Làm Chết Các Việc Của Chi Thể

Thoạt nhìn, hầu như không cần ai dạy bảo, đa số đều đi đến kết luận rằng làm chết các việc của chi thể nghĩa là chiến thắng được mọi cám dỗ của xác thịt. Nhưng từ tiết của thư Rô-ma có cho chúng ta đi đến kết luận đó hay không? Kinh Thánh cho nhiều người dùng xác thịt mình không phải làm những việc tội lỗi thường tình của loài người, nhưng để được thông công với Đức Chúa Trời; những việc làm đó chính là đối tượng của những bài viết của Phao-lô. Tôi hy vọng rằng bài viết này giúp đỡ những người đang chiến đấu xác thịt theo cách nhìn phổ thông tìm được sự khuây khoả trong cách nhìn thuộc bối cảnh đề xướng trong bài viết này, và đi theo Chúa với những bước nhẹ nhàng hơn cho đến ngày của Cứu Chúa Giê-su Christ.

Thật thế, nếu anh em sống theo xác thịt thì phải chết; song nếu nhờ Thánh Linh, làm cho chết các việc của thân thể, thì anh em sẽ sống. (Romans 8:13)

Ấn tượng đầu tiên của bạn là gì khi nói đến xác thịt và các việc làm của nó? Cách giải thich phổ thông nhất của những từ này là xác thịt thì liên hệ đến phần tội lỗi của một người, và các việc làm của xác thịt là những việc làm đến từ các phần tội lỗi đó. Bài viết này đề nghị một cái nhìn đúng với Kinh Thánh hơn đối với những từ đó. Bài này quả quyết rằng sứ đồ Phao-lô viết để cảnh cáo sự dùng việc làm của xác thịt để nâng cao đời sống tâm linh—các việc làm này là nền tảng của hầu hết các tôn giáo ngoại trừ tin lành của Cứu Chúa Giê-su Christ. Để dễ dàng cho việc thảo luận, chúng ta đặt tên cho hai quan niệm: "cách nhìn phổ thông," và "cách nhìn theo văn mạch," tức là cách nhìn một chân lý đặt trong bối cảnh rộng lớn bao trùm chân lý đó; nghịch lại với văn mạch là "đoạn chương thủ nghĩa."

Theo cách nhìn phổ thông

Nếu cách nhìn phổ thông quả thực đúng với dụng ý của Phao-lô, thì người tín hữu có hy vọng gì? Vì có ai mà không sống theo xác thịt, không nhiều thì ít? Làm sao một người tín hữu trung bình có thể biết mình có đang sống, và sống bao nhiêu, dưới ảnh hưởng của xác thịt?

Tôi đã tốn 30 năm đầu kể từ khi tin Chúa tìm cách để đừng sống dưới sự kềm toả của xác thịt. Nghe biết bao nhiêu bài giảng, rồi nhiều thập niên trôi qua mà chẳng có hy vọng gì làm cho chết những việc của xác thịt. Những buổi bồi linh chỉ khơi dậy trong chốc lát đốm lửa gần tàn như vinh hiển Đức Chúa Trời đang phai dần trên khuôn mặt Môi-se khi ông rời sự hiện diện vinh hiển của Ngài. Đôi khi tôi thầm nương dựa nơi sự khích lệ của người khác để được vững tâm phần nào rằng mình cũng thiêng liêng đến mức, khi khác thì cậy nơi tình cảm riêng mình để tự đo lường mức độ mình đạt được. Nhưng nếp sống như vậy thì trái nghịch lại với sự biết chắc vững vàng như được bày tỏ trong Hebrews 11:1.

Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy.

Chúng ta phải cố gắng hết sức mình

Có thể có người sẽ nói: Phải, mặc dầu chúng ta không thể nào hoàn toàn làm chết được các việc làm của xác thịt, chúng ta vẫn phải cố gắng hết sức mình. Nhưng đây là sự tự dối mình, vì Romans 8:13 tuyên bố rõ ràng rằng “nếu anh em sống theo xác thịt thì phải chết.” Do đó dù chỉ một chút xác thịt ở một nơi hoặc lúc nào đó cũng đủ để khiến bạn bị loại trừ trong nước Đức Chúa Trời, vì có chép trong James 2:10 rằng: “Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều răn, thì cũng đáng tội như đã phạm hết thảy.” Do đo theo cái nhìn phổ thông thì bạn phải làm cho chết hết mọi việc của chi thể.

Hơn nữa dù có cố gắng hết sức cũng không đủ, vì nếu đủ, thì hẳn Chúa Giê-su đã không phải chết trên thập tự giá. Chúa đã phải hi sinh để tháo gỡ nanh vuốt của xác thịt bạn hầu bạn có thể hầu việc và thờ phượng Ngài. Nhưng chính sự giải thoát đó cũng giới hạn trong mối liên hệ đến sự sống đời đời, không phải cho xác thịt này mà bạn phải nhẫn nại chịu đựng cho đến ngày được ban cho thân thể không hay hư nát. Nếu sự làm chết mọi công việc của xác thịt nghĩa là bạn không còn phạm tội nữa thì chắc chắn bạn không thể nào có hy vọng về sự sống đời đời.

Tôi có câu hỏi cho quí vị giữ cái nhìn phổ thông là tại sao quí vị lại khăng khăng giữ lấy sự tin tưởng vào một hệ thống tín lý mà chắc chắn bạn sẽ bị khước từ trước ngưỡng cửa thiên đàng?

Các sách giải kinh nói gì?

Hầu như tất cả các sách giải kinh dạy rằng vì bây giờ chúng ta được quyền năng của Thánh Linh, chúng ta có sức mạnh để làm cho chết các việc của chi thể—các sự vi phạm theo cách nhìn phổ thông.

Chúng ta hãy thử duyệt qua một số các sách giải kinh có cái nhìn phổ thông về Romans 8:13.

Matthew Henry

Nếu có người nào theo thói quen sống theo những “dục vọng xác thịt,” chắc chắn sẽ chết trong tội lỗi, dù người đó có tuyên xưng điều gì đi chăng nữa. Và một đời sống thuộc về thế gian sẽ mang lại điều gì đáng giá để so sánh với phần thưởng cao đẹp của sự kêu gọi từ thiên thượng? Vậy chúng ta hãy, nhờ quyền năng của Thánh Linh, cố gắng càng hơn để làm cho chết phần xác thịt

Gill

Gill viết một bài rất dài về câu Kinh Thánh này, nhưng trọng yếu là bài viết đó đặt nền tảng trên cách nhìn phổ thông về xác thịt trong câu này.

Jamieson-Fausset-Brown

Sứ đồ Phao-lô đã không thoả mãn với sự bảo đảm với họ rằng họ không còn bị bó buộc về xác thịt, để mà nghe theo lời mời gọi của nó, mà không nhắc nhở họ về hậu quả cuối cùng nếu họ sống buông thả; và ông dùng chữ “làm cho chết” như cách chơi chữ cho cùng ý nghĩa với chữ “chết” ở đầu câu. “Nếu ngươi không diệt tội thì tội sẽ diệt ngươi.

Cảm nghĩ của tôi: chúng ta có thể diệt tội được sao? Vì chỉ có một Đấng có quyền lực huỷ diệt tội lỗi. Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng dù một người có tránh phạm tội tà dâm trong thân thể, người đó cũng bất lực trước sự tà dâm trong tư tưởng (Matthew 5:28). Điều giết chúng ta không phải là hành động, nhưng là bản chất tội lỗi. Chúng ta có giết được bản chất tội lỗi của mình không?

Ellicott

Nếu khi dưới quyền năng của Thánh Linh, bạn khiến những hành động đến bởi những kích thích của xác thịt giảm thiểu đến tình trạng chết và èo uột.

Đây là một lý luận mơ hồ. Tình trạng chết và èo uột là gì? Theo tiêu chuẩn nào? Mỗi người có một định nghĩa riêng về sự chết và sự èo uột?

Barnes

Nếu bạn sống để thoả mãn những khuynh hướng xác thịt, bạn sẽ chìm dần xuống sự chết đời đời … Những việc của xác thịt—khuynh hướng bại hoại và những đam mê; được gọi là các việc của chi thể, vì chúng bắt nguồn từ sự thèm khát của xác thịt.

Tác giả này có đọc qua Colossians 2:16-23?

Matthew Poole

Các tín hữu (the godly) phải coi chừng; đừng nghĩ rằng vì mình được chọn và xưng công bình nên muốn sống sao thì sống.

Thực ra ngôn từ của Romans 8:13 mang một trạng thái cực kỳ khẩn trương. Do đó nếu ý của đoạn này dựa trên cách nhìn phổ thông thì không ai được cứu.

Cambridge

làm cho chết; đông một nghĩa với chữ “chết” ở đầu câu nói về hậu quả của tội lỗi. Động từ này ở trong thì hiện tại, ám chỉ một tiến trình liên diễn của sự chống trả và từ bỏ chính mình. … Đoạn Kinh Thánh này, và những đoạn song song, cho thấy sứ đồ Phao-lô hoàn toàn công nhận phần tử của tội lỗi vẫn còn trong đời sống người đã được tái sinh—vẫn còn hiện diện do đó cần sự chống trả kịch liệt.

Đây là một số những lời giải kinh tôi tìm được trong mạng toàn cầu chỉ qua một câu hỏi. Tôi phỏng đoán tất cả các bài giải kinh còn lại cũng phạm vào cùng một sự lầm lẫn của “đoạn chương thủ nghia,” nghĩa là giải thich một câu mà không màng đến từ tiết, hoặc văn mạch.

Các nhà giải kinh phạm vào điều là đưa ra những tiêu chuẩn thuộc linh mà chính họ cũng không đạt được. Chúa Giê-su đã nói về những người đặt những gánh nặng vào người khác mà chính mình thì không động đến một ngón tay. Nhưng điều đó không quan trọng, vì mỗi người trong chúng ta chịu trách nhiệm để học hỏi cho biết chắc mình không lầm lạc khi đối diện với chân lý này vì nó có ảnh hưởng sâu đậm đến mối liên hệ với Chúa.

Ai có thể chứng nhận rằng một người nào đó đã làm chết các việc của chi thể mình? Ai có thể tự mình biết đã đạt đến bực trọn vẹn của mục tiêu đó?

Chạy không có mục đích

Đến đây chúng ta đã trình bày được chứng cớ rằng những người có cái nhìn phổ thông không thể nào có hy vọng về sự sống đời đời. Phần đầu của Romans 8:13 viết rằng “Nếu anh em sống theo xác thịt thì phải chết” hàm ý lên án toàn thể nhân loại vì mọi người đều sống dưới sự kềm toả của xác thịt. Đây là lời Kinh Thánh nói về khả năng của loài người để làm chủ xác thịt:

Vì mọi người đều phạm tội và thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (Romans 3:23)

Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy; Ðức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người. (Isaiah 53:6; Romans 3:10-18)

Do đó chúng ta chắc phải tự dối lòng mình nếu nghĩ rằng có thể làm chết những việc của xác thịt dựa theo cách nhìn phổ thông. Phải chăng chúng ta cũng giống như những người đang tham dự một cuộc chạy mà biết rằng mình không thể nào thắng được? Điều đáng kinh ngạc là các bục giảng khắp thế giới đều mang cách nhìn phổ thông như thể đó là mục đích chính của đạo Chúa. Họ đang chiêu mộ người đi đến một vương quốc mà chung quanh bao trùm hàng rào kẽm gai không ai vào được.

Ai đang vật lộn với xác chết?

Nếu quả thực có người có thể làm chết đi các việc làm của xác thịt, thì chắc người đó chẳng còn phải vật lộn trong đời sống tin kính? Vì ai lại muốn vật lộn với những gì đã chết? Và nếu quả thực người ta có thể làm được điều đó, thì chắc sứ đồ Phao-lô đã không viết:

21Vậy tôi thấy có luật nầy trong tôi: khi tôi muốn làm điều lành, thì điều dữ dính dấp theo tôi. 22Vì theo người bề trong, tôi vẫn lấy luật pháp Ðức Chúa Trời làm đẹp lòng; 23nhưng tôi cảm biết trong chi thể mình có một luật khác giao chiến với luật trong trí mình, bắt mình phải làm phu tù cho luật của tội lỗi, tức là luật ở trong chi thể tôi vậy. (Romans 7:21-23)

Cách nhìn theo văn mạch

Cả Kinh Thánh nói về điều gì? Là một sách đạo đức để giải quyết vô số những việc làm xấu xa của nhân loại? Hoặc để bắc một nhịp cầu giữa khoảng cách quá xa vời giữa Thượng Đế và nhân loại? Quả thực dù Kinh Thánh khởi đầu bằng cách vạch trần tình trạng tội lỗi của nhân loại, nhưng rồi sau đó tiến đến sự công bố toàn thắng, không phải về một người nào đó sanh bởi thịt và huyết, nhưng về Con một của Đức Chúa Trời là Đấng Cứu Thế.

Kinh Thánh, trong phần chúng ta gọi là Cựu Ước, cho nhân loại một thời gian hạn định một cơ hội để thử thách họ, qua một giao ước cũ gọi là Cựu Ước với Mười Điều Răn và các điều lệ, nhằm mục đích đưa họ đến một chỗ mà họ phải quỳ gối công nhận rằng dù họ đã cố gắng hết sức giữ mọi điều răn làm tiêu chuẩn sống, họ vẫn còn cách quá xa sự công bình của Đức Chúa Trời.

Và sau một thời gian để nhân loại kiệt quệ hết khả năng của họ trong nỗ lực giữ các điều răn và điều lệ, Chúa đem đến một kỷ nguyên mới mà nhân loại không còn được dùng sức mình, tức là xác thịt mình, để tìm cách đến gần Chúa nữa. Kỷ nguyên mới này được ghi lại trong Kinh Thánh Tân Ước mà trong đó đức tin là phương tiện duy nhất mà qua đó nhân loại có thể nhận được món quà của sự thứ tha tội lỗi và sự sống đời đới cho bất cứ ai xin.

Chúa Giê-su đã đến cách đây hơn hai ngàn năm như đã được khải thị trước bởi các tiên tri từ buổi xa xưa, nhưng điều quan trọng nhất là Ngài đã đến để chấm dứt các của tế lễ (Hebrews 10:12;10:26), và dành quyền tối cao là vị Cứu Tinh duy nhất của nhân loại. Sự dâng chính mình Ngài sẽ đem đến hồi kết cuộc cho mọi của tế lễ. Chính Ngài là tin mừng cứu rỗi, là Lời Đức Chúa Trời, mà không ai được thêm hoặc bớt gì trong đó.

Đức Chúa Trời buộc cả nhân loại không còn được dùng sức mình nữa vì cơ hội đã qua, Chúa đã chứng tỏ cho họ thấy họ không thể tự cứu được mình; bây giờ họ phải đầu phục và bày tỏ sự trông cậy trọn vẹn nơi Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế. Nhưng chúng ta sẽ thấy lòng kiêu ngạo của nhân loại là lớn lắm, và họ sẽ gắng hết sức mình để chứng tỏ một lần nữa họ “giống Chúa, biết điều thiện và điều ác.” Và vì thế sứ đồ Phao-lô được giao cho trọng trách viết các lá thư cho các hội thánh tuyên bố với họ rằng bây giờ là giai đoạn của đức tin, không còn của việc làm nữa. Các việc đó chính là các việc làm của xác thịt mà họ phải làm cho chết; đó là loại việc làm cạnh tranh với thập tự giá của Đấng Christ trong sự cứu rỗi linh hồn. Những việc làm tội lỗi của xác thịt thì còn được tha thứ, nhưng việc làm dành quyền của thập tự giá bởi xác thịt là điếu đáng ghê tởm trước mặt Đức Chúa Trời.

Chúng ta hãy học vài từ Hy-lạp

Chữ “việc” trong Romans 8:13 được đánh số Strong 4234:

4234: praxis prax’-is từ số 4238; thực hành, i.e. (cụ thể) một hành động; bởi sự khai triển, một nhiệm vụ:–công việc, văn phòng, công tác. xem tiếng Hy-lạp của số 4238

chữ này có một động từ mang số Strong 4238:

4238: 4238 prasso pras’-so một động từ chính; “thực hành”, thí dụ như được lập đi lập lại như một thông lệ (do đó khác với 4160 là một từ nói về một hành động độc nhất); được ám chỉ, thi hành, hoàn tất, v.v.; nhất là, để thu thập (lệ phí), vé (cá nhân):–quyết tâm, việc làm, làm, chuẩn xác, gìn giữ, đòi hỏi, sử dụng nghệ thuật.

Duyệt qua một số các sự dùng chữ Hy-lạp số 4238 trong Kinh Thánh cho thấy ý nghĩa trung dung của nó, của những hành động không hẳn là tốt hoặc xấu tuỳ theo trường hợp.

Chúng ta thường liên hệ “các việc làm của chi thể” với những hành động tội lỗi, nhưng chúng ta đã không nhìn từ khía cạnh của bối cảnh chung quanh lý do tại sao Phao-lô đã viết thư này, ông viết về sự sử dụng xác thịt để đạt được cao điểm của đời sống tâm linh.

Thập tự giá chưa đủ

Chẳng bao lâu sau khi Chúa Giê-su sống lại và về bên hữu Đức Chúa Cha đế ban sự công bình cho những kẻ xưng danh Ngài, và cũng chẳng bao lâu sau khi hội thánh Chúa được thành lập như được ghi nhận trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ, các tín hữu của hội thánh ban đầu này quay trở về với nếp sống cũ. Đến nỗi sứ đồ Phao-lô đã phải khởi sự viết rất nhiều thư để kêu gọi họ giữ vững niềm tin về phúc âm của Đấng Christ.

Thơ gửi hội thánh Cơ-lô-se

Phao-lô khởi đầu chương 2 của sách Cơ-lô-se với lời chúc:

2Hầu cho lòng những kẻ ấy được yên ủi, và lấy sự yêu thương mà liên hiệp, đặng có nhiều sự thông biết đầy dẫy chắc chắn, đến nỗi có thể hiểu sự mầu nhiệm của Ðức Chúa Trời, tức là Ðấng Christ, 3mà trong Ngài đã giấu kín mọi sự quí báu về khôn ngoan thông sáng. (Colossians 2:2-3)

Phao-lô nhắc nhở họ rằng bất cứ họ cần điều gì để được đời sống tin kính và thoả lòng thì đều được giấu kín trong Đấng Christ. Chúng ta sẽ thấy rõ ràng trong những đoạn sau rằng họ tìm cách để được những điều đó từ chính mình—các việc của chi thể họ.

6Anh em đã nhận Ðức Chúa Jêsus Christ thể nào, thì hãy bước đi trong Ngài thể ấy; 7hãy châm rễ và lập nền trong Ngài, lấy đức tin làm cho bền vững, tùy theo anh em đã được dạy dỗ, và hãy dư dật trong sự cảm tạ. (Colossians 2:6-7)

Ông bảo đảm với họ rằng tin lành đơn sơ mà họ đã nhận lúc ban đầu, như đã được bày tỏ trong John 3:16, là tin lành mà họ phải theo đó mà sống.

8Hãy giữ chừng, kẻo có ai lấy triết học và lời hư không, theo lời truyền khẩu của loài người, sơ học của thế gian, không theo Ðấng Christ, mà bắt anh em phục chăng. (Colossians 2:8)

Phao-lô tiếp tục cảnh cáo các tín hữu coi chừng những kẻ dùng lời khéo léo dỗ dành họ thêm việc làm của xác thịt dựa trên những truyền thống của loài người. Hay nói cách khác, họ làm suy giảm quyền năng cứu rỗi của thập tự giá Đấng Christ.

Anh em cũng chịu cắt bì trong Ngài, không phải phép cắt bì bởi tay người ta làm ra, nhưng là phép cắt bì của Ðấng Christ, là lột bỏ tánh xác thịt của chúng ta. (Colossians 2:11)

Có một việc làm của xác thịt mà người Cơ-lô-se phải làm cho chết đó là sự họ cậy vào phép cắt bì của xác thịt họ, là điều cạnh tranh trực tiếp với phép cắt bì trong tấm lòng của Đấng Christ.

20Ví bằng anh em chết với Ðấng Christ về sự sơ học của thế gian, thì làm sao lại để cho những thể lệ nầy ép buộc mình, như anh em còn sống trong thế gian: 21Chớ lấy, chớ nếm, chớ rờ? 22Cả sự đó hễ dùng đến thì hư nát, theo qui tắc và đạo lý loài người, 23dầu bề ngoài có vẻ khôn ngoan, là bởi thờ lạy theo ý riêng, cách khiêm nhượng và khắc khổ thân thể mình; nhưng không ích gì để chống cự lòng dục của xác thịt. (Colossians 2:20-23)

Sự sơ học của thế gian có liên hệ sâu xa với những sự thúc đẩy việc dùng công việc của xác thịt để đạt được mục tiêu về tâm linh; xem có vẻ cao trọng, được cưu mang bởi những nhà giải kinh đáng kính được liệt kê ở trên, và những hệ phái dẫn đầu bởi những lãnh đạo với học vấn cao về thần học. Làm sao những vị này lại có thể phạm vào lỗi lớn lao như vậy về vấn đề giải thích Kinh Thánh? “Các việc của chi thể” nào có phải là về các hành động tội lỗi? Chúng là những việc chúng ta không thể dùng để bước đi với Chúa.

Chúng ta ghi nhận một điều rằng phần giải kinh của Cambridge nhấn mạnh giá trị của sự “chống trả kịch liệt và tự bỏ mình” nhưng trên thực tế lại “gợi lòng dục của xác thịt” như chúng ta đọc thấy trong Colossians 2:23. Đây là những việc làm của xác thịt được mặc lấy chiếc áo ngoài của những lời nghe có vẻ thiêng liêng.

Thơ gửi hội thánh Ga-la-ti

Paul expressed this doctrine in a different form when he wrote to the Galatians who tied circumcision to their salvation:

1Ðấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do; vậy hãy đứng vững, chớ lại để mình dưới ách tôi mọi nữa. 2Tôi là Phao-lô nói với anh em rằng, nếu anh em chịu làm phép cắt bì, thì Ðấng Christ không bổ ích chi cho anh em hết. 3Tôi lại rao cho mọi người chịu cắt bì rằng, họ buộc phải vâng giữ trọn cả luật pháp. 4Anh em thảy đều muốn cậy luật pháp cho được xưng công bình, thì đã lìa khỏi Ðấng Christ, mất ân điển rồi. 5Về phần chúng ta, ấy là bởi đức tin và nhờ Thánh Linh mà chúng ta được nhận lãnh sự trông cậy của sự công bình. 6Vì trong Ðức Chúa Jêsus Christ, cái điều có giá trị, không phải tại chịu phép cắt bì hoặc không chịu phép cắt bì, nhưng tại đức tin hay làm ra bởi sự yêu thương vậy. (Galatians 5:1-6)

Phao-lô đã viết toàn bộ sách Ga-la-ti với mục đích trọng yếu là cản họ chớ tìm cách liên hệ với Chúa qua luật pháp dựa trên căn bản của xác thịt. Đoạn Ga-la-ti trích ra ở trên cho thấy ý nghĩa thực sự của “các việc của chi thể” trong dạng phép cắt bì mà Phao-lô đã cảnh cáo cách nghiêm trọng: “nếu anh em chịu làm phép cắt bì, thì Ðấng Christ không bổ ích chi cho anh em hết!”“Anh em thảy đều muốn cậy luật pháp cho được xưng công bình, thì đã lìa khỏi Ðấng Christ, mất ân điển rồi.” Những “việc làm của chi thể” này với mục đích đạt được sự công bình của Đức Chúa Trời mới đúng là tội không thể tha thứ được.

Thư gửi hội thánh Rô-ma

1Hỡi anh em, sự ước ao trong lòng tôi và lời tôi vì dân Y-sơ-ra-ên cầu nguyện cùng Ðức Chúa Trời, ấy là cho họ được cứu. 2Vì tôi làm chứng cho họ rằng họ có lòng sốt sắng về Ðức Chúa Trời, nhưng lòng sốt sắng đó là không phải theo trí khôn. 3Bởi họ không nhận biết sự công bình của Ðức Chúa Trời và tìm cách lập sự công bình riêng của mình, nên không chịu phục sự công bình của Ðức Chúa Trời; 4vì Ðấng Christ là sự cuối cùng của luật pháp, đặng xưng mọi kẻ tin là công bình. (Romans 10:1-4)</cite>

Sự công bình riêng của mình còn đến từ đâu ngoài bản chất xác thịt? Đây là một tội chẳng phải bởi sự yếu đuối của con người, nhưng đến từ lòng kiêu ngạo. Loại công việc ít được giảng dạy trên toà giảng, nhưng sống trong lòng, phần lớn, chính người mang trách nhiệm rao truyền lời Chúa, của những nhà giải kinh đã không tuân theo nguyên tắc căn bản của luận lý.

Thư gửi hội thánh Hê-bơ-rơ

Trong chương 8, tác giả Hê-bơ-rơ, sau khi cẩn trọng đặt nền móng, bắt đầu giới thiệu Chúa Giê-su là Đấng trung bảo của một giao ước tốt hơn.

Nhưng thầy tế lễ thượng phẩm chúng ta đã được một chức vụ rất tôn trọng hơn, vì Ngài là Ðấng trung bảo của giao ước tốt hơn, mà giao ước ấy lập lên trên lời hứa tốt hơn. (Hebrews 8:6)

Giao ước cũ và thấp kém hơn thì hoàn toàn đặt nền tảng trên xác thịt và việc làm của nó, nhưng giao ước mới và cao trọng hơn thì đặt nền tảng trên đức tin (Galatians 3:12)

Ni-cô-đem và việc làm của xác thịt

Khi Chúa Giê-su khẳng định với Ni-cô-đem: “Ngươi phải được tái sinh (John 3:1-21)”, ông không khỏi nghĩ đến điều đó theo cách nhìn của xác thịt: tôi phải tái sinh bằng cách trở về trong bụng mẹ chăng? Hẳn nhiên là ý tưởng này chỉ đến sau khi Chúa tuyên bố với ông một điều lạ lùng, nhưng thực ra Ni-cô-đem còn quen thuộc hơn với những việc làm của xác thịt không khác gì các tín hữu Cơ-lô-se và Ga-la-ti, hoặc bất cứ người Hê-bơ-rơ nào sốt sắng trong thời Cựu Ước.

Danh vọng hư không của người cậy luật pháp

Sự cậy vào xác thịt để sống đạo nhiều khi còn được coi là đáng trọng và đáng khen ngợi. Những lỗi lầm đến bởi xác thịt hư mất là điều hiển nhiên và không cần phải sâu nhiệm về thuộc linh để nhận diện, nhưng sự sử dụng xác thịt để đạt được sự nên thánh trọn vẹn, hoặc để được sự công bình của Đức Chúa Trời, thì có sức quyến rũ hoàn vũ và chung cuộc nhiều người theo đuổi. Đa số độc giả của Phao-lô không thấy tầm quan trọng của sự cảnh cáo của ông và cuối cùng thì họ lại bị lôi kéo đến điều mà chính ra họ phải tránh: dùng xác thịt mình để hầu việc Đức Chúa Trời.

Kết Luận

Hy vọng đến đây, bạn đọc thấy cái nhìn phổ thông về “các việc của chi thể” không đứng vững trong bối cảnh chung quanh Romans 8:13, vì nếu quả thực đó cũng là cái nhìn của Phao-lô, thì chẳng người tín hữu nào được cứu, vì toàn thể nhân loại, cả người tin Chúa lẫn không tin Chúa, làm những việc của xác thịt không nhiều thì ít. Dầu vậy, dòng huyết của Đấng Christ cũng dư để bao phủ mọi vi phạm xấu xa của toàn thể nhân loại.

Nhưng có một điều huyết Chúa không bao phủ đó là khi con người ỷ lại một điều gì đó ngoài thập tự giá của Đấng Christ để làm phương tiện của sự cứu rỗi. Mọi tôn giáo trên thế gian đều dùng “các việc của chi thể” với niềm hi vọng đạt được mức thánh thiện trọn vẹn. Chúa đã ban cho người Do-thái Cựu Ước trong một thời gian giới hạn cho đến lúc họ phải nhìn nhận Chúa Giê-su là Cứu Chúa. Chúa đã dùng khoảng thời gian đó để cho nhân loại thấy “các việc làm của chi thể” không thể nào đem lại cho họ sự công bình đã mất.

Nhưng có một “việc làm,” đó là đức tin, mà Chúa cho phép và ban cho qua sự hy sinh của Con một của Ngài.

28Chúng thưa rằng: Chúng tôi phải làm chi cho được làm công việc Ðức Chúa Trời? 29Ðức Chúa Jêsus đáp rằng: Các ngươi tin Ðấng mà Ðức Chúa Trời đã sai đến, ấy đó là công việc Ngài. (John 6:28-29).”

Quí vị có bao giờ suy nghĩ “đức tin” chính là “việc làm” cao trọng nhất? Chính Đức Chúa Giê-su nói như vậy, và tôi tin lời Ngài phán.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and