Trật Phần Ân Điển

Bạn vẫn thường sống đời tin kính như một người đi trên giây? Trật một bước là rơi xuống. Dù bạn có được diễm phúc có niềm tin rằng Chúa Giê-su sẽ chẳng hề để bạn rơi vào sự chết, nhưng sự thường xuyên sợ bị rơi xuống khiến đoạn đường hành trình vào vĩnh cửu của bạn đầy mệt mỏi và bất lực. Khi bạn biết rõ nguyên nhân nào một người có thể bị trật phần ân điển bạn sẽ kinh nghiệm được sự bình an vượt quá sự suy tưởng mà Chúa Giê-su đã hứa ban.

Anh em thảy đều muốn cậy luật pháp cho được xưng công bình, thì đã lìa khỏi Ðấng Christ, mất ân điển rồi (Galatians 5:4).

Theo giải thích phổ thông

Chẳng cần tốn nhiều thời gian, tìm trong mạng toàn cầu thì thấy một bài viết giải thích lý do tại sao một người có thể trật phần ân điển. Xin trích ra ở đây: Khi một người nhận được ân điển của Chúa và đứng trong ân điển Ngài, những hành động không hối cải có thể khiến người đó trật phần ân điển. Chẳng hạn như nếu người đó không ăn năn về sự cay đắng, là một trạng thái giận dữ và thù ghét, thì có thể bị ô uế vì một thái độ hoặc tâm thần xấu mà bị trật phần ân điển."

Điều đáng ghi nhận là mặc dù chỉ có vài bài viết trên mạng về đề tài “trật phần ân điển,” nhưng có hàng ngàn bài cũng dùng đề tài đó để nói về những vấn đề trong xã hội. Hầu hết những bài viết này nói về một người, nhất là những nhân vật có một địa vị nào đó, đã từng được trọng vọng nể vì nhưng bây giờ đã “trật phần ân điển” vì một việc làm không chín chắn, chẳng hạn như “những hành động không hối cải” như trong đoạn trích ra ở trên.

Điểm tương đồng giữa các bài viết này, dù đời hoặc đạo, là quan điểm rằng lý do một người bị trật phần ân điển là sự người đó đã làm hoặc không làm một điều gì đó.

Dù chỉ có một vài bài viết từ quan niệm của đức tin với đề tài này, kinh nghiệm của riêng tôi là bất kể tín lý của một hệ phái, hầu hết các bài giảng và văn bản đều có cùng quan niệm với người đời về vấn đề trật phần ân điển, chỉ ngoại trừ một cá nhân nào đó đã đi đến một kết luận khác từ sự nghiên cứu và học hỏi riêng.

Kinh thánh nói gì?

Chỉ có một đoạn Kinh thánh chứa đựng cụm từ “mất ân điển,” đó là trong Galatians 5:4, và có một câu nữa chứa đựng “trật phần ân điển,” đó là trong Hebrews 12:15. Từ tiết, hoặc văn mạch, của cả hai câu rất tương đồng, tuy nhiên trong Galatians 5:4 chúng ta thấy nguyên nhân của sự mất ân điển được ghi nhận ngay trong câu đó, còn trong Hebrews thì được trải rộng ra qua nhiều chương. Do đó Galatians 5:4 được chọn làm câu gốc cho bài viết này hầu tránh phải giải thích dài dòng.

Chúng ta hãy ôn lại Galatians 5:4 ở đây một lần nữa:

Anh em thảy đều muốn cậy luật pháp cho được xưng công bình, thì đã lìa khỏi Ðấng Christ, mất ân điển rồi (Galatians 5:4).

Chúng ta thấy rõ trong Galatians 5:4 rằng nguyên nhân của sự mất ân điển không phải là sự phạm một tội nào đó nhưng là sự tìm kiếm công bình qua luật pháp. Trong khi chúng ta có thể thấy dễ hiểu là tại sao người đời mang quan điểm của họ về sự mất ân điền, nhưng điều lạ là tại sao hầu hết các tín hữu cũng hầu như bỏ lơ lời viết rõ ràng trong đoạn Kinh thánh này về sự mất ân điển: cậy luật pháp cho được xưng công bình.

