Rô-ma Chương 3

Người Do-thái được ban lời phán của Đức Chúa Trời. Chúa vẫn là Đấng công bình dù những người tin Ngài thất bại về mọi phương diện. Ân điển Chúa sâu rộng không thể dò khi đặt trước bối cảnh của sự bại hoại của nhân gian. Cả nhân loại sống dưới sự nguyền rủa. Mục đích của luật pháp là để kết án cả nhân loại. Giảng về ân điển thì sẽ bị lên án là cổ động cho tội lỗi. Chẳng một ai nhờ luật pháp mà được xưng công bình. Sự công bình của Đức Chúa Trời được ban cho mọi kẻ tin. Được xưng công bình cách nhưng không. Vì sự cứu rỗi là nhờ ân điển và bởi đức tin, do đó không ai có thể khoe mình. Giảng về đức tin thì sẽ bị lên án là bài trừ luật pháp.

Lời Phán Của Đức Chúa Trời Về Sự Cứu Rỗi

1Vậy thì, sự trổi hơn của người Giu-đa là thể nào, hay là phép cắt bì có ích gì chăng? 2Ích lớn đủ mọi đàng. Trước hết là điều nầy: ấy là lời phán của Đức Chúa Trời đã phó cho dân Giu-đa (Romans 3:1-2).

Ở phần cuối của chương 2, Phao-lô đã cho thấy người Do-thái thật thì không phải là người chỉ chịu cắt bì bên ngoài về phần thân xác, nhưng là người mà tấm lòng được cắt bì bời Thánh Linh (chỉ nhờ đức tin). Ngược lại, một người không phải Do-thái dù chẳng chịu cắt bì, nhưng làm trọn mọi điều trong luật pháp (nói như một giả thuyết, vì chẳng ai có thể làm được trọn mọi điều trong luật pháp), thì lại là người Do-thái chân chính. Điều này dẫn đến một câu hỏi: vậy thì người Do-thái được lợi về điểm nào? Thực có một lợi điểm, nếu họ nắm lấy điều ấy, là vì qua họ Đức Chúa Trời bày tỏ chương trình cứu rỗi, sự đến của Đấng Mê-si, qua các tiên tri.

3Mà làm sao! nếu một vài người trong bọn họ không thành tín, thì sự không thành tín của họ có làm cho sự thành tín của Đức Chúa Trời ra hư không sao? 4chẳng hề như vậy! Thà xưng Đức Chúa Trời là thật và loài người là giả dối, như có chép rằng: Ấy vậy Chúa sẽ được xưng công bình trong lời phán của Ngài, Và sẽ được thắng khi chịu xét đoán (Romans 3:3-4).

Chữ “không thành tín” trong bản dịch Việt ngữ không được chính xác theo nguyên thủy trong tiếng Hy-lạp, chính ra phải dịch là i“không tin.” Phao-lô dường như có vẻ tự chế khi ông nhận xét rằng có một vài người Do-thái không tin vào Chúa Giê-su Christ, nhưng thực ra hầu hết họ không tin. Phải chăng điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời thất bại trong chương trình cứu rỗi của Ngài? Tôi vật lộn vời câu 3 trong một thời gian cho đến khi đi vào trong bản nguyên thủy tiếng Hy-lạp dựa theo Complete Word Study Bible do Eugene E. Carpenter, Warren Baker và Spiros Zodhiates. Dường như cả câu “làm cho sự thành tín của Đức Chúa Trời ra hư không” đã được dịch từ “καταργέω πίστις Θεός ὁ (katargéō pístis Theós ho)” trọn câu trong tiếng Hy-lạp, nhất là chữ pístis, đánh số 4102 trong Strong concordance, phải được dịch một cách chính xác hơn là: tín điều, hoặc niềm tin dựa trên Đấng Christ là Cứu Chúa của nhân loại.

Đó là ý nghĩa của câu 3. Dầu Đức Chúa Trời đã cho người Do-thái những lời tiên tri về Đấng Christ, sự chẳng tin của phần lớn trong bọn họ không thể khiến giao ước cứu rỗi bị mất giá trị, hoặc bị Đức Chúa Trời hủy bỏ. Để đến cuối cùng, những kẻ gây nghi ngờ về lời hứa của Chúa, sẽ bị vạch ra là kẻ nói láo, trong khi Đức Chúa Trời sẽ được chứng là chân thật.

Ân điển Chúa sâu rộng không thể dò

5Song nếu sự không công bình của chúng ta tỏ ra sự công bình của Đức Chúa Trời, thì sẽ nói làm sao? Khi Đức Chúa Trời giáng cơn giận thì Ngài không công bình sao? (Tôi nói như cách người ta nói). 6Chẳng hề như vậy! Nếu vậy thì Đức Chúa Trời đoán xét thế gian thể nào? 7Nhưng, nếu lẽ thật Đức Chúa Trời bởi sự nói dối của tôi mà được sự vinh hiển lớn hơn, thì sao tôi còn bị đoán xét như kẻ có tội? (Romans 3:5-7)

Tôi không rõ tại sao Phao-lô lại viết về điều này. Chính tôi sẽ không bao giờ đặt nên nghi vấn triết lý dường như có ý nói: Chúa cần tôi là người không công bình để Ngài được xưng công bình. Nhưng nếu trong cộng đồng tín hữu Rô-ma có nhiều người Hy-lạp thích triết lý, chắc họ sẽ hỏi, và đó là lý do Phao-lô viết nên điều này. Tôi sẽ không thèm trả lời câu hỏi này, vì những người hỏi như vậy chắc có lẽ chẳng cần nghe câu trả lời. Trong 1 Corinthians 1:22-23 Phao-lô đã viết rằng người Do-thái thì đòi những dấu hiệu, còn người Hy-lạp thì đòi triết lý, còn ông thì chỉ muốn giảng về sự Chúa chịu đóng đình. Có lẽ khi viết thơ Cô-rin-tô Phao-lô đã ý thức rằng trả lời những câu hỏi đó chỉ là vô ích.

Giảng về ân điển thì sẽ bị lên án là cổ động cho tội lỗi

8Vậy thì, sao chúng ta không làm sự dữ cho được sự lành, như kẻ gièm pha đã cáo và quyết rằng chúng ta dạy điều ấy? Sự đoán phạt những người đó là công bình. (Romans 3:8)

Có điều gì về Phao-lô, hay là điều ông thường rao giảng, khiến nhiều người kiện cáo rằng ông thúc dục người ta phạm tội? Phao-lô gọi đây là một sự kiện cáo không dựa trên sự thật. Nếu chúng ta đọc tiếp những phần sau của thơ Rô-ma sẽ thấy nguyên nhân của những sự kiện cáo này. Nhiều người hẳn đã kiện cáo ông dựa trên những điều Phao-lô đã truyền giảng nhiều nơi ông đã đi qua. Họ kiện rằng ông quá dễ dàng về vấn đề tội lỗi, rằng ông khiến ân điển trở nên rẻ mạt, rằng sự ông cứ giảng dạy về ân điển lạ lùng của Chúa khiến người ta phạm tội.

Phao-lô viết những người đó bị đoán phạt là đáng lắm. Tôi thấy những kẻ xuyên tạc Phao-lô có thể bị đoán phạt về hai phương diện. Một, hiển nhiên là vì họ bị đoán phạt chung với toàn thể thế gian. Hai, là vì Chúa đã mở một con đường mới qua Đấng Christ mà Phao-lô đang rao giảng, con đường cho kẻ có tội được sự sống cách nhưng không, nhưng những kẻ cậy luật pháp không thể chịu được để bất cứ ai được sự cứu rỗi dễ dàng như vậy, họ thà chịu sự đoán xét dưới luật pháp hơn nhìn nhận tình trạng tội lỗi tột cùng và hạ mình giống như những kẻ mà họ gọi là người tội lỗi. Làm sao họ được vào nước trời nếu họ không nhận ân điển nhưng không của Chúa? Đó là sự đoán phạt thứ hai mà Phao-lô đã cảnh cáo họ. Chúa Giê-su hẳn đã nói về những hạng người này trong ngụ ngôn người con hoang đàng, mà người anh đã phàn nàn với cha về sự quá dễ dãi với kẻ đi hoang trở về.

Cả nhân loại bị dưới sự nguyền rủa

9Thế nào! Chúng ta có điều gì hơn chăng? Chẳng có, vì chúng ta đã tỏ ra rằng người Giu-đa và người Gờ-réc thảy đều phục dưới quyền tội lỗi, 10như có chép rằng: Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không. 11Chẳng có một người nào hiểu biết, Chẳng có một người nào tìm kiếm Đức Chúa Trời. 12Chúng nó đều sai lạc cả, thảy cùng nhau ra vô ích; Chẳng có một người làm điều lành, dẫu một người cũng không. 13Họng chúng nó như huyệt mả mở ra; Dùng lưỡi mình để phỉnh gạt; Dưới môi chúng nó có nọc rắn hổ mang. 14Miệng chúng nó đầy những lời nguyền rủa và cay đắng. 15Chúng nó có chơn nhẹ nhàng đặng làm cho đổ máu. 16Trên đường lối chúng nó rặc những sự tàn hại và khổ nạn, 17Chúng nó chẳng hề biết con đường bình an. 18Chẳng có sự kính sợ Đức Chúa Trời ở trước mặt chúng nó. (Romans 3:9-18)

“Chúng ta” đây là ai? Rô-ma 1:5-6 (Romans 1:5-6) cho thấy dường như đa số thành phần tín hữu ở hội thánh Rô-ma là người không phải gốc Do-thái. Thế mà Phao-lô tốn nhiều tâm huyết tìm cách giúp họ đặt vấn đề luật pháp vào đúng chỗ của nó liên hệ đến sự cứu rỗi. Nhưng điều quan trọng là, Do-thái hoặc ngoại bang, hoặc Cơ-đốc Nhân trong thời đại chúng ta, mỗi nhóm người đều có luật pháp riêng, và như thế tất cả đều ở dưới quyền lực của tội lỗi.

Luật pháp có những ảnh hưởng khác nhau tùy theo hạng người. Người Do-thái thì suy nghĩ vì họ có luật pháp Môi-se, họ được nâng lên địa vị cao hơn người ngoại bang. Có lẽ họ được trấn an (dù có thể chỉ là ảo tưởng) rằng những của lễ hi sinh có hiệu năng cất đi tội lỗi của họ, và họ được trở nên người vô tội cho đến khi lại phải dâng của lễ nữa. Nhưng giả dụ sai lầm này cũng đầy dẫy trong thế giới người không thuộc gốc Do-thái. Họ cũng có luật pháp của lương tâm và cách riêng của họ để cúng tế hầu xoa dịu mặc cảm tội lỗi. Tôi đã từng gặp một người, sau khi tôi chia xẻ với ông về Đấng Christ, ông liền tự bênh vực sự công chính của mình bằng cách kể cho tôi nghe những trường hợp ông dùng kỹ năng về y khoa để giúp đỡ những thuyền nhân đang trên đường đi tìm tự do. Chính tổ phụ chúng ta cũng tìm cách che đậy tình trạng tội lỗi của mình bằng chiếc áo đan bằng lá cây.

Do đó Phao-lô thấy điều cần yếu để nhắc nhở họ về công việc thực sự của luật pháp: để bày ra sự hư nát bại hoại của họ, chứ không phải để đem lại sự công bình như họ tưởng.

Mục đích của luật pháp là để kết án cả nhân loại

19Vả, chúng ta biết rằng những điều mà luật pháp nói, là nói cho mọi kẻ ở dưới luật pháp, hầu cho miệng nào cũng phải ngậm lại, cả thiên hạ đều nhận tội trước mặt Đức Chúa Trời; (Romans 3:19)

Những ai ở dưới luật pháp? Rõ ràng Phao-lô viết thơ này cho hội thánh Rô-ma, do đó thành phần đọc thơ này hẳn đa số phải là “dưới luật pháp.” Nhưng nếu chúng ta đọc trước Rô-ma 6:14 (Romans 6:14), Phao-lô nhắc nhở hội thánh về sự kiện thực hữu là họ phải biết mình KHÔNG ở dưới luật pháp. Nhưng bằng chứng là Phao-lô đã phải viết thư này, do đó họ cần kiểm lại cho đúng vai trò của luật pháp trong chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Luật pháp chỉ nói với những kẻ ở dưới luật pháp. Các bạn là người Cơ-đốc có ở dưới luật pháp không? Các bạn muốn ở dưới luật pháp? Nhưng Phao-lô nói bạn KHÔNG ở dưới luật pháp (Romans 6:14), vậy thì tôi không hiểu về điều gì? Theo đoạn Kinh thánh này, nếu bạn chọn ở dưới luật pháp, bạn phải ngậm miệng và nhận rằng mình đang ở trong sự sai lầm.

Chẳng một ai nhờ luật pháp mà được xưng công bình

20Vì chẳng có một người nào bởi việc làm theo luật pháp mà sẽ được xưng công bình trước mặt Ngài, vì luật pháp cho người ta biết tội lỗi. (Romans 3:20)

Trái với sự suy tưởng của đại đa số Cơ-đốc Nhân, việc làm dưới sự hướng dẫn của luật pháp không giúp đỡ họ trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời, và cũng chẳng giúp họ được sự công bình của Ngài. Thực ra, khi người ta càng cậy vào luật pháp, thì mặc cảm tội lỗi càng gia tăng, vì đó là công việc của luật pháp: gia tăng sự nhận biết tình trạng tội lỗi.

Sự công bình của Đức Chúa Trời được ban cho mọi kẻ tin

21Nhưng hiện bây giờ, sự công bình của Đức Chúa Trời, mà luật pháp và các đấng tiên tri đều làm chứng cho, đã bày tỏ ra ngoài luật pháp; 22tức là sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi sự tin đến Đức Chúa Jêsus Christ, cho mọi người nào tin, chẳng có phân biệt chi hết, 23vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. (Romans 3:21-23)

Ngoài luật pháp, có nghĩa là luật pháp không đóng vai trò gì trong sự đem lại sự công bình của Đức Chúa Trời, một sự công bình được ban cho những kẻ tin tách biệt khỏi sự đòi hỏi của luật pháp. Hơn thế nữa, phương cách Chúa ban quà cho nhân loại không phải chỉ có sau khi Đấng Christ đến, nhưng đã được tiên tri và những hình bóng từ xưa qua các tiên tri và Thánh Kinh Cựu Ước.

Chúa ban sự công bình này cho bất cứ ai tin, bằng nhau, và không phân biệt chi hết, vì thực ra chẳng có sự khác biệt gì giữa Cơ-đốc Nhân thiêng liêng hoặc yếu đuối: mọi người đều tội lỗi như nhau, từ giảng sư trên bục giảng cho đến người tội thấp hèn. Chúa Giê-su đã ám chỉ về sự ban cho này trong ngụ ngôn người làm công trong vườn nho (Matthew 20:1-16). Rải rác trong các thơ Phao-lô viết, chúng ta thấy ở đâu có sự cậy luật pháp, ở đó có sự khoe mình (Ephesians 2:8-9), và chúng ta sẽ đọc thấy trong câu 27 sự thách thức của Phao-lô cho những kẻ khoe minh trong luật pháp (Romans 3:27).

Được xưng công bình cách nhưng không

24Và họ nhờ ân điển Ngài mà được xưng công bình nhưng không, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Jêsus Christ. (Romans 3:24)

Xưng công bình nhưng không. Không có hàng chữ in nhỏ ở dưới. Không có chữ “thế nhưng.” Không cần thêm điều kiện gì cả. Không cần việc làm. Sự ban cho cách nhưng không này ngăn trở sự khoe mình của những người ỷ lại vào luật pháp để tôn mình vào địa vị cao hơn những kẻ khác. Vì mọi người đều phạm tội và thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, do đó chẳng một ai thiêng liêng hơn ai. Chắc chắn những điều Phao-lô viết ở đây không phải là mới lạ với những người ở cùng thời với ông, và chắc chắn đây cũng là lý do họ lên án Phao-lô là làm cho người ta dễ phạm tội (Romans 3:8). Sự rộng lượng đối với người con hoang đàng là duyên cớ gây nên sự bất bình của người anh: Cha ơi, cha quá dễ dãi với thằng em vô ơn, và không xứng đáng!

25Là Đấng Đức Chúa Trời đã lập làm của lễ chuộc tội, bởi đức tin trong huyết Đấng ấy. Ngài đã bày tỏ sự công bình mình như vậy, vì đã bỏ qua các tội phạm trước kia, 26trong buổi Ngài nhịn nhục; tức là Ngài đã tỏ ra sự công bình Ngài trong thời hiện tại, tỏ ra mình là công bình và xưng công bình kẻ nào tin đến Đức Chúa Jêsus. (Romans 3:25-26)

Của lễ chuộc tội được dâng lên ở một nơi gọi là ngai ân điển, nắp của hòm giao ước mà huyết của con sinh tế được vảy lên vào mỗi Ngày Lễ Chuộc Tội trong Thánh Kinh Cựu Ước. Nhưng sự rảy huyết lên ngai ân điển này, để tha tội, qua sự hy sinh của Chúa Giê-su là một biến cố một lần đủ cả, không được lập lại cho đến đời đời. Và ai xin thì sẽ được, miễn là tin.

Sự hy sinh của Chúa Giê-su có hiệu lực để tha tội cho toàn thể nhân loại từ buổi sáng thế. Thế còn sau khi Chúa sống lại và từ đó về sau? Nếu các tội lỗi sau đó không được kể, thì chắc Chúa Giê-su lại phải chịu đóng đinh nữa? Thực ra Phao-lô có nói đến điều này khi ông trích lời tiên tri trong Cựu Ước trong Thi-thiên 32 (Psalms 32; Romans 4:7-8).

Tóm lại, sự thành tín là của Chúa Giê-su chứ không phải của chúng ta. Chúng ta đặt niềm tin nơi Chúa, nhưng Ngài là Đấng thành tín đến nỗi hi sinh trên câp thập tự.

Ân-điển/Đức-tin = Không khoe mình

27Vậy thì sự khoe mình ở đâu? Đã bị trừ bỏ rồi. Bởi luật pháp nào? Luật pháp của việc làm chăng? Không phải, nhưng bởi luật pháp của đức tin; 28vì chúng ta kể rằng người ta được xưng công bình bởi đức tin, chớ không bởi việc làm theo luật pháp. (Romans 3:27-28)

Đến đây chúng ta phải thấy có một sự trái nghịch giữa đức tin và việc làm; trái nghịch về phương diện đâu là nguồn dẫn chúng ta đến sự công bình của Đức Chúa Trời, nhưng không trái nghịch về phương diện mỗi thứ đóng một vai trò khác nhau. Việc làm không được dùng với mục đích, và sẽ chẳng bao giờ, làm phương tiện dẫn đến sự công bình của Đức Chúa Trời. Và ngay cả khi việc làm được thực hiện qua một người, không thể nào là việc làm đến từ xác thịt, nhưng từ Đức Chúa Trời qua người đó hầu đến cuối cùng mọi vinh quang đều qui về Chúa. Công việc duy nhất, công việc được Chúa cho phép, là tin vào Đấng Chúa đã sai đến (John 6:29).

29Hay là, Đức Chúa Trời chỉ là Đức Chúa Trời của dân Giu-đa sao? Há chẳng phải cũng là Đức Chúa Trời của dân ngoại ư? Phải, Ngài cũng là của dân ngoại nữa; 30Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, là Đấng làm cho kẻ chịu cắt bì được xưng công bình bởi đức tin, cũng làm cho kẻ không chịu cắt bì được xưng công bình bởi đức tin nữa. (Romans 3:29-30)

Người Do-thái đã lầm lẫn khi nghĩ rằng vì họ được ban cho lời phán của Đức Chúa Trời, họ đương nhiên được cũng được ban cho sự công bình. Nhưng Phao-lô đã cho biết thực sự không phải như vậy. Được ban cho luật pháp chẳng có ích gì cho đến khi làm trọn mọi điều luật pháp dạy bảo, nếu không làm theo, thì dù đã cắt bì cũng kể như không; người ngoại không phải Do-thái dù không có luật pháp, nhưng nếu họ làm theo, thì còn được một phép cắt bì tốt hơn, đó là sự cắt bì trong tim. Chúng ta đã học về điều này trong phần trước của thư này. Thực ra Đức Chúa Trời có chương trình cứu rỗi cho cả người Do-thái và người ngoại.

Phao-lô đã động đến một vấn đề đối chọi với niềm tin của người Do-thái khi ông nói Đức Chúa Trời xưng công bình cho cả người ngoại bang là những người không có luật pháp, như ông đã viết về điều này trong câu 21 (Romans 3:21). Điều này dẫn đến sự kiện cáo thứ nhì rằng giáo điều của Phao-lô cổ động sự loại bỏ luật pháp, mà Phao-lô sẽ nói đến trong câu Kinh thánh tiếp theo sau. Sự kiện cáo thứ nhất nói rằng sự rao giảng của Phao-lô khiến cho người ta tìm cớ phạm tội (Romans 3:8). Do đó chúng ta không lấy làm lạ khi những người cậy luật pháp của thời Chúa Giê-su thấy trong Ngài những điều mà Phao-lô đang rao giảng trong thế gian, và được ghi nhận lại trong thơ Rô-ma.

Giảng về đức tin thì sẽ bị lên án là bài trừ luật pháp

31Vậy, chúng ta nhơn đức tin mà bỏ luật pháp hay sao? Chẳng hề như vậy! Trái lại, chúng ta làm vững bền luật pháp. (Romans 3:21)

Ai là kẻ nói rằng những người nói nhiều về sự cứu rỗi bởi ân điển qua đức tin thì cố tìm cách loại bỏ luật pháp? Chẳng hề như vậy! Chính là vì luật pháp mà Chúa Giê-su đã phải chết trên cây thập tự. Luật pháp sẽ còn lên tiếng mãi hầu cho mọi miệng phải ngậm lại, và mọi người phải thấy họ thiếu mất sự vinh hiển của Chúa là dường nào.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and