Đầu Phục Chúa

Làm sao chúng ta có thể đầu phục Chúa nếu "xác thịt có những dục vọng trái với Thánh Linh" (Galatians 5:17) và: "… tôi không hiểu điều mình làm: tôi chẳng làm điều mình muốn, nhưng làm điều mình ghét (Romans 7:15)."

Vấn đề nan giải

Mỗi người tín hữu đều trải qua ở một mức độ nào đó những xung đột giữa lòng ước muốn sống theo ý Chúa và sự bất lực của mình. Đề tài Đầu Phục thường được nói đến từ các nguồn ngoài cũng như trong đạo Chúa. Đối với người tín hữu, khả năng đầu phục Chúa mang nhiều ý nghĩa khác nhau; từ sự chống lại được những cám dỗ, đến sự vâng theo những điều người đó nghĩ là ý Chúa trong đời sống họ, đến khả năng vượt thắng được những bản tính xấu đã từng gây khó khăn cho họ khiến họ phải đến đặt niềm tin nơi Chúa.

Phao-lô không phải chỉ viết về những xung đột trong hai thơ Ga-la-ti và Rô-ma, ông cũng chỉ cho chúng ta biết làm sao tìm được giải pháp cho nan đề đó. Mục đích của bài viết này là để cho thấy rằng mặc dầu sự đầu phục Chúa là điều tốt, nó không phải là mục tiêu của đời sống tin kính, mà trái lại người tín hữu sẽ đạt được sự đầu phục, sự yên nghỉ đó một cách gián tiếp, như là kết quả đến bởi một điều rất quan trọng hơn, một sự biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần, một cái nhìn mới, về sự bước đi với Chúa, từ sự vâng lời đặt nền tảng trên luật pháp đến sự nhận quyền năng bởi ân điển.

Thơ gửi hội thánh Ga-la-ti

Phao-lô tuyên bố về sự hiện diện của xác thịt trong đời sống chúng ta:

17Vì xác thịt có những điều ưa muốn trái với của Thánh Linh, Thánh Linh có những điều ưa muốn trái với của xác thịt; hai bên trái nhau dường ấy, nên anh em không làm được điều mình muốn làm (Galatians 5:17).

Chúng ta nhận thấy rõ qua đoạn này là những dục vọng của xác thịt khác với ý muốn của Chúa, do đó nó sẽ không tự nguyện đầu phục Chúa, và kết quả là chúng ta “không làm được điều mình muốn làm.” Nhưng đa số các tín hữu không nghĩ như vậy, họ nghĩ mình có thể bằng một cách nào đó vận dụng nỗ lực để đạt được điều mà sứ đồ Phao-lô nói họ không làm được.

Phao-lô viết như một lời tuyên bố về một chân lý không dời đổi, và chúng ta sẽ vững tin về điều này hơn nữa khi học đến đoạn Rô-ma sắp tới.

Thơ gửi hội thánh Rô-ma

15Vì tôi không hiểu điều mình làm: tôi chẳng làm điều mình muốn, nhưng làm điều mình ghét… 21Vậy tôi thấy có luật nầy trong tôi: khi tôi muốn làm điều lành, thì điều dữ dính dấp theo tôi. 22Vì theo người bề trong, tôi vẫn lấy luật pháp Ðức Chúa Trời làm đẹp lòng; 23nhưng tôi cảm biết trong chi thể mình có một luật khác giao chiến với luật trong trí mình, bắt mình phải làm phu tù cho luật của tội lỗi, tức là luật ở trong chi thể tôi vậy. 24Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy? 25Cảm tạ Ðức Chúa Trời, nhờ Ðức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta! Như vậy, thì chính mình tôi lấy trí khôn phục luật pháp của Ðức Chúa Trời, nhưng lấy xác thịt phục luật pháp của tội lỗi (Romans 7:15,21-25).

Phao-lô lại nói về sự xung đột mà ông đã diễn tả trong Ga-la-ti, nhưng ở đây ông gọi đó là một luật, mà khi đã nói về luật thì nói về tính cách không dời đổi của nó, như luật về trọng lực hoặc sức hút của địa cầu, hoặc những luật khác điều khiển vũ trụ. Nhưng trong đoạn này Phao-lô giải thích thêm lý do của nan đề chung của nhân loại. Sự xung đột hiện hữu vì chúng ta có hai phần: 1) phần trong, tâm linh, hoặc tâm trí, và 2) phần xác, và hai phần luôn luôn xung đột với nhau.

Câu 25 dường như chỉ cho chúng ta một giải quyết cho cuộc xung đột, với giả định rằng xác thịt bị đánh ngã như được viết rằng: “Cảm tạ Ðức Chúa Trời, nhờ Ðức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta!” Nhưng có phải thực vậy không? Không, hoàn toàn không, vì nếu chúng ta đọc tiếp đến phần sau của câu 25 chúng ta sẽ thấy điều đối nghịch khi Phao-lô xác định sự hiện hữu của hai phần trong chúng ta luôn luôn đi đôi với nhau: xác thịt và tâm linh, khi ông viết: “Như vậy, thì chính mình tôi lấy trí khôn phục luật pháp của Ðức Chúa Trời, nhưng lấy xác thịt phục luật pháp của tội lỗi.”

Tâm trí, hoặc tâm linh, phần trở nên sống động khi chúng ta tiếp nhận Đấng Christ và Thánh Linh làm ấn chứng cho chúng ta trong ngày cứu chuộc, thì vốn yêu quý và tuân theo luật pháp Đức Chúa Trời. Phần này không cần phải được trợ giúp để đầu phục Chúa.

Còn phần xác thịt của chúng ta, phần thuộc bản chất tội lỗi, vốn là nô lệ dưới luật của tội lỗi. Hãy để ý đến cách dùng chữ NÔ LỆ, bày tỏ sự đầu phục hoàn toàn dưới luật đó khiến sự chống trả lại luật đó là một điều không thể xảy ra.

Phao-lô nhắc lại sự xác thịt không thể đầu phục Chúa trong Rô-ma đoạn 8 như sau:

5Thật thế, kẻ sống theo xác thịt thì chăm những sự thuộc về xác thịt; còn kẻ sống theo Thánh Linh thì chăm những sự thuộc về Thánh Linh. 6Vả, chăm về xác thịt sanh ra sự chết, còn chăm về Thánh Linh sanh ra sự sống và bình an; 7vì sự chăm về xác thịt nghịch với Ðức Chúa Trời, bởi nó không phục dưới luật pháp Ðức Chúa Trời, lại cũng không thể phục được (Romans 8:5-7).

Ở đây chúng ta đọc được rằng ngoài một thực trạng rằng xác thịt không chịu phục dưới luật pháp Đức Chúa Trời, nó cũng không thể phục được dù có thực sự muốn đi chăng nữa. Đây là một bài thảo luận rất đầy đủ về sự bước đi theo xác thịt: “Làm chết các việc của chi thể” có thể giúp chúng ta thấy một khía cạnh tai hại hơn về xác thịt, không phải để làm khí cụ cho tội tỗi, nhưng làm một khí cụ để đạt được sự công bình.

Để Chúa lèo lái cuộc đời?

Chúng ta có thể nêu câu hỏi này cách khác: Bạn có thể đầu phục Chúa được không? Đến đây chúng ta nhớ đến lời của bài hát “Tận Hiến” với câu đầu viết như sau:

Xin nguyện dâng chính con, Chúa đoái nhậm lời,
Jê-sus thân ái ôi, quyết dâng trọn đời;
Muôn sự dâng ở bàn thờ,
Xin vui dâng Chúa bây giờ,
Huyết Chúa mua thân, hồn này,
Nguyện đầu phục Ngài.

Lời bài hát nói lên sự sẵn lòng, một quyết định, của một người muốn tự mình đầu phục Chúa. Nhưng sứ đồ Phao-lô đã nói gì về bản chất tội lỗi của chúng ta? Từ Ga-la-ti và Rô-ma chúng ta nhận biết rằng xác thịt sẽ không bao giờ, và không thể, đầu phục luật pháp Đức Chúa Trời. Do đó nếu chúng ta áp dụng luận lý của Phao-lô vào bài hát này, thì dầu tác giả có muốn đầu phục Chúa, xác thịt của người đó cũng “không phục dưới luật pháp Ðức Chúa Trời, lại cũng không thể phục được.” Bài hát này phản ảnh tâm trạng của đa số tín hữu đã mệt mỏi về sự xung đột không ngừng và chỉ muốn tìm được nơi an nghỉ.

Sứ đồ Phao-lô khuyên chúng ta đừng tìm cách khắc phục xác thịt, nhưng bước đi trong Thánh Linh. Chúng ta thắng hơn được xác thịt không phải qua sự chiến đấu với nó bằng cách bắt nó phải phục, nhưng bước đi trong Thánh Linh. Điều này sẽ rõ ràng hơn khi chúng ta đi vào đoạn kế tiếp.

Bước đi trong Thánh Linh

Hi vọng đến đây chúng ta thấy rõ rằng trọng tâm của mục vụ KHÔNG PHẢI là sự bắt phục một thân xác bất khuất, vì số lượng của những chân lý chúng ta đã đọc cho thấy đó là một việc phí công vô ích. Chúng ta hãy mở rộng bối cảnh chung quanh Galatians 5:17 hầu có thể tìm thấy giải pháp cho nan đề này.

16Vậy tôi nói rằng: 16Hãy bước đi theo Thánh Linh, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt. 17Vì xác thịt có những điều ưa muốn trái với của Thánh Linh, Thánh Linh có những điều ưa muốn trái với của xác thịt; hai bên trái nhau dường ấy, nên anh em không làm được điều mình muốn làm. 18Nhưng, ví bằng anh em nhờ Thánh Linh chỉ dẫn, thì chẳng hề ở dưới luật pháp (Galatians 5:16-18).`

Có một vấn đề trong bản dịch tiếng Việt 1934 khiến ý nghĩa của câu 16 không được chính xác, mà còn có thể gây nhiều trở ngại trong đời sống đức tin. Xin liệt kê vài bản dịch khác dưới đây:

Tôi muốn nói rằng: Nếu anh chị em sống theo Thánh Linh thì sẽ không thi hành theo dục vọng xác thịt (VietNVB) But I say, live by the Spirit and you will not carry out the desires of the flesh (NET)

Chữ “and,” hoặc chữ “thì” trong bản VietNVB, được dịch ra từ chữ “καί” là một tiếp từ, conjunction, để nói lên điều sau là kết quả của điều trước. Ngoài ra bản dịch 1934 còn có một khuyết điểm lớn nữa là sự dùng chữ “chớ” để nhấn mạnh sự thi hành điều được viết ra sau đó, trái với ý nghĩa đúng của nó là kết quả của điều đi trước. Do đó bản dịch 1934 đặt trọng tâm vào sự thống trị xác thịt ngang hàng với sự bước theo Thánh Linh.

Trong đoạn này Phao-lô chỉ cho chúng ta cách để KHÔNG thỏa mãn những đòi hỏi của xác thịt, hay nói cách khác là để đạt được sự đầu phục Chúa, bằng cách bước đi theo Thánh Linh thay vì chiến đấu với xác thịt vốn là phần không thể phục dưới luật pháp Đức Chúa Trời.

Nhưng bước đi theo Thánh Linh nghĩa là gì? Cầu nguyện không ngừng? Trong trí óc đặt mình trong sự hiện diện của Chúa? Đọc Kinh thánh nhiều hơn?

Động lực thúc đẩy một người ước muốn sự đầu phục đến từ đâu? Phải chăng vì sự chiến đấu không ngừng giữa điều ác người đó chán ghét nhưng cuối cùng lại sa vào đó vì tâm thần thì muốn nhưng xác thịt yếu đuối?

Còn một điều quan trọng nữa mà chúng ta thường không để ý trong câu 18: “Nhưng, ví bằng anh em nhờ Thánh Linh chỉ dẫn, thì chẳng hề ở dưới luật pháp.” Luật pháp làm tăng cường độ của sự chiến đấu với xác thịt, như được viết trong 1 Corinthians 15:56 rằng: “sức mạnh của tội lỗi là luật pháp.” Khi một người sống dưới luật pháp, người đó có nhu cầu phải chế ngự xác thịt, để bắt nó phải phục, phải làm một điều nó không thể làm được: đó là phục dưới luật pháp Đức Chúa Trời. Câu 18 cho chúng ta thấy chính luật pháp là động cơ thúc đẩy cuộc xung đột đó, nhưng nhờ bước đi trong Thánh Linh chúng ta được thoát khỏi sự thống trị của luật pháp.

Đến đây chúng ta phải tự hỏi Đức Thánh Linh đóng vai trò gì trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời? Chúa Giê-su diễn tả vai trò của Đức Thánh Linh như sau:

8Khi Ngài đến thì sẽ khiến thế gian tự cáo về tội lỗi, về sự công bình và về sự phán xét. 9Về tội lỗi, vì họ không tin ta (John 16:8-9).

Chúa Giê-su giúp chúng ta dễ hiểu ý nghĩa thực của tội lỗi, của điều ngăn cách chúng ta với Đức Chúa Trời. Do đó trong sự giải thích vai trò của Đức Thánh Linh, Chúa Giê-su cho chúng ta thấy tội lỗi là sự chẳng đặt niềm tin nơi Ngài; khi một người đặt niềm tin nơi Đấng Christ, tội lỗi không còn là một vấn đề nữa.

Khi một người bước đi theo luật mới của Đức Chúa Trời: luật của Thánh Linh sự sống, nói rằng ai tin nơi Con Đức Chúa Trời thì có sự sống đời đời (John 3:36), người đó được thoát khỏi sự chiến đấu không ngừng để được kinh nghiệm sự yên nghỉ, hoặc đầu phục, mà không cần nỗ lực, như một trẻ thơ an nghỉ trong lòng mẹ. Đó là cách chúng ta bước đi theo Thánh Linh. Đó là cách chúng ta đến sự đầu phục; chẳng phải qua sự chiến đấu với thịt và huyết (Ephesians 6:12), nhưng bởi đức tin, bởi sự đặt niềm tin trong việc mà Đấng Christ đã làm trọn trên thập tự giá.

Sự tìm cách đầu phục qua nỗ lực của xác thịt là một tiến trình không ngừng nghỉ nhưng sẽ không bao giờ đưa chúng ta đến chỗ thực sự đầu phục Chúa, nhưng bước đi theo Thánh Linh là một việc làm một lần đủ cả khi chúng ta đặt niềm tin nơi Đấng Christ: Mọi sự đã được trọn! Nếu thế gian đã sai lầm về ý nghĩa của tội lỗi, thì họ cũng sai lầm về nỗ lực của họ để đầu phục. Vì tội lỗi không đến từ những sự vấp phạm, nhưng đến từ sự không đặt niềm tin nơi Đấng Christ, sự đầu phục cũng vậy, nó không phải đặt nền tảng trên sự tìm cách để bắt xác thịt mình phải phục, nhưng ở chỗ yên nghỉ nơi việc Đấng Christ đã làm trọn. Một bên là sự dâng của lễ thiêu đền tội cứ lập đi lập lại hằng năm, còn một bên là sự dâng một lần đủ cả bởi Đấng đến từ Đức Chúa Trời.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: and