Chính sự cố đạt được sự công bình, sống đẹp lòng Chúa, được nên thánh, được trọn vẹn, qua những việc làm bởi sự đòi hỏi của luật pháp, là nguyên nhân của sự mất ân điển.

Do đó những người có quan niệm phổ thông, là một tội lỗi nào đó gây nên sự mất ân điển, quí vị có ý thức được rằng chính nỗ lực để sống theo nguyên tắc đó là bước đầu của sự mất ân điển? Quí vị có biết rằng mình đang tin vào điều hoàn toàn trái ngược với sự dạy dỗ của Galatians 5:4?

Có một phần trong đoạn Kinh thánh này còn đáng sợ hơn về sự cậy luật pháp để được xưng công bình: “lìa khỏi Đấng Christ.” Trong khi chúng ta có thể mù mờ về ý nghĩa của sự mất ân điển, không ai có thể phủ nhận ý nghĩa chân thực của sự lìa khỏi Đấng Christ.

2-Peter-3:17

15Lại phải nhìn biết rằng sự nhịn nhục lâu dài của Chúa chúng ta cốt vì cứu chuộc anh em, cũng như Phao lô, anh rất yêu dấu của chúng ta, đã đem sự khôn ngoan được ban cho mình mà viết thơ cho anh em vậy. 16Ấy là điều người đã viết trong mọi bức thơ, nói về những sự đó, ở trong có mấy khúc khó hiểu, mà những kẻ dốt nát và tin không quyết đem giải sai ý nghĩa, cũng như họ giải sai về các phần Kinh Thánh khác, chuốc lấy sự hư mất riêng về mình. 17Hỡi kẻ rất yêu dấu, vì anh em đã được biết trước, vậy hãy giữ cho cẩn thận, e anh em cũng bị sự mê hoặc của những người ác ấy dẫn dụ, mất sự vững vàng của mình chăng. 18Hãy tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Ðức Chúa Jêsus Christ. Nguyền xin vinh hiển về nơi Ngài, từ rày đến đời đời! A-men (2 Peter 3:15-18).

Có một vị mục sư giảng một bài trên youtube với đề tài “Chớ Lạm Dụng Ân Điển,” và trích đoạn 2 Peter 3:15-18 ở trên. Những câu Kinh thánh này được dùng để bênh vực cái nhìn phổ thông về sự mất ân điển. Sự sử dụng những câu Kinh thánh này trong nội dung bài giảng sai lầm về một số phương diện.

  • Những câu này không nói về sự mất ân điển, nhưng nói về sự lung lay của niềm tin dựa trên chân lý. Văn mạch của câu này cho thấy Phao-lô đang cảnh cáo tín hữu coi chừng những người đang bóp méo Kinh thánh.
  • Những câu này không nói về những “hành động thiếu ăn năn” nhưng về sự kêu gọi của sứ đồ với người đọc đề phòng những giáo điều sai lạc.

Ngoài ra, để tránh sự giải thích Kinh thánh cách sai lạc, chúng ta phải cẩn thận duy trì văn mạch. Chúng ta có thể dùng chính chủ đề “mất ân điển” này làm một thí dụ. Phải xem xét mọi chân lý chung quanh chủ đề:

  • Nhiều đoạn Kinh thánh làm nền tảng của ý niệm “ân điển.”
  • Để bị trật phần ân điển một người phải phạm một tội không thể tha thứ được; có nhiều đoạn Kinh thánh giúp chúng ta thấy chân lý này.
  • Nghiên cứu bối cảnh tức thời chung quanh sự “mất ân điển” để thấy rằng cội rễ của nó là sự ỷ lại vào luật pháp.

Và có lẽ còn nhiều chân lý khác nữa có thể giúp chúng ta biết chắc mình không sai lạc trong sự giải thích Kinh thánh; chân lý chẳng hạn như sự công bình, giảng hoà, sự suy bại toàn diện của con người, sự tái sinh, xác thịt và thần linh, v.v. Nếu theo đúng nguyên tắc căn bản chúng ta sẽ thấy không một chân lý nền tảng nào lại mâu thuẫn với những chân lý khác.

Viếng lại cách giải thích phổ thông

Tạm thời chúng ta hãy luận lý từ cách nhìn phổ thông, nhất là từ vị trí của bài viết mà chúng ta đã trích ra.

Chẳng hạn như nếu người đó không ăn năn về sự cay đắng, là một trạng thái giận dữ và thù ghét, thì có thể bị ô uế vì một thái độ hoặc tâm thần xấu mà bị trật phần ân điển.

Nếu quả thực một “hành động không hối cải” có thể khiến một người bị mất ân điển thì người đó phải tìm mọi cách để gột rửa hết mọi cơ hội có thể phạm tội như vậy. Nhưng có thể nào một người có khả năng gột rửa hết mọi dấu tích của tội lỗi kẻo mất sự sống đời đời?

Tác giả của bài viết được trích ra ở trên có thể lý luận rằng nguyên tắc này chỉ áp dụng cho những tội mà người phạm không chịu chừa bỏ. Nhưng sứ đồ Gia-cơ lại nghĩ khác, ông có viết trong James 2:10 như sau:

Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều răn, thì cũng đáng tội như đã phạm hết thảy.

Do đó nếu chúng ta đưa lý luận của tác giả cho đến kết luận cuối cùng thì mọi tội dù lớn hay nhỏ đều khiến chúng ta phạm vào toàn bộ luật pháp của Đức Chúa Trời, và mọi tội đều là “hành động không hối cải” đáng bị trật phần ân điển.

Nếu quả thực một “tội không chừa bỏ” có thể khiến một người trật phần ân điển, thì chắc người đó phải bằng mọi cách tránh đừng phạm tội như vậy nữa. Nhưng có thể nào một người có khả năng trừ bỏ mọi dấu tích tội lỗi trong mình hầu tránh phải trật phần ân điển?

“Thái độ xấu” cũng là một ý niệm có tính cách chủ quan để diễn tả một tình trạng quan hệ đến sự sống đời đời như trật phần ân điển. Một người nhậy cảm có thể nghĩ rằng một thái độ nào đó là “xấu,” trong khi một người có tâm tính khác có thể nghĩ đó là chuyện bình thường trong sự trưởng dưỡng hoặc văn hoá của họ. Một định nghĩa mơ hồ như vậy không thể nào được dùng để định nghĩa một mối tương quan với Chúa.

Quan niệm sai lầm rất phổ thông về vấn đề tội lỗi là một người chỉ trở nên người có tội khi phạm một điều gì đó nghịch với luật pháp Đức Chúa Trời. Một người có thể có bằng cấp về thần học và tin rằng con người vốn bản chất tội lỗi, trong thực tế, niềm tin đó không được bày tỏ trong khi đối thoại và khi giảng Kinh thánh.

Có ít nhất hai đoạn Kinh thánh cho chúng ta biết tội lỗi thực sự là gì.

John-16:8-9

Chúa Giê-su nói về Đức Thánh Linh:

8Khi Ngài đến thì sẽ khiến thế gian tự cáo về tội lỗi, về sự công bình và về sự phán xét. 9Về tội lỗi, vì họ không tin ta;

Thế gian hiểu sai về tội lỗi như thế nào? Họ hiểu sai vì họ luôn nghĩ rằng tội lỗi có liên hệ đến hành động, việc họ làm, hoặc điều lành mà họ đã không làm. Vì giữ quan niệm đó, họ tin rằng phương cách giải quyết vấn đề tội lỗi là tuỳ thuộc vào sự quyết tâm của một người để đừng phạm tội nữa. Chúa Giê-su cho chúng ta biết suy nghĩ như vậy là sai, vì cho dù một người có bằng cách nào đó không hề phạm một tội mà loài người thường phạm phải, họ vẫn là người có tội. Điều họ cần không phải là học làm sao để đừng phạm tội nữa, nhưng là sự họ cần đặt niềm tin nơi Chúa.

Câu Kinh thánh dưới đây mang cùng một ý với đoạn gốc của bài viết này, xin trích lại Galatians 5:4 dưới đây:

Anh em thảy đều muốn cậy luật pháp cho được xưng công bình, thì đã lìa khỏi Ðấng Christ, mất ân điển rồi (Galatians 5:4).

Luật pháp không giải quyết vấn đề bản chất tội lỗi, nhưng nhắm vào từng tội lỗi mà mỗi người phạm phải. Một tội, một của lễ. Nhưng đức tin trong Đấng Christ thì giải quyết vấn đề tội lỗi một lần đủ cả. Độc giả có thấy ý chính ở đây không? Sự khăng khăng cứ tìm cách để đương đầu với tội lỗi qua luật pháp, chứ không phải là những tội lỗi dù xấu xa và gây nhiều đau đớn cho kẻ phạm vào nó, chính là nguyên nhân của sự trật phần ân điển.

Matthew-5:27-28

27Các ngươi có nghe lời phán rằng: Ngươi chớ phạm tội tà dâm. 28Song ta phán cho các ngươi biết: Hễ ai ngó đờn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi.>

Một lần nữa, Chúa Giê-su lại nhấn mạnh rằng một hành động chỉ là sản phẩm của những gì đang chất chứa trong tấm lòng, hay nói cách khác là nó nằm sâu trong bản chất tội lỗi của con người. Dù có ngăn trở được hành động cũng chẳng có thể tẩy trừ được nó khỏi từng tế bào cấu kết nên trọn kẻ có tội.

Nhưng dường như có một bức màn che mắt nhiều người vì trong hiện tại, phần đông những tín hữu vẫn chú tâm vào đối tượng sai lầm. Tuy nhiên khi Đức Thánh Linh vào lòng của người tìm chân lý, họ sẽ được cáo trách và ý thức được rằng họ đã sai lầm từ lâu lắm về vấn đề tội lỗi.

Kết Luận

Nguyên nhân chính khiến một người có thể trật phần ân điển là sự họ cậy vào những việc làm theo sự đòi hỏi của luật pháp để được xưng công bình (Galatians 5:4). Đây là đường lối của thế gian, và cả thế gian đều sai lầm về cách đương đầu với vấn đề tội lỗi. Nhưng điều đáng buồn là rất nhiều các tín hữu cũng có cái nhìn giống như thế gian.

Ðừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Ðức Chúa Trời là thể nào (Romans 12:2).

Thế gian cố dùng luật pháp làm phương tiện đến gần Đức Chúa Trời, nhưng ngược lại họ lại bị tách rời khỏi Đấng Christ. Kinh thánh ghi lại bằng chứng đầu tiên của ảnh hưởng của luật pháp trên mối liên hệ giữa Đức Chúa Trời và loài người. Khi luật pháp bắt đầu hiện diện trong lương tâm của cặp vợ chồng đầu tiên trong vườn Địa Đàng dưới dạng thức của khả năng phân biệt được điều thiện và điều ác, thì liền tức thì luật pháp đó làm nứt rạn sự thông công giữa Đức Chúa Trời và tạo vật của Ngài. Nhưng tạ ơn Chúa vì Ngài đã biết trước về điều này và đã chuẩn bị trước một chương trình đề đưa họ trở về với Ngài. Điều duy nhất họ cần, cũng như mỗi người trong chúng ta ngày nay, là chú nhìn vào Đấng mà Đức Chúa Trời đã sai đến (John 3:14).

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and