm nay và ngày mai. Bảo họ giặt áo xống 11và phải sẵn sàng vào ngày thứ ba vì ngày đó CHÚA sẽ giáng lâm trên núi Si-nai trước mắt toàn dân. 12Con phải vạch ranh giới xung quanh núi cho dân chúng và bảo họ: ‘Phải cẩn thận đừng lên núi cũng đừng đụng đến chân núi. Ai đụng đến núi phải bị xử tử. 13Người đó sẽ bị ném đá hoặc bị bắn tên cho chết; không ai được đưa tay sờ đến người đó. Dù là người ta hay súc vật, hễ đụng đến núi thì phải chết. Chỉ khi nào có tiếng kèn thổi dài người ta mới được lên núi.’ ”
14Môi-se ở trên núi xuống, đến với dân chúng, bảo họ giữ mình thánh sạch và giặt áo xống. 15Người dặn dân sự rằng: Trong ba ngày hãy sẵn sàng chớ đến gần đàn bà (Exodus 19:9-15)

Đức Chúa Trời cho dân sự ba ngày để chuẩn bị cho điều sắp xảy đến. Ngài muốn bày tỏ điều gì với họ?

  • Đám mây dày đặc bao phủ sự hiện xuống của Chúa cho thấy vẫn có sự ngăn cách giữa họ với Ngài.
  • Ranh giới được vạch ra cho dân sự chung quanh chân núi nơi mà kẻ vi phạm, người hoặc thú, đều phải bị ném đá hoặc bắn tên cho đến chết. Một lần nữa sự ngăn cách giữa Đức Chúa Trời và tạo vật lại được xác định, và “thịt và huyết chẳng được hưởng nước Đức Chúa Trời, cũng như sự hay hư nát chẳng được hưởng sự không hư nát (1 Corinthians 15:50).
  • Dù với sự chuẩn bị như vậy, sự làm cho thánh sạch qua mọi hình thức, giặt dũ quần áo, tránh liên hệ tình dục, họ cũng chẳng được thấy Đức Chúa Trời. Tất cả chỉ để chuẩn bị họ cho ngày thứ ba; họ chỉ sạch sẽ về nghi lễ bề ngoài nhưng bản chất tội lỗi thì hoàn toàn không thay đổi.

Ba ngày đối diện với ngọn núi kinh khủng của Đức Chúa Trời có gây sự báo động trong lòng họ đến nỗi họ phải nài xin một cách khác để liên hệ với Ngài không? Rằng họ có thể được tiếp tục đi với Ngài trên cánh chim ưng?

Chớ vượt ranh giới

16Qua sáng ngày thứ ba, có sấm vang chớp nhoáng, một áng mây mịt mịt ở trên núi, và tiếng kèn thổi rất vang động; cả dân sự ở trong trại quân đều run hãi. 17Môi-se bèn biểu dân ra khỏi trại quân nghinh tiếp Ðức Chúa Trời; dân sự dừng lại tại chân núi. 18Vả, bấy giờ, khắp núi Si-na -i đều ra khói, vì Ðức Giê-hô-va ở trong lửa giáng lâm nơi đó; khói ra khác nào khói của lò lửa lớn kia, và cả hòn núi đều rung động cách kịch liệt. 19Tiếng kèn càng vang động; Môi-se nói, Ðức Chúa Trời đáp tiếng lại. 20Ðức Giê-hô-va giáng-lâm trên chót núi Si-na -i, đòi Môi-se lên, Môi-se bèn lên. 21Ðức Giê-hô-va phán rằng: Hãy xuống cấm dân sự không được vượt ranh giới đến gần Ðức Giê-hô-va mà nhìn, e nhiều người trong bọn phải chết chăng. 22Dầu những thầy tế lễ đến gần Ðức Giê-hô-va cũng phải giữ mình thánh sạch, kẻo Ngài hại họ chăng. 23Môi-se thưa cùng Ðức Giê-hô-va rằng: Dân sự chẳng được lên núi Si-na -i đâu, vì Ngài có cấm chúng tôi mà phán rằng: Hãy phân định giới hạn chung quanh núi, và phân biệt nơi đó là đất thánh. 24Ðức Giê-hô-va phán rằng: Hãy đi xuống, rồi đem A-rôn lên cùng ngươi, song những thầy tế lễ và dân sự chớ vượt ranh giới đặng lên đến gần Ðức Giê-hô-va, e Ngài hại họ chăng. 25Vậy, Môi-se đi xuống, nói lại cho dân sự nghe (Exodus 19:16-25).

Ý chính trong đoạn này là dân sự, kể cả các thầy tế lễ, đều không được “vượt ranh giới” để đến gần Đức Chúa Trời.

Lại một lần nữa, “Chẳng phải bởi quyền thế, cũng chẳng phải bởi năng lực, nhưng bởi Thần Ta” (Zechariah 4:6). Đức Chúa Trời chỉ cho một con đường đến gần Ngài: đó là qua Đấng Christ bởi đức tin. Người ta quên rằng điều nghịch ý Chúa là sự cậy vào luật pháp để đến gần Ngài, và sự tuân theo luật pháp đó có thể được biểu lộ qua những việc làm có vẻ thiêng liêng: khi cầu nguyện, khi dâng hiến, khi làm những việc lành. CHÚNG TÔI XIN LÀM MỌI VIỆC ĐỨC GIÊ_HÔ_VA ĐÃ PHÁN DẶN! Sự dại dột đó đã đẩy họ trở lại trong đồng vắng thêm 40 năm nữa và hầu hết đã bỏ thây ở đó.

Luật Pháp vs. Ân Điển

Dr. McGee đã liệt kê một bảng tương phản giữa luật pháp và ân điển:

  • Luật pháp đòi hỏi, ân điển ban cho
  • Luật pháp bảo phải làm, ân điển nói hãy tin
  • Luật pháp bảo phải làm, ân điển khuyên an nghỉ
  • Luật pháp đe dọa trong lời nguyền rủa, ân điển khuyên lơn trong lời chúc phước
  • Luật pháp nói hãy làm thì được sống, ân điển dạy sống thì sẽ được làm
  • Luật pháp lên án người tốt nhất, còn ân điển cứu người tệ hại nhất
  • Luật pháp tỏ lộ bản tính Đức Chúa Trời, và cũng bày tỏ sự yếu đuối của loài người

Bạn chọn điều gì?

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and