Từ Bỏ Các Việc Chết

Điều dường như chiếm trọn đời sống của người tín hữu là nan đề về tội lỗi, về việc họ không làm những điều nên làm và làm những việc họ không nên làm. Nan đề này cũng được phản ảnh qua đa số những tài liệu dạy dỗ Cơ-đốc nhằm mục đích giải quyết vấn đê dai dẳng này. Nhưng đoạn Kinh thánh chủ đề của bài viết này gọi những nỗ lực đó là điều sơ học dành cho con trẻ, và khuyên chúng ta nên tiến lên mức trưởng thành.

Ăn năn — từ bỏ

Điều oái oăm ở đây là chính vì tội lỗi mà người ta tìm đến Chúa Giê-su để được giải cứu, nhưng rồi nhiều năm sau đó họ vẫn bị vấn đề tội lỗi ám ảnh. Trong trí, họ tin rằng mọi tội lỗi họ đều được Chúa thứ tha kể từ khi họ đặt niềm tin nơi Ngài, và cũng nhờ đức tin đó họ được sự sống đời đời, được đến với Ngài trong những lúc nguyện cầu, và nhiều tín lý căn bản khác. Nhưng trong thực tế, có một sự không đồng nhất giữa điều họ tin trong lý thuyết—các điều họ xưng nhận trong tín lý của hội thánh—, và cách họ bày tỏ những niềm tin đó trong cuộc sống.

Thăm dò trên mạng cho thấy ngay một định nghĩa của chữ “từ bỏ,” hoặc “ăn năn,” tiêu biểu cho quan điểm chung của đại đa số các tín hữu:

“Ăn năn nghĩa là gì? Phải chăng chỉ là một quyết định dẫn tới sự nhận phép báp-têm? Không, ăn năn phải là một thái độ luôn tiếp diễn, nhận biết rằng sự chiến thắng tội lỗi là một nỗ lực trọn đời sống.”

Chiến thắng tội lỗi là một nỗ lực suốt cuộc đời. Những thập niên tôi ngồi nghe giảng trong hội thánh, trên đài phát thanh, và đọc trong sách vở cho thấy định nghĩa trên rất gần với nếp sống và sự suy nghĩ của hầu hết các tín hữu.

Trong ý muốn tìm hiểu sâu xa hơn để thiết lập nền tảng cho bài viết này, tôi tiếp tục thăm dò trên mạng để biết thêm những quan điểm về đề tài ăn năn, hoặc từ bỏ, này. Nhưng càng đào sâu, càng thấy nặng nề, nhưng điều đáng ghi nhận là, qua tất cả những sự khuyên nhủ và thúc đẩy mà tôi tìm được, không ai cho một câu trả lời rõ ràng làm sao người tín hữu Cơ-đốc có thể đạt được những thành quả một cách chắc chắn. Hãy đọc trích đoạn này của tác giả J. I. Packer:

“Ăn năn là lìa bỏ tội lỗi với tất cả khả năng của bạn để dâng hiến đời mình với tắt cả sự hiểu biết của bạn về chính mình cho Chúa với tất cả sự hiểu biết của bạn về Ngài, để rồi khi chúng ta tăng trưởng về những khía cạnh đó thì sự thực hành về sự ân năn cũng được tăng trưởng.”

Với tất cả khả năng và hiểu biết? Thật rõ như ban ngày phải không quý vị? Đến mức độ nào hầu tôi có thể đến được chố tâm hồn được an nghỉ? Tôi vội vàng đóng những trang mạng tìm kiếm ý nghĩa của sự ăn năn vì càng tìm tôi lại càng thấy rối mù. Vì tôi chẳng hề tìm được dù chỉ một điều mà mình có thể làm một cách thường xuyên hầu duy trì mối tương giao với Chúa. Dầu vậy cũng có một điều tốt trong cuộc nghiên cứu này, tôi nhớ lại quãng đường dài mình đã trải qua trước khi gặp Chúa. Gánh nặng trên vai chẳng khác gì gánh của Cơ-tiên trong cuốn Hành Trình Vào Vĩnh Cửu của John Bunyan, làm tôi hồi tưởng lại những năm trước khi tôi tìm được sự bình an trong Chúa. Thật là một sự khao khát được an bình trong tâm, sự chấp nhận chính mình, và ý nghĩa cuộc sống. Nhưng tại sao các nhà thần học này lại làm người ta hoang mang hơn là chỉ cho họ một lối thoát? Hay là phải chăng chính họ cũng không biết câu trả lời cho chính mình?

Không phải tôi đang tìm câu trả lời cho chính mình, nhưng cho những người tìm đến trang mạng này vì vẫn còn đang vật lộn để tìm sự an nghỉ cho tâm hồn. Phần tôi, tôi đã tìm được sự an nghỉ nói đến trong Hebrews 4:11 và với sự vui mừng tràn ngập tôi chỉ bạn đọc của tôi đến nơi an nghỉ đó. Con đường đến nơi an nghỉ đó chẳng đòi hỏi nỗ lực, hoặc sự ăn năn thường tình như tôi sẽ minh chứng dưới đây, nhưng đòi hỏi một điều: hãy tin, dù chỉ với đức tin bằng hạt cải. Bây giờ chúng ta hãy trở lại với luận lý về sự ăn năn.

Có rất nhiều quan điểm về ý nghĩa của sự ăn năn, nhiều như các hệ phái cùng với cấp số nhân của những tín hữu và cái nhìn riêng của họ. Bài viết này không nhắm vào sự vạch ra những đúng và sai của một quan điểm nào đó, nhưng nêu lên nghi vấn rằng quan niệm phổ thông về sự ăn năn, cùng với mục đích của nó là sự chiến thắng tội lỗi, trong nhãn quan của người tín hữu trung bình, có thực là điều Chúa muốn chúng ta đặt trọng tâm vào không.

Biết phân biệt thiện ác

Sự ăn năn không phải là một điều gì mới mẻ, nhưng thực ra đã có từ thuở tạo thiên lập địa khi sự biết phân biệt thiện ác bắt đầu vào lòng của tổ A-đam và Ê-va sau khi họ ăn trái cấm, cả nhiều ngàn năm trước khi Mười Điều Răn được ban ra. Khả năng phân biệt thiện ác này đã gây nên những xung đột nội tại trong lòng người với tiếng lớn của sự lên án hoặc biện hộ.

Vả, dân ngoại vốn không có luật pháp, khi họ tự nhiên làm những việc luật pháp dạy biểu, thì những người ấy dầu không có luật pháp, cũng tự nên luật pháp cho mình. Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình (Romans 2:14-15).

Trước khi loài người phạm tội trong Vườn Địa Đàng, vì không có khả năng phân biệt thiện ác họ đã không cần phải ăn năn. Nhưng bây giờ với quan án nghiêm khắc ngự trong lương tâm, thì không thể nào không có những phản ứng như chối cãi hoặc ăn năn hoặc những xung đột nội tại gây nên bất an trong lòng. Sau đó Đức Chúa Trời đã thu gọn luật pháp của lương tâm thành một bộ luật rõ ràng hơn, đó là Mười Điều Răn, hầu cho con người có thể nhờ đó đo lường phẩm chất của mình dễ dàng hơn, và cũng có thể nhờ đó ý thức được sự sa sút trầm trọng của mình mà sẵn lòng đặt niềm tin nơi Đấng Cứu Thế khi họ gặp Ngài.

Vòng tròn không lối thoát

Trải qua nhiều thời đại, loài người cứ tiếp tục phạm tội rồi lại ăn năn, và cứ thế trong vòng tròn luẩn quẩn. Bao nhiêu ngàn năm nữa họ mới thực sự được giải thoát? Đã đành họ có thể dâng những của lễ chuộc tội, hoặc xưng tội mình ra, nhưng đó chỉ là những giải pháp tạm bợ cho đến khi họ tái phạm.

Vả, luật pháp chỉ là bóng của sự tốt lành ngày sau, không có hình thật của các vật, nên không bao giờ cậy tế lễ mỗi năm hằng dâng như vậy, mà khiến kẻ đến gần Đức Chúa Trời trở nên trọn lành được. Nếu được, thì những kẻ thờ phượng đã một lần được sạch rồi, lương tâm họ không còn biết tội nữa, nhơn đó, há chẳng thôi dâng tế lễ hay sao? Trái lại, những tế lễ đó chẳng qua là mỗi năm nhắc cho nhớ lại tội lỗi. Vì huyết của bò đực và dê đực không thể cất tội lỗi đi được. (Hebrews 10:1-4).

Bạn có thấy hàng chữ in đậm ở trên không? Hàng chữ đó cho thấy có một phương cách hữu hiệu để giải quyết vấn đề tội lỗi một lần trọn vẹn để tẩy sạch lòng người tín hữu khỏi mặc cảm tội lỗi. Phương cách hữu hiệu đó KHÔNG PHẢI là những sinh tế chiên hoặc bò đực, chẳng phải là sự xưng tội lỗi mình, cũng chẳng phải là những hình thức đền bù tội lỗi mình. Nhưng phương thức đó là chính thân thể Chúa:

Chúng ta được nên thánh nhờ sự dâng thân thể của Đức Chúa Jêsus Christ một lần đủ cả. (Hebrews 10:10).

Thoát khỏi quỹ đạo

Đó mới là sự ăn năn Chúa muốn. Không phải là sự ăn năn cứ làm đi làm lại vì những việc chết, hoặc những việc xấu chúng ta làm, nhưng là sự ăn năn một lần trọn vẹn về tội chẳng tin. Sự ăn năn này liên hệ đến sự chúng ta tin rằng cho dù chúng ta có còn tiếp tục phạm tội cho đến ngày gặp Chúa, sự chết của Ngài trên thập giá vẫn ban cho chúng ta sự tha thứ một lần trọn vẹn hầu cho chúng ta nhờ đó được thực sự giải thoát khỏi vòng tròn luẩn quẩn của tội lỗi và ăn năn. Bạn có dám tin vào lời viết của Hebrews 10:2 không: “lương tâm họ không còn biết tội nữa”? Phải chăng Đức Chúa Trời cổ động cho tội lỗi khi Ngài ban cho nhân loại sự giải thoát khỏi mặc cảm tội lỗi đó? Không, vì có nhiều đoạn Kinh thánh cho chúng ta biết rằng sự tha thứ trọn vẹn thúc đẩy nếp sống thánh khiết.

Bây giờ chúng ta đến đoạn Kinh thánh làm chủ đề bài viết này:

Ấy vậy, chúng ta phải bỏ qua các điều sơ học về Tin Lành của Đấng Christ, mà tấn tới sự trọn lành, chớ nên lập lại nền nữa, tức là: từ bỏ các việc chết, tin Đức Chúa Trời, sự dạy về phép báp tem, phép đặt tay, sự kẻ chết sống lại, sự phán xét đời đời. (Hebrews 6:1-2)

Điều tác giả Hê-bơ-rơ viết ở đây nghe có quen thuộc không, nếu bạn là người không nghe thiếu một bài giảng nào trong ngày Chúa Nhật? Dĩ nhiên, ấy là tôi phóng đại lên đó thôi, vì ai mà không vắng một số trong những ngày đó. Từ bỏ những việc chết và đức tin nơi Chúa là hai chủ đề phổ thông nhất bất kể bài giảng đang nhấn mạnh về điều gì. Hơn nữa, tác giả Hê-bơ-rơ gọi đó là những sự dạy dỗ ấu trĩ cho những kẻ chưa trưởng thành.

Nhưng có gì sai về việc dạy tín hữu Cơ-đốc ăn năn từ bỏ những việc chết? Và có gì sai về việc khuyên giục họ đặt niềm tin nơi Chúa?

Từ bỏ các việc chết

Thật vô lý nếu người tín hữu cứ phải được nhắc đi nhắc lại về sự họ phải từ bỏ việc chết là những hành động tội lỗi. Ngay cả con trẻ cũng biết điều đó, hoặc đi xa hơn nữa, người không tin Chúa cũng biết điều đó. Làm sao chúng ta biết được điều này? Chúng ta hãy trích lại đoạn Kinh thánh trong phần “Biết phân biệt thiện ác” ở trên.

Vả, dân ngoại vốn không có luật pháp, khi họ tự nhiên làm những việc luật pháp dạy biểu, thì những người ấy dầu không có luật pháp, cũng tự nên luật pháp cho mình. Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình (Romans 2:14-15).

Sự nhận biết điều thiện và ác bảo đảm rằng mỗi con cháu A-đam và Ê-va có khả năng ăn năn, hay nói rõ hơn là sự ăn năn về việc ác. Do đó nếu một người không tin Chúa, một người chết về tâm linh, còn biết tận trong đáy lòng ý nghĩa của sự của sự ăn năn từ bỏ việc chết, thì không lẽ người tín hữu Cơ-đốc, người có Thánh Linh ngự trong lòng, lại không biết sao? Có thể nào Đấng hà hơi ban sự sống cho họ lại không dẫn họ vào sự sống đời đời?

Tóm lại, nan đề của người tín hữu Cơ-đốc không phải là họ phạm tội và yêu thích tội họ đã phạm, nhưng là “vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn.” Điều Phao-lô diễn tả trong Romans 7:19 là kinh nghiệm chung của những người được tái sinh. Họ ghét điều ác mình làm. Điều này đi ngược lại với phần lớn những sự dạy dỗ chúng ta thường nghe.

Đó là lý do tại sao những sự dạy dỗ về phương diện này bị tác giả của Hê-bơ-rơ coi là ấu trĩ, cơ bản, như thể tác giả ấy nói rằng: Thôi, đừng dạy điều ấu trĩ nữa, chẳng cần cứ phải nhắc họ về tội lỗi và sự ăn năn. Vì họ bị chất đầy mặc cảm tội lỗi và không biết làm cách nào để được giải thoát. Và khi chúng ta dạy họ rằng, để được giải thoát khỏi vòng tròn luẩn quẩn, họ phải tránh đừng phạm tội nữa, thì chúng ta đẩy họ vào đường cùng không lối thoát, vì thế nào họ cũng phạm tội bằng cách này hay cách khác.

Hãy tin Chúa

Mặc dâu sự dạy về đức tin trong đoạn Kinh thánh này không được ghi nhận trong đề tựa của bài viết, chúng ta cũng nên tiện thể nói về nó như một phần của “sự giảng dạy ấu trĩ” mà tác giả Hê-bơ-rơ đã khuyên nên để lại đàng sau, vì đó chính là bởi đức tin mà người tín hữu đi nhà thờ, vặn rađiô, mua sách vở nói về niềm tin.

Rất có thể là đức tin người tín hữu đó mỏng manh như cây sậy trước gió hay tro sắp tàn (Matthew 12:20), họ phải được gây dựng nên theo một cách khác thay vì cứ nói đi nói lại về đức tin, với mục tiêu là đối tượng của đức tin của họ chứ không phải về chính đức tin họ có. Khi họ càng biết rõ đối tượng của đức tin, thì đức tin của họ càng tăng trưởng, mà đối tượng của đức tin họ là chính Chúa Giê-su và những điều tốt lành Ngài đã làm cho họ, từ sự tha thứ tội lỗi đến sự bảo đảm về sự sống đời đời và sự công bình trọn vẹn mà Ngài ban cho những kẻ được gọi là con cái Đức Chúa Trời.

Thật vậy, chúng ta nên đặt trọng tâm vào đối tượng của đức tin thay vì vào chính đức tin.

Điều thực là việc chết

Nhưng phải chăng tác giả đang nói về cùng một việc chết theo cùng một ý nghĩa như thường được giảng dạy trong hội thánh? Đa số những bài giảng và sách vở thường cho các việc chết là những hành động tội lỗi, ngay cả bản dịch NLT của Hebrews 6:1 cũng dùng từ “việc ác (evil deeds),”nhưng nếu việc chết là những hành động tội lỗi thì chúng ta phải giải thích làm sao về Ephesians 2:8-9 viết rằng chúng ta được cứu bởi ân điển, không phải bởi việc làm? Việc làm trong đoạn Ê-phê-sô thực không phải là những điều ác của đời, nhưng là những việc làm nhằm mục đích đạt được sự cứu rỗi, do đó khi chúng ta đặt các việc này vào đồng hạng thì chẳng khác gì so sánh hai vật khác loại. Đây mới thực là cách các đoạn Kinh thánh dẫn đến Hebrews 6:1 diễn tả việc chết: những việc kể như chết trong nỗ lực tìm sự cứu rỗi, hệ thống dâng của tế lễ của thời cựu ước, sự cậy vào nỗ lực của xác thịt để đạt được sự công bình của Đức Chúa Trời. Những người tin Chúa phải ăn năn về sự cậy vào nỗ lực của xác thịt, là những việc chết. Trong ý nghĩa đó, những việc đạo đức từ xác thịt thực ra chính là những việc ác theo văn mạch của Hê-bơ-rơ, và như thế từ ngữ “việc chết” không phải để nói về những hành động sai quấy thông thường.

Việc chết không phải là những hành vi xấu, chúng không những chỉ vô ích về sự cứu rỗi, mà còn đem đến sự ngăn cách với Đức Chúa Trời (Galatians 5:4).

Hebrews 6:1 nói với chúng ta rằng những điều sơ học về sự “từ bỏ các việc chết” và sự “tin Đức Chúa Trời” chính ra phải được thấu hiểu rồi bởi các tín hữu, và vì thế không cần phải cứ quay về để nhắc lại những tín lý căn bản đó nữa. Chỉ khi đó chúng ta mới tiến lên đến mức trưởng thành. Điều đáng buồn là phần đông các tín hữu vẫn cậy vào các việc chết và không đặt trọn niềm tin vào sự làm trọn của Đấng Christ trên thập tự giá. Đây phải là lý do khiến các thư tín quan trọng như Rô-ma, Ga-la-ti, Cơ-lô-se, và Hê-bơ-rơ đã được viết để làm sáng tỏ vấn đề này.

Vấp ngã

Đến đây, một điều hữu ích chúng ta có thể làm là tìm hiểu ý nghĩa của đoạn Hebrews 6:4-6 là một đoạn Kinh thánh cũng thường dễ bị hiểu lầm giống như câu 1 nói về “việc chết.”

Vì chưng những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Ðức Thánh Linh, nếm đạo lành Ðức Chúa Trời, và quyền phép của đời sau, nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ lại ăn năn nữa, vì họ đóng đinh Con Ðức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường. (Hebrews 6:4-6)

Nếu chúng ta chấp nhận ý nghĩa thực của “việc chết” không phải là các hành động xấu xa thông thường nhưng là các việc công đức bởi xác thịt không có giá trị tâm linh, thì chúng ta có thể rút tỉa được ý nghĩa chân thực của các từ được in chữ đậm trong đoạn Kinh thánh theo cùng nguyên tắc. Vấp ngã là khi người tín hữu trở về với luật pháp, ăn năn là từ bỏ sự trông cậy vào việc công đức của xác thịt mà đặt niềm tin trọn vẹn nơi sự làm trọn của Đấng Christ trên thập tự giá, còn làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường là khi từ chối không tin rằng Đấng Christ đã giải quyết vấn đề tội lỗi một lần đủ cả.

Kết luận

Tôi tin Chúa khi tuổi ngoài ba mươi sau nhiều năm tìm kiếm sự an nghỉ cho tâm hồn nặng chĩu. Tôi đã đến chân thập tự với bao nỗi vui mừng. Nhưng chẳng bao lâu sau lại quay về với tôn giáo đặt nền tảng trên việc làm, công đức, và cứ làm “việc chết” trong suốt gần ba mươi năm sau đó. Bận rộn hơn với những sinh hoạt trong hội thánh nhưng sự vui mừng càng hiếm hoi trong khi gánh nặng cứ gia tăng.

Bài viết này, mặc dầu tôi đã viết vào khoảng tháng 9 năm 2017, nhưng nay vừa được sửa đổi hoàn chỉnh hơn nhờ những đối thoại với một độc giả đã có những lời bàn sắc bén khiến tôi phải suy gẫm lại đoạn Hê-bơ-rơ và đi đến một nhận thức sâu xa hơn về đề tài chính của bài. Rất cảm ơn.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , , and