Vào Nơi An Nghỉ Chúa

Trước khi Chúa-Giê-su trút hơi thở cuối cùng trên thập tự giá, Ngài phán: “Mọi sự đã được trọn.” Cũng như Đức Chúa Trời đã nghỉ sau khi Ngài hoàn tất công cuộc sáng tạo trời đất, Chúa Giê-su cũng nghỉ sau khi Ngài hoàn tất chương trình cứu rỗi nhân loại. Ý Ngài là mọi người được vào nơi an nghỉ của Ngài, nhưng phần lớn các tín hữu không kinh nghiệm được sự an nghỉ đó, con đường theo Chúa của họ vẫn nặng trĩu với những gánh nặng khi họ cố tìm cách đạt được điều mà không những Chúa Giê-su đã làm trọn cho họ, mà chỉ Ngài mới có quyền năng để làm điều đó.

Những gánh nặng của loài người

Làm người ai cũng phải mang gánh nặng thể chất cũng như tâm linh, tuy nhiên, Chúa Giê-su đến với mục tiêu chính là để giải quyết vấn đề tâm linh. Gánh nặng về thể xác đè nặng trên vai cả người tin kính lẫn người không tin Chúa, người thì được một đời sống nhẹ nhàng trong khi người khác phải vật lộn để sống còn. Nhưng khi Chúa Giê-su phán trong câu Kinh thánh sau: “Hỡi những kẻ mệt mỏi vì gánh nặng, hãy đến cùng ta, các ngươi sẽ được yên nghỉ” (Matthew 11:28), chẳng phải ngài cũng đang nói về gánh nặng thể xác, hoặc ít nhất thì cũng bao gồm với gánh nặng tâm linh?

Nếu quả thực ý Chúa là để cất chúng ta khỏi gánh nặng thể xác, chẳng hạn như bệnh tật, khó khăn về tài chính, v.v., hẳn ngài có thể dễ dàng giải quyết bằng nhiều phương tiện về thể chất. Nếu Chúa đã dựng nên vũ trụ và mọi vật trong đó, thì sự chữa lành bệnh tật và giải quyết vấn đề tài chính chẳng khó khăn gì đối với Ngài. Thật không phải như vậy, Chúa Giê-su đã không trải qua sự chết vì cuộc sống vật chất của nhân loại, nhưng vì tội lỗi của họ, và mặc cảm tội lỗi đè nặng trong lòng họ. Do đó gánh nặng mà nhân loại cần được cởi bỏ là gánh nặng tội lỗi mà chỉ Đấng Christ mới có thể thực hiện được điều đó cho họ trên thập tự giá. Đây thực là một gánh nặng tâm linh.

Gánh nặng tôn giáo

“Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! vì các ngươi đi khắp dưới nước trên bộ để khuyên một người vào đạo mình; và khi đã khuyên được rồi, thì các ngươi làm cho họ trở nên người địa ngục gấp hai các ngươi.” (Matthew 23:15)

Sự người Pha-ri-si khiến những kẻ họ đem vào đạo trở nên “người địa ngục” không có nghĩa là họ dạy những người đó làm những điều gian ác, nhưng dạy những điều khiến cuộc đời họ khốn khổ như sống trong địa ngục. Họ là những người “dò xem Kinh Thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời: ấy là Kinh Thánh làm chứng về ta vậy.” Họ cũng mộ đạo, nhưng đã không hiểu rằng những đoạn Kinh thánh mà họ cực kỳ tôn kính đang viết về chính Chúa Giê-su, do đó thay vì đưa dẫn tín hữu đến với ngài để được thoát khỏi gông cùm của tội lỗi, họ đã lầm lẫn và chồng chất trên những người đó những gánh nặng của luật pháp, gây thêm sự ngăn cách giữa họ và Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô đã viết tỏ tường về sự sai lầm này như sau:

Người ta được xưng công bình, chẳng phải bởi các việc luật pháp đâu, bèn là cậy đức tin trong Ðức Chúa Jêsus Christ, nên chính chúng tôi đã tin Ðức Chúa Jêsus Christ, để được xưng công bình bởi đức tin trong Ðấng Christ, chớ chẳng bởi các việc luật pháp; vì chẳng có ai được xưng công bình bởi các việc luật pháp (Galatians 2:16)

Nhưng có người biện hộ rằng họ giảng luật pháp chẳng phải về sự xưng công bình, nhưng về sự nên thánh. Nhưng bất kể lý do gì dù có vẻ chính đáng đến đâu chăng nữa, cũng đưa đến cùng một hậu quả, rằng dù Đức Chúa Trời có bởi lòng nhân từ của Ngài ban sự cứu rỗi cho bất cứ ai ở trong Đấng Christ, đời sống người tín hữu trở nên một chuỗi dài những nỗ lực để được “nên thánh hơn,” được “đẹp lòng Chúa hơn,” và ngay cả sự thỏa mãn những đòi hỏi của người khác dù những đòi hỏi đó chẳng được đặt trên nền tảng gì trong Thánh Kinh. Ma quỷ cũng biết và tin một số điều gì đó về Chúa (James 2:19), nhưng chúng chẳng hề “tin cậy” nơi Ngài. Nhiều người cũng tin Chúa như vậy. Họ nhìn Chúa qua một lăng kính giống như nhiều tôn giáo trong thế gian. Họ thấy một Đức Chúa Trời với những sự đòi hỏi và mục tiêu không ai đạt được. Họ thấy một Chúa luôn luôn soi mói bắt bẻ mọi lỗi lầm của họ.

Gánh nặng của họ không phải về thể chất, nhưng về tâm linh. Họ luôn luôn thấy mình cần phải làm hòa với Chúa qua sự giữ các điều luật pháp đòi hỏi. Sách Công-vụ có viết về gánh nặng này, khi các sứ đồ và các lãnh đạo hội thánh hội nghị ở thành Giê-ru-sa-lem bàn về vấn đề có nên bó buộc các tín hữu người ngoại phải tuân giữ luật pháp Môi-se hay không, nhưng sứ đồ Phi-e-rơ phản đối rằng:

7Sau một cuộc bàn luận dài rồi, Phi -e-rơ đứng dậy nói cùng chúng rằng: Hỡi anh em, hãy biết rằng từ lúc ban đầu, Ðức Chúa Trời đã chọn tôi trong các anh em, để cho người ngoại được nghe Tin Lành bởi miệng tôi và tin theo. 8Ðức Chúa Trời là Ðấng biết lòng người, đã làm chứng cho người ngoại, mà ban Ðức Thánh Linh cho họ cũng như cho chúng ta; 9Ngài chẳng phân biệt chúng ta với người ngoại đâu, vì đã lấy đức tin khiến cho lòng họ tinh sạch. 10Vậy bây giờ, cớ sao anh em thử Ðức Chúa Trời, gán cho môn đồ một cái ách mà tổ phụ chúng ta hoặc chính chúng ta cũng chưa từng mang nổi? 11Trái lại, chúng ta tin rằng nhờ ơn Ðức Chúa Jêsus, chúng ta được cứu cũng như người ngoại vậy (Acts 15:7-11)

Gánh nặng đến nỗi chính họ, những người lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ, và cả tổ phụ họ nữa, cũng không gồng gánh nổi. Do đó, sự giải thoát khỏi gánh nặng của luật pháp chính là sự ngơi nghỉ mà Chúa Giê-su nói đến khi ngài hứa trong Matthew 11:28. Đây cũng là sự yên nghỉ mà tác giả sách Hê-bơ-rơ đã nói đến trong đoạn 4 câu 11 kêu gọi chúng ta gắng sức để vào đó. Cũng chính là sự yên nghỉ mà Chúa đã ban cho người Do-thái qua ngày Sa-bát làm hình bóng của sự yên nghỉ thật trong Đấng Christ.

Ách và gánh của Chúa Giê-su

Ách và gánh của Chúa Giê-su là thập tự giá và tội lỗi thế gian. Khi ngài kêu gọi chúng ta mang ách và gánh của ngài, ngài đã không nói trong ý nghĩa mà người ta thường hiểu. Ách Chúa là thập tự giá đòi hỏi sự chết của chính Ngài, vì chỉ sự chết của Chúa mới thỏa được điều kiện của Đức Chúa Trời để làm giá chuộc tội thế gian. Do đó Chúa không thể nào đòi hỏi chúng ta làm điều mà chỉ Ngài mới có thể thực hiện được.

Do đó, mang ách của Chúa chỉ có thể mang ý nghĩa là tiếp nhận món quà Chúa ban như thể chính chúng ta đã chết trên cây thập tự. Chân lý này được bày tỏ trong nhiều đoạn Kinh thánh rằng chúng ta được kể như đã đồng chết cùng Chúa Giê-su mặc dù chẳng ai trong chúng ta phải trải qua sự chết như ngài. Do đó chúng ta cũng đồng chôn với Chúa hầu cũng đồng được sống lại với ngài trong sự sống mới (Romans 6:4)

Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp tem trong sự chết Ngài, hầu cho Ðấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy (Romans 6:4).

Nhưng bây giờ chúng ta đã chết về luật pháp, là điều bắt buộc mình, thì được buông tha khỏi luật pháp đặng hầu việc Ðức Chúa Trời theo cách mới của Thánh Linh, chớ không theo cách cũ của văn tự (Romans 7:6).

Các bạn có thấy thì quá khứ được dùng trong những đoạn Kinh thánh đó không? Chúng ta vẫn còn sống mà được kể là ĐÃ đồng chết và chôn cùng Đấng Christ, ĐÃ được buông tha khỏi luật pháp. Thì cũng tương tự như vậy với ách mà Chúa Giê-su đã mang nhưng được kể là chính chúng ta cũng đã mang hầu món nợ tâm linh được đền bù trọn vẹn.

Chúa Giê-su đã trả mọi giá hầu chúng ta được vào nơi an nghỉ quý báu mà cả nhân loại đang tìm cầu từ thời của A-đam. Chúa Giê-su đã mang gánh nặng, nặng đến nỗi bao gồm tất cả tội lỗi của nhân loại từ buổi sáng thể cho đến cuối cùng, hầu chúng ta không phải tự mình gánh lấy. Nhu cầu phải tiếp tục trả giá cho từng tội lỗi bây giờ được thay thế bởi sự trả giá một lần đủ cả bởi Con Trời trên thập giá. Vì thế ngày nay bất cứ ai nhận lấy sự chết thay của Chúa trên thập giá được vào sự an nghỉ của ngài. Nhưng sự vào nơi an nghỉ này không phải chỉ là một ý tưởng cao đẹp, nhưng là một mệnh lệnh được ban cho chúng ta trong Thánh Kinh:

Vậy, chúng ta phải gắng sức vào sự yên nghỉ đó (Hebrews 4:11).

Chúng ta được kêu gọi để gắng sức, không phải để làm một việc gì đó cao thượng hoặc đáng khen ngợi, nhưng để vào nơi an nghỉ đó. Đây là một điều trái ngược với quan niệm phổ thông về đời sống tin kính mà trong đó sự an nghỉ thường bị liên hệ với sự lười biếng, sự lạm dụng ân điển, trong khi sự bận rộn thường được nâng lên như một đức tính tốt. Do đó sự kêu gọi vào nơi an nghỉ, như trong câu chuyện Ma-ri và Ma-thê khi Chúa Giê-su khen Ma-ri vì đã chọn điều tốt hơn, đó là khi cô chọn “an nghỉ” dưới chân Chúa, đó là một sự lựa chọn tốt hơn mà không ai có thể lấy đi được, trở nên một báu vật giấu kín, hoặc một giáo điều sai lạc phải ngăn cấm.

Nhưng thực ra đây không thể là một điều bí ẩn vì Cứu Chúa của chúng ta thường nói về nó khi ngài còn sống trong thế gian. Ngài nói về sự an nghỉ, về sự giải thoát khỏi xiềng xích tội lỗi, về nước hằng sống thỏa khát cho đến đời đời, về sự cởi bỏ gánh nặng, và về sự tha thứ tội lỗi.

Mọi sự đã được trọn

Chẳng có lời kêu gọi vào sự yên nghỉ nào vĩ đại hơn lời Chúa Giê-su thốt lên vào giây phút cuối cùng trên thập tự giá: “Mọi sự đã được trọn” (John 19:30). Đối với những kẻ đang mệt mỏi vì gánh nặng, đến thời điểm họ có thể cảm nhận được ý Chúa, lời phán đó chẳng khác gì sự xé toạc bức màn ngăn cách họ với Chúa, sự đất được mở ra giữa lòng Biển Đỏ, sự phục sinh của Đấng Christ, lời tuyên bố kẻ tin được dạn dĩ vào nơi rất thánh, và một điều không kém phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày, là cởi bỏ được gánh nặng của sự phải đạt được tiêu chuẩn công bình tối cao của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su đã thỏa mọi điều cần thiết để chúng ta được đẹp lòng Chúa, hay nói cách khác, chính Ngài đã hoàn tất mọi điều Đức Chúa Trời đòi hỏi hầu chúng ta đạt được sự công bình của Ngài.

Vì lý do đó, chúng ta được phép cởi bỏ gánh nặng, không còn phải cố gắng trở nên “giống như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác” nhưng có thể bắt đầu đặt niềm tin nơi Đấng thực sự biết thiện và ác, không những biết điều lành để chúng ta làm, hoặc điều ác để tránh, mà còn ban quyền năng sáng tạo của ngài để thực hiện ý tốt lành mà ngài đã sắm sẵn cho mỗi người từ trước khi chúng ta được nắn lên trong lòng mẹ. Sứ đồ Phao-lô đã viết về sự Chúa đã gọi ông từ trong bụng mẹ bởi ân điển Ngài để giảng tin lành cho người ngoại (Galatians 1:15). Nếu vậy thì Phao-lô đã làm gì trước khi ông bắt đầu chức vụ? Ông đã hết lòng cầu nguyện để Chúa gọi ông đến hầu việc Ngài? Ông đã chuẩn bị chính mình cho trọng trách vĩ đại sắp đến? Hội thánh đã đặt tay cầu nguyện để Chúa hành động cách mạnh mẽ trên ông? Chẳng một điều nào kể trên. Trái lại, ông đang bận rộn làm kẻ thù của tin lành. Chúa đã cho ông, cũng như mỗi người trong chúng ta, những từng trải đó, hầu chẳng một ai trong chúng ta có thể kể công về bất cứ công việc nào mình làm cho Chúa, hầu chẳng còn nghi ngờ gì rằng chính Chúa là tác giả của mọi việc lành cho vương quốc Ngài.

Vào nơi an nghỉ Chúa. Đó là một việc tốt hơn mà không ai có thể tước lấy từ bạn. Những điều mà bạn nghĩ chưa được trọn về Chúa, về tội lỗi và luật pháp, chính là những điều cướp đi sự bình an, sự sống dư dật, nước hằng sống, mà Chúa Giê-su đã hứa ban khi Ngài gọi bạn đến đặt niềm tin nơi Ngài. Hãy tin vào Ngài. Mối liên hệ với Chúa, tội lỗi, và luật pháp, Chúa đã làm trọn ở Gôn-gô-tha. Mọi món nợ đã được trả. Hãy đến dưới chân Chúa và an nghỉ.

Chúng nó ai nấy sẽ chẳng dạy kẻ lân cận mình hay là anh em mình, mà rằng: Hãy nhận biết Ðức Giê-hô-va! vì chúng nó thảy đều sẽ biết ta, kẻ nhỏ cũng như kẻ lớn. Ðức Giê-hô-va phán: Ta sẽ tha sự gian ác chúng nó, và chẳng nhớ tội chúng nó nữa (Jeremiah 31:34).

Nguyện xin ân điển và bình an ở cùng bạn.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , , , and