Sao ngươi hỏi ta về việc lành?

Nhiều người tự hỏi “Tôi phải làm gì để được hưởng nước Trời?” Bằng chứng là người trẻ tuổi giàu có cũng hỏi Chúa Giê-su về điều đó trong Matthew 19:16. Đây là một câu hỏi chính đáng, nhưng câu trả lời lại không phải là một điều người hỏi đang tìm kiếm.

The assumption

Những tín đồ trung tín của hầu hết các tôn giáo trên thế giới đều tìm cách giải quyết vấn đề việc lành nào họ phải làm để đạt đến được mục tiêu cao cả nhất trong niềm tin của họ. Chống trả với tội lỗi cũng là một phần trong giải quyết đó, một phần của “việc lành” mà họ phải làm, nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ trong toàn diện các việc lành mà họ phải suy xét cho chính mình. Do đó, khi nêu lên một câu hỏi như vậy, họ mang một ảo tưởng rằng có thể làm được những việc lành để vào nước Chúa.

Chúng ta hãy đọc và suy gẫm đoạn Kinh thánh chính của bài viết này.

Matthew 19:16-22

16Nầy, có một người đến hỏi Ngài rằng: Theo thầy, tôi phải làm việc lành chi cho được sự sống đời đời? 17Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Sao ngươi hỏi ta về việc lành? Chỉ có một Đấng lành mà thôi. Nếu ngươi muốn vào sự sống, thì phải giữ các điều răn. 18Người hỏi: Những điều răn gì? Đức Chúa Jêsus phán rằng: Những điều răn nầy: Đừng giết người; đừng phạm tội tà dâm; đừng ăn trộm cắp; đừng làm chứng dối; 19Hãy thảo kính cha mẹ; và: Hãy yêu kẻ lân cận như mình. 20Người trẻ đó thưa rằng: Tôi đã giữ đủ các điều nầy; còn thiếu chi cho tôi nữa? 21Đức Chúa Jêsus phán rằng: Nếu ngươi muốn được trọn vẹn, hãy đi bán hết gia tài mà bố thí cho kẻ nghèo nàn, thì ngươi sẽ có của quí ở trên trời; rồi hãy đến mà theo ta. 22Nhưng khi người trẻ nghe xong lời nầy, thì đi, bộ buồn bực; vì chàng có của cải nhiều lắm.

Tôi phải làm việc lành chi?

Câu hỏi này, câu mà người trẻ tuổi giàu có đã nêu lên với Chúa Giê-su trong đoạn Kinh thánh, là tiêu biểu cho sự suy tưởng của nhân loại nói chung về sự cứu rỗi, hoặc sự sống đời đời. Đó là một thực thể không chối cãi được. Có những việc phải làm. Có những nghi lễ, những thể thức, và vô số những phương cách người ta tạo nên hầu thỏa mãn những điều kiện nào đó đòi hỏi bởi thần thánh họ thờ phượng. Trong kinh nghiệm từ nguồn gốc văn hóa của riêng tôi, dù một người có thể không có một khái niệm gì về sự sống đời đời, hoặc về một thần thánh nào đó, họ cũng trông đợi những phần thưởng và phước lành cho những việc lành họ làm trong đời này hoặc đời sau.

Câu hỏi của người trẻ tuổi giàu có cho Chúa Giê-su cũng không phải là ngoại lệ, và cũng đối diện với hai nan đề tương tự: 1) giả luận rằng việc làm của họ có thể cho họ được vào nước thiên đàng, và 2) ý niệm “việc lành” trong câu hỏi của người trẻ đó. Sứ đồ Phao-lô đã làm sáng tỏ vấn đề đầu tiên trong hầu hết các thơ của ông: “chúng ta được cứu bởi ân điển, không phải bởi việc làm,” còn “việc lành” thì đã được Chúa Giê-su trả lời gián tiếp trong Matthew 19:16-22 và qua toàn bộ Kinh thánh nhất là trong các thư tín của Phao-lô.

Việc làm và sự sống đời đời

Việc lành là những điều mọi tín hữu đều nên làm. Những việc đó cho họ cơ hội thể hiện đức tin của mình qua những ân tứ Chúa ban, để cảm nhận giá trị của bản thân khi được dự phần vào công việc Chúa cho vương quốc Ngài, cùng nhiều lợi ích khác nữa. Nhưng việc làm không có phần gì trong sự đem chúng ta vào nước Chúa và sự công bình của Ngài. Khi việc làm được nâng lên như thể chúng có ảnh hưởng đến mối liên hệ giữa người và Chúa, thì chúng cướp đi sự vinh hiển của Ngài.

Ephesians 2:8-9 viết rằng chúng ta được cứu bởi đức tin chứ không phải bởi việc làm. Thêm nữa, việc chúng ta làm không phải là những điều chúng ta tự mình tìm kiếm lấy, nhưng là những sự Chúa đã sắm sẵn từ trước cho mỗi kẻ tin tùy theo sự khôn ngoan vô lượng của Ngài: “vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo (Ephesians 2:10).”

Hebrews 10:10 viết về chân lý này qua một cách khác:

Ấy là theo ý muốn đó mà chúng ta được nên thánh nhờ sự dâng thân thể của Đức Chúa Jêsus Christ một lần đủ cả. (Hebrews 10:10).

Được nên thánh nghĩa là được biệt riêng ra cho nước Chúa, là điều mà người trẻ tuổi giàu có đang tìm cầu trong Matthew 19:16. Chẳng bởi một việc làm nào, dù là việc tốt lành nhất, nhưng bởi sự dâng thân thể Chúa một lần đủ cả mà một người được nên thánh.

Đức Chúa Trời cả quyết trong Romans 11:6 rằng sự cứu rỗi chẳng bao giờ được đặt nền tảng trên việc làm của bất cứ ai trừ Chúa, và Ngài ban cho cách rộng rãi không điều kiện cho bất kỳ ai tin.

Nhưng nếu [sự cứu rỗi] bởi ơn thì chẳng phải bởi việc làm nữa; bằng chẳng, thì ơn không còn phải là ơn. (Romans 11:6).

Tôi có thể liệt kê nhiều đoạn Kinh thánh nữa hầu hoàn toàn hủy diệt những ý tưởng rằng người ta có thể nhờ việc làm mà vào được nước Chúa, nhưng thế này cũng đủ rồi. Tuy nhiên, nan đề của nhiều tín hữu không phải là vì họ không tin vào sự cứu rỗi bởi ân điển, nhưng vì họ quá lệ thuộc vào việc làm để duy trì mối tương quan với Chúa. Họ vẫn cậy vào việc làm để được nên thánh hơn, toàn hảo hơn, cho đến ngày họ gặp Chúa. Họ gọi đó là tiến trình của sự nên thánh.

Nhưng Kinh thánh không nói như vậy. Mà nói rằng chúng ta được cứu, và sống, chỉ bởi ân điển mà thôi.

Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình (Ephesians 2:8-9).

Vì trong Tin Lành nầy có bày tỏ sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi đức tin mà được, lại dẫn đến đức tin nữa, như có chép rằng: “Người công bình sẽ sống bởi đức tin” (Romans 1:17; Galatians 3:11; Hebrews 10:38)

Việc làm, những việc khơi động và vận dụng bởi xác thịt, không thể nào đưa chúng ta vào nước Chúa vì chúng chẳng làm đẹp lòng Chúa và cũng không thỏa được sự công bình của Ngài. Do đó, những việc làm này không thể làm đẹp lòng Chúa trong đời sống những người đã được cứu cũng là điều hợp lý. Chân lý này được xác nhận trong Romans 1:17 như đã được trích ra ở trên: “sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi đức tin mà được, lại dẫn đến đức tin.”

Tín hữu Ga-la-ti cũng đã phạm vào lầm lỗi này đến nỗi sứ đồ Phao-lô phải quở mắng họ: “Sao anh em ngu muội dường ấy? Sau khi đã khởi sự nhờ Đức Thánh Linh, nay sao lại cậy xác thịt mà làm cho trọn? (Galatians 3:3)” Không thể nào có một việc làm nào trong đời sống người tín hữu để được sự cứu rỗi, hoặc để được ơn phước Chúa. Những việc làm được thỏa lòng Chúa là những bông trái, là sự tuôn tràn của Thánh Linh trong đời sống người tín hữu. Những việc làm đến từ nơi Chúa chẳng bao giờ cần sự thúc đẩy của loài người, ngoại trừ khi chúng trở thành trọng yếu trong đời sống đức tin để đến nỗi sanh ra bông trái của xác thịt (1 Corinthians 3:10-11).

Nếu đức tin là phương cách duy nhất để vào nước Chúa, thì đó cũng là phương cách duy nhất để sống đời tin kính. Còn những việc làm mà Chúa đã sắm sẵn cho mỗi cá nhân (Ephesians 2:8-10) thì là một loại việc làm hoàn toàn khác, vì chính Chúa sẽ đích thân đưa dẫn đến khi trọn vẹn, “Vì ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài.” Những việc làm đó là sự ban thêm cùng với Con Một của Ngài. Chúng không thể nào được dùng làm mực thước đo lường chỗ đứng của chúng ta trong Chúa, bằng chẳng vậy, ai trong vòng chúng ta có thể phán đoán việc làm nào là đủ?

Duy Chúa là Đấng tốt lành

Bạn có nhận thấy một điều kỳ lạ trong câu trả lời của Chúa Giê-su cho câu hỏi của người trẻ tuổi giàu có không? Bạn có biết rằng Chúa là Đấng tốt lành duy nhất không? Và hơn nữa, làm sao một người không tốt lành lại có thể làm điều tốt lành?

Cây sanh trái xấu không phải là cây tốt, cây sanh trái tốt không phải là cây xấu; (Luke 6:43).

Vì thế, bạn không những không thể cậy vào việc làm để vào nước Trời, bạn cũng chẳng có bản chất tốt lành để làm việc lành. Tiên-tri Ê-sai đã tuyên bố như sau về tình trạng chung của nhân loại: “Chúng ta hết thảy đã trở nên như vật ô uế, mọi việc công bình của chúng ta như áo nhớp; chúng ta thảy đều héo như lá, và tội ác chúng ta như gió đùa mình đi.(Isaiah 64:6)”.

Thế nhưng có thể có người cả quyết rằng vì chúng ta đã được cứu do đó có thể làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho chúng ta (Philippians 4:13). Nhưng có thực rằng chúng ta bây giờ có thể làm được điều mà trước kia là không tưởng? Rằng lời khích bác của Chúa Giê-su với người trẻ giàu có không áp dụng với chúng ta? Rằng lời tuyên bố của Ngài rằng “chỉ có Chúa là Đấng tốt lành” không còn là một chân lý nữa? Lý luận đó hoàn toàn đi ngược với sự thật. Chúa mãi mãi vẫn là Đấng tốt lành duy nhất, còn chúng ta vẫn là những tội nhân sống nhờ ân điển. Chúng ta vẫn chịu hậu quả của sự sa ngã của loài người. Chúng ta vẫn phải trải qua sự chết, tật bệnh, cưu mang những tư tưởng đen tối trong lòng, và những việc làm thiếu sự vinh hiển Chúa vẫn thống trị phần lớn đời sống chúng ta. Điều duy nhất mà chúng ta biết chắc chắn đó là chúng ta được thoát khỏi sự lên án và được nhận lời hứa về sự sống đời đời.

Nhưng cái nhìn ngược lại sẽ đưa đến những thất bại triền miên kết cuộc với những ý tưởng nghi ngờ sự cứu rỗi của chính mình, vì nếu quả thực mình đã được cứu thì tại sao thân xác bại hoại vẫn còn cứ đeo đẳng đêm ngày? (Romans 7:24)

Lời Chúa Giê-su phán, “chỉ có Chúa là Đấng tốt lành,” với những người tin quyết trong lòng rằng họ không còn cậy vào luật pháp để duy trì mối liên hệ với Chúa, nhưng chỉ hoàn toàn cậy vào sự nhân từ của Ngài, sẽ như được cất khỏi lưng mình một gánh nặng ghê gớm. Một sự thở phào nhẹ nhõm không còn phải cố gắng được “trọn vẹn” (Matthew 5:48). Được nhìn nhận mình là người có tội, với những bất toàn, thay vì cứ miệt mài theo đuổi vô vọng cố trở nên giống như Đức Chúa Trời.

Kết quả

Người trẻ tuổi trong câu truyện này muốn tìm những việc lành nào đó để được vào nước Trời, nhưng Chúa Giê-su đã phán rằng mọi việc lành đều đến từ Ngài trong đời sống những người được cứu.

Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được (John 15:5).

Luận lý ngược lại cũng giống như để xe trước mũi lừa. Vì sự sinh bông trái chỉ là một sản phẩm của sự chúng ta được tháp vào thân nho. Chúng ta không thể nào thúc đẩy sự kết quả, sự làm việc lành, bằng sự áp đặt hoặc đe dọa, dù gián tiếp đến đâu chăng nữa. Sự sinh bông trái là do động lực thúc đẩy từ thân nho, không phải bởi các nhánh nho. Còn các nhánh nho thì tháp vào thân nho như thế nào? Bởi đức tin, khí cụ duy nhất Chúa ban cho kẻ tin để được ở trong Đấng Cứu Thế. Các bông trái nẩy sinh trong đời sống họ, họ chẳng biết khi nào và đến từ đâu (John 3:8).

“Ngài lại phán rằng: Nước Đức Chúa Trời cũng như một người vải giống xuống đất; người ngủ hay dậy, đêm và ngày, giống cứ nẩy chồi mọc lên, mà người không biết thể nào.” (Mark 4:26-27)

Bao nhiêu năng lực được dồn vào việc tăng trưởng qua nhiều hình thức. Nhưng mọi nỗ lực này cuối cùng chỉ khiến người tín hữu càng xa Chúa hơn, nhưng lại đẩy họ đến gần những kẻ mà nhiều người tôn trọng là được nhiều ơn Chúa.

Chỉ Chúa là Đấng tốt lành - phần 2

Các tín hữu thường có cùng câu hỏi với người tuổi trẻ giàu có dù qua nhiều dạng thức và duyên cớ khác nhau. Trước khi tin Chúa, họ hỏi để được vào nước Ngài, giờ đây sau khi đã đặt niềm tin nơi Ngài, họ hỏi để được biết làm sao sống cho đẹp ý Ngài, làm sao cho xứng đáng là công dân nước Trời, làm sao để nên thánh hơn, trọn vẹn hơn. Nhưng câu trả lời của Chúa Giê-su vẫn là: duy chỉ Đức Chúa Trời là toàn hảo. Tại sao chúng ta lại hỏi Ngài với những “lời không tri thức?” (Job 38:2) Phương cách duy nhất đến gần Chúa là “sự dâng thân thể của Đức Chúa Jêsus Christ một lần đủ cả” (Hebrews 10:10). Còn những câu hỏi như của người trẻ tuổi giàu có chỉ bày tỏ một điều: lòng kiêu ngạo.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , , , and