Ngụ Ngôn Về Các Ta-lâng

Mục đích của ngụ ngôn này không phải để dạy chúng ta làm sao để được cứu, nhưng để chứng tỏ cho chúng ta thấy sự cứu rỗi chỉ nhờ đức tin nơi Đấng Christ.

Khi Chúa Giê-su dạy ngụ ngôn này, bối cảnh vẫn là Giao Ước Cũ, là lúc trước khi Chúa chịu đóng đinh và Giao Ước Mới được thiết lập. Những day dỗ của Ngài là để chứng tỏ cho nhân loại thấy hy vọng duy nhất của họ là nơi thập giá. Mục đích của luật pháp và các điều răn là mở mắt cho nhân loại thấy sự cứu rỗi không thể nào đến với họ qua sự tuân giữ. Tương tự như thế, Chúa Giê-su đã sử dụng ngụ ngôn ta-lâng này cũng để chứng tỏ điều đó, nhấn mạnh rằng: "chẳng có một người nào bởi việc làm theo luật pháp mà sẽ được xưng công bình trước mặt Ngài, vì luật pháp cho người ta biết tội lỗi." (Romans 3:20)

Ngụ ngôn ta lâng

14 Vả, nước thiên đàng sẽ giống như một người kia, khi đi đường xa, gọi các đầy tớ mà giao của cải mình. 15 Chủ đó cho người nầy năm ta-lâng, người kia hai, người khác một, tùy theo tài mỗi người; đoạn, chủ lên đường. 16 Tức thì, người đã nhận năm ta-lâng đi làm lợi ra, và được năm ta-lâng khác. 17 Người đã nhận hai ta-lâng cũng vậy, làm lợi ra được hai ta-lâng nữa. 18 Song người chỉ nhận một thì đi đào lỗ dưới đất mà giấu tiền của chủ. 19 Cách lâu ngày, chủ của những đầy tớ ấy trở về khiến họ tính sổ. 20 Người đã nhận năm ta-lâng bèn đến, đem năm ta-lâng khác nữa, và thưa rằng: Lạy chúa, chúa đã cho tôi năm ta-lâng; đây nầy, tôi làm lợi ra được năm ta-lâng nữa. 21 Chủ nói với người rằng: Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi. 22 Người đã nhận hai ta-lâng cũng đến mà thưa rằng: Lạy chúa, chúa đã cho tôi hai ta-lâng; đây nầy, tôi đã làm lợi ra được hai ta-lâng nữa. 23 Chủ đáp rằng: Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi. 24 Người chỉ nhận một ta-lâng cũng đến mà thưa rằng: Lạy chúa, tôi biết chúa là người nghiêm nhặt, gặt trong chỗ mình không gieo, lượm lặt trong chỗ mình không rải ra, 25 nên tôi sợ mà đi giấu ta-lâng của chúa ở dưới đất; đây nầy, vật của chúa xin trả cho chúa. 26 Song chủ đáp rằng: Hỡi đầy tớ dữ và biếng nhác kia, ngươi biết ta gặt trong chỗ ta không gieo, và lượm lặt trong chỗ ta không rải ra; 27 vậy thì ngươi phải đưa bạc của ta lại cho người buôn bạc, rồi khi ta trở về, sẽ lấy vốn và lời. 28 Vậy, các ngươi hãy lấy ta-lâng của người nầy mà cho kẻ có mười ta-lâng. 29 Vì sẽ cho thêm kẻ nào đã có, thì họ sẽ dư dật; nhưng kẻ nào không có, thì cũng cất luôn điều họ đã có nữa. 30 Còn tên đầy tớ vô ích đó, hãy quăng nó ra ngoài là chỗ tối tăm, ở đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng. (Matthew 25:14-30)

Câu “quăng nó ra ngoài là chỗ tối tăm” trong ngụ ngôn này chứng tỏ mục đích của nó không phải là để dạy sống đời tin kính, hay để khuyên bảo, nhưng để vạch ra điều kiện của sự cứu rỗi. Tuy nhiên, người tín hữu hiểu phúc âm thì phải biết rằng dưới Giao Ước Mới, sự cứu rỗi chỉ đến bởi đức tin nơi Đấng Christ và việc Ngài đã làm trọn trên thập tự.

Chúng ta hãy thăm dò một số những dạy dỗ của Chúa Giê-su với cùng mục đích tương tự như ngụ ngôn này.

Trong Matthew 19:16-22, chúng ta đọc về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và chàng trai trẻ tuổi giàu có, anh hỏi Chúa làm sao để được sự sống đời đời, Ngài trả lời, “Nếu ngươi muốn được trọn vẹn, hãy đi bán hết gia tài mà bố thí cho kẻ nghèo nàn, thì ngươi sẽ có của quí ở trên trời; rồi hãy đến mà theo ta.” Bây giờ giả dụ bạn có một kiến thức nào đó về những ta-lâng mà Chúa đã ban cho bạn, và bạn có khả năng làm gia tăng gấp đôi số ta lâng đó. Liệu bạn có vượt qua được thử thách mà Chúa thách thức người trẻ tuổi giàu có không?

Trong Mark 12:30-31, Chúa Giê-su ban cho chúng ta một mệnh lệnh phải yêu thương Chúa với hết tấm lòng, tâm trí, và sức lực, và yêu người khác như chính mình. Hãy so sánh mệnh lệnh này với ngụ ngôn ta-lâng xem điều nào khó hơn. Một lần nữa, giả dụ bạn vượt qua được thử thách của ngụ ngôn ta-lâng, liệu bạn có qua được mệnh lệnh yêu thương này không?

Bạn có bao nhiêu ta lâng?

Ai có thể xác định được số ta-lâng mà Chúa ban cho mình không? Bạn có thể tự mình quyết đoán được ta-lâng mình có, và biết rằng chúng đến từ Chúa? Có một tiêu chuẩn khách quan gì để đo lường, hay chỉ là chủ quan mà thôi?

Nếu không có một tiêu chuẩn khách quan, không ai có thể xác định được số lượng hoặc nguồn gốc mà họ nghĩ đã được Chúa ban. Đó là chưa kể đến tiêu chuẩn để xác định sự thành công của họ về việc họ có đạt được sự đòi hỏi của chủ các ta-lâng.

Điều quan trọng ở đây là chúng ta phải hiểu rằng ngụ ngôn này không thể được dùng như một phương cách để được sự cứu rỗi, vì đó không phải là mục đích của nó. Trái lại, nó phải được dùng như một phương tiện tạm thời cho đến khi chúng ta gặp Chúa Giê-su.

24Luật pháp đã như thầy giáo đặng dẫn chúng ta đến Ðấng Christ, hầu cho chúng ta bởi đức tin mà được xưng công bình. 25Song khi đức tin đã đến, chúng ta không còn phục dưới thầy giáo ấy nữa (Galatians 3:24-25).”

Ngụ ngôn các ta-lâng là một trong những thầy giáo đó. Vì các thầy giáo đó không dẫn chúng ta đến sự cứu rỗi, mà chỉ Đấng Christ mà thôi.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and