Ga-la-ti Chương 5

Phao-lô kêu gọi tín hữu Ga-la-ti đứng vững trong sự tự do trong Đấng Christ, đứng vững trước áp lực trở về với luật pháp qua phép cắt bì (hay là sự xưng công bình bởi sự tuân theo luật pháp). Bước đi trong Thánh Linh, thay vì cậy luật pháp, hầu họ có thể sống trong tình yêu thương, và sanh bông trái Thánh Linh.

Thoát khỏi luật pháp

1Đấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do; vậy hãy đứng vững, chớ lại để mình dưới ách tôi mọi nữa (Galatians 5:1).

Sự tự do trong Đấng Christ chẳng có liên hệ gì với "tự do" phạm tội, nhưng đó là sự được thoát khỏi án phạt cho mọi người mang bản chất tội lỗi: "Linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết. (Ê-xê-chiên 18:20)" Đó là sự tự do khỏi sự lên án làm kiệt quệ của tội lỗi và một lương tâm đầy mặc cảm xấu xa. Vì vậy nếu ai lo ngại rằng người Cơ-đốc Nhân tự do có thể bị cám dỗ phạm tội thì nên xin thẳng từ nơi Chúa sự bảo đảm rằng Đức Thánh Linh có đủ quyền năng và sự khôn ngoan để đừng bị những Cơ-đốc Nhân đó qua mặt; vả lại nếu Đức Chúa Trời không ngại khi ban lời hứa cách rộng rãi, thì tại sao bạn lại lo lẳng? Ngài không những sẽ chỉ cáo trách mỗi người về những điều họ cần sửa đổi, mà còn ban cho sức thiêng của Đấng dựng nên trời đất muôn vật để đổi thay theo đường hướng Ngài biết rõ hơn bất cứ người phàm xác thịt nào, kể cả chính bạn là người có lòng lo tưởng đển đời sống của người khác. Đức Chúa Trời không mù lòa và có quyền năng thấy được những điều sâu kín trong lòng người, và Đấng đã khởi đầu làm việc lành trong đời sống con cái Chúa sẽ làm trọn cách hiển vinh.

“Ách tôi mọi,” trong văn mạch của đoạn Kinh thánh này, không nói về tội lỗi mà người ta thường vấp phải; và tôi chắc chắn 100% rằng đây là điều chúng ta thường hiểu qua các bài giảng hoặc sách vở. Nhưng đây là ách nô lệ đúng ý nghĩa của nó: gánh nặng của sự tuân giữ luật pháp để thỏa điều kiện của Đức Chúa Trời về sự công bình. Vấn đề cắt bì của người Ga-la-ti chỉ là một chấm nhỏ trong dãy núi mờ ảo của hoặc làm hoặc tránh, việc nọ việc kia, trong thế giới của người ngoại, hoặc người ngoài Đấng Christ.

Vì vậy hãy đứng vững. Đừng để sự sợ bị đoán phạt của những người cậy luật pháp đẩy bạn trở về với luật pháp, vì chẳng một ai bởi sự tuân theo các điều luật pháp dạy bảo có thể đạt được sự công bình của Đức Chúa Trời, và một khi bạn giữ một điều, bạn phải giữ hết.

Luật pháp qua phép cắt bì

2Tôi là Phao-lô nói với anh em rằng, nếu anh em chịu làm phép cắt bì, thì Đấng Christ không bổ ích chi cho anh em hết. 3Tôi lại rao cho mọi người chịu cắt bì rằng, họ buộc phải vâng giữ trọn cả luật pháp (Galatians 5:2-3).

Phao-lô lập lại điều mình đã nói. Phép cắt bì nghe dường vô hại và còn có công dụng làm vơi đi sự cắn rứt của lương tâm đầy mặc cảm tội lỗi nhưng thực ra lại gây một hậu quả tai hại hơn; thay vì đem người giữ nó lại gần Chúa, lại khiến họ xa cách Ngài hơn. Luật pháp—đến bởi sự phân biệt thiện ác—, đã khiến A-đam và Ê-va lẩn trốn Đức Chúa Trời, và cũng sẽ khiến kẻ cậy luật pháp chịu một hậu quả tương tự. Giữ một điều thì phải giữ hết. Sự cậy vào luật pháp là con đường của thế gian, không phải là con đường của những kẻ mà Đấng Christ đã trả một giá rất cao để cho họ được tự do.

Mất ân điển vì cậy vào luật pháp

4Anh em thảy đều muốn cậy luật pháp cho được xưng công bình, thì đã lìa khỏi Đấng Christ, mất ân điển rồi (Galatians 5:4).

Đã từ lâu lắm, nhiều Cơ-đốc Nhân giữ một sự hiểu biết sai lầm rằng nếu họ cứ bị sa ngã vào những tội lỗi dễ vấn vương, ngã tới ngã lui, thì Chúa có thể lìa bỏ họ, vì họ có thể trật phần ân điển. Thực ra theo câu Kinh thánh trên, sự thực ngược lại như vậy. Người yếu đuối và dễ vấp phạm nhất lại là người cần Chúa nhất, nhưng người trật phần ân điển lại là người cậy luật pháp, người phạm điều cấm kỵ này: cậy vào luật pháp để được xưng công bình.

Bởi đức tin và nhờ Thánh Linh

5Về phần chúng ta, ấy là bởi đức tin và nhờ Thánh Linh mà chúng ta được nhận lãnh sự trông cậy của sự công bình (Galatians 5:5).

Một số bản tiếng Anh, chẳng hạn như NIV dịch như sau: “Ấy là nhờ Thánh Linh chúng ta đang ngóng đợi sự công bình mà chúng ta trong mong,” bản NET (New English Translation) thêm một trạng từ thành “ngóng đợi cách tin quyết.” Đây là một sự ngóng đợi giống như trong Hê-bơ-rơ 11:1, “Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy.” Sự trông cậy này không tùy thuộc vào khả năng của cá nhân để mua chuộc, trao đổi công sức, để nhận được, vì người trông cậy như thế không chắc mình có nhận được hay không. Đức tin “biết chắc vững vàng” là đức tin đẹp lòng Đức Chúa Trời, tin vào bản tính Đức Chúa Trời không thể nói dối.

Đức tin đến bởi tình yêu

6Vì trong Đức Chúa Jêsus Christ, cái điều có giá trị, không phải tại chịu phép cắt bì hoặc không chịu phép cắt bì, nhưng tại đức tin hay làm ra bởi sự yêu thương vậy (Galatians 5:6).

Thêm vào những nghi lễ và qui luật không bổ túc thêm gì vào điều Đấng Christ đã làm trọn. Lại thêm vào đó, đức tin chỉ có thể vận hành qua tình yêu thương, chứ chẳng qua sự tuân theo những điều luật pháp dạy biểu. Dưới luật pháp, hay bất cứ loại qui luật nào, tình yêu sẽ bị nghẹt ngòi, đức tin sẽ bị dập tắt. Đây chính là điều Phao-lô viết trong câu 3:12 rằng luật pháp không phải đồng một thứ với đức tin, và không đồng một thứ thì không trộn lẫn được.

Đức tin tăng trưởng nhờ tình yêu, còn luật pháp thì hoạt động qua sự sợ hãi, đó là sợ hãi bị trừng phạt. Nếu chúng ta sống dưới sự kềm tỏa của luật pháp, thì động cơ thúc đẩy chúng ta làm việc lành không phải là tình yêu—Cô-rin-tô thứ nhất đoạn 13 nói có những người sẵn sàng hy sinh trên giàn hỏa thiêu nhưng thực sự không có tình yêu thương. Họ bị thúc đẩy bởi luật pháp.

Men của người Pha-ri-si

7Anh em chạy giỏi; ai đã ngăn trở anh em đặng không cho vâng phục lẽ thật? 8Sự xui giục đó không phải đến từ Đấng gọi anh em. 9Một ít men làm cho dậy cả đống bột. 10Trong Chúa, tôi đối với anh em có lòng tin cậy nầy, là anh em chắc không có ý khác; nhưng kẻ làm rối trí anh em, bất luận người nào, sẽ chịu hình phạt về điều đó (Galatians 5:7-10).

Chúa chính là Đấng đã khởi đầu kêu gọi họ, do đó tiếng gọi họ trở về với luật pháp hẳn phải thuộc về những kẻ không đáng tin cậy.

Làm sao Phao-lô biết câu ngắn ngủi Chúa đã phán với các môn đệ trước kia? Hay là ông là một trong những người Pha-ri-si đang rình rập và lắng nghe những lời Chúa phán nhưng chưa được Ngài mở lòng để hiểu? Nhưng bây giờ thì ông hiểu, Chúa Giê-su đã nói về chính ông, và bây giờ ông dùng những lời đó để chống lại những người cậy luật pháp vẫn còn đang hăng say hoạt động trong thân thể Đấng Christ ở Ga-la-ti.

Một chút men, một điều lệ nho nhỏ, chớ đụng, chớ rờ, thêm một giềng mối, thêm một hàng (Ê-sai 28:10,13), đủ để cả hội thánh vấp ngã. Nghe rất thiêng liêng và không tiếc chính bản thân, nhưng chẳng thêm gì vào điều thực sự đẹp lòng Đức Chúa Trời. Ngược lại, những qui luật này khiến tín hữu thôi chú nhìn vào Đấng Christ, như chú nhìn vào chính mình và người khác, thấy dằm trong mắt người khác nhưng không thấy đà trong mắt mình, rồi kết quả là gây gổ và sự theo đuổi hư danh.

Phao-lô chẳng hề giảng dạy luật pháp

11Hỡi anh em, về phần tôi, nếu tôi còn giảng phép cắt bì, thì sao tôi còn bị bắt bớ nữa? Sự vấp phạm về thập tự giá há chẳng phải bỏ hết rồi sao? 12Nguyền cho kẻ gieo sự rối loạn trong anh em thà họ tự chặt mình là hơn! (Galatians 5:11-12)

Chắc có lẽ có nhiều phần tử thuộc nhóm cậy luật pháp xuyên tạc sự giảng tin lành của Phao-lô rằng ông nhìn nhận phép cắt bì là một yếu tố cần thiết của đạo. Ông phủ nhận điều này vì hai lý do: thứ nhất, nếu quả thực vậy thì tại sao họ vẫn bắt bớ ông? và thứ hai, họ sẽ không bị buộc tội vấp phạm về thập tự giá khi họ trở lại với phép cắt bì. Nhóm cậy luật pháp xuyên tạc Phao-lô hầu cho sự cổ động trở lại với phép cắt bì dường như được sự ủng hộ của nhà truyền giáo nổi tiếng nhất thời bấy giờ.

Thực hành sự yêu thương

13Hỡi anh em, anh em đã được gọi đến sự tự do, song chớ lấy sự tự do đó làm dịp cho anh em ăn ở theo tánh xác thịt, nhưng hãy lấy lòng yêu thương làm đầy tớ lẫn nhau (Galatians 5:13).

Thế nào cũng có những trường hợp có người ỷ lại vào sự tự do và đi quá trớn, nhưng câu này không phải viết nên để cất đi sự tự do, nhưng công nhận sự tự do, vì nếu sự tự do này có điều kiện, thì sự lấy đi tự do hẳn phải là một sự đe dọa rồi. Sự tự do này vô điều kiện, đến nỗi có kẻ dám lợi dụng.

Điều này cũng giống như 1 Cô-rinh-tô 10:23: “Mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt.” Mọi sự nghĩa là: mọi sự. Người Cơ-đốc Nhân được trọn vẹn quyền miễn trừ ngoại giao (diplomatic immunity) trong quê hương tạm này.

Trong quyền miễn trừ và tự do trọn vẹn, người Cơ-đốc Nhân có thể tự do yêu thương, làm công việc Chúa không vì ép uổng, nhưng vui lòng làm nô lệ vì tình thương, để phục vụ, từ tấm lòng được sải cánh tung bay.

14Vì cả luật pháp chỉ tóm lại trong một lời nầy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình” (hoặc theo bản King James “Vì cả luật pháp được làm trọn trong một lời này: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình.”—Galatians 5:14)

Theo Jamieson, Fausset và Brown, bản Kinh Thánh cổ nhất viết: “mọi luật pháp đã được làm trọn.” Dĩ nhiên chúng ta hiểu đó là chính Đấng Christ đã làm trọn mọi điều của luật pháp thay cho chúng ta. Ngài đã yêu thương, và kể tình thương đó cũng như của chúng ta, Ngài đã chết, và kể như chúng ta đã chết và chôn cùng Ngài; Ngài thực hiện công việc Đức Chúa Trời cách toàn hảo, và nhờ đó mọi tội lỗi chúng ta đã được thứ tha. Do đó tôi có thể nói cách không hổ thẹn rằng chính tôi đã làm trọn mệnh lệnh yêu thương của Đức Chúa Trời, vì tôi đã mặc lấy Đấng Christ, mà Ngài đã làm thay cho tôi.

Khi luật pháp làm chủ hội thánh Ga-la-ti, chắc chắn có nhiều vấn đề, vì luật pháp không đặt nền tảng trên đức tin, mà lại kích thích thêm việc làm của xác thịt. Làm sao có tình yêu nếu mỗi người dùng luật pháp để tìm lỗi của nhau? Đây là duyên cớ của tình trạng hội thánh Ga-la-ti:

Bông trái của xác thịt

15Nhưng nếu anh em cắn nuốt nhau, thì hãy giữ, kẻo kẻ nầy bị diệt mất bởi kẻ khác (Galatians 5:15).

Đây là dấu hiệu thường thấy trong những hội thánh đặt nền tảng trên luật pháp.

Bước đi theo Thánh Linh hay luật pháp?

16Vậy tôi nói rằng: Hãy bước đi theo Thánh Linh, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt. 17Vì xác thịt có những điều ưa muốn trái với của Thánh Linh, Thánh Linh có những điều ưa muốn trái với của xác thịt; hai bên trái nhau dường ấy, nên anh em không làm được điều mình muốn làm. 18Nhưng, ví bằng anh em nhờ Thánh Linh chỉ dẫn, thì chẳng hề ở dưới luật pháp.

Phao-lô chỉ họ con đường để họ ngừng cắn nuốt nhau: Bước đi theo Thánh Linh thay vì theo luật pháp, vì luật pháp làm tăng thêm sức mạnh của tội lỗi. Cô-rinh-tô thứ nhất đoạn 15 câu 56 nói rõ: “Cái nọc sự chết là tội lỗi, sức mạnh tội lỗi là luật pháp.” Do đó chúng ta có thể kết luận rằng kẻ cậy luật pháp là người sống theo xác thịt.

Việc làm của xác thịt

19Vả, các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, 20 thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, 21 ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy. Tôi nói trước cho anh em, như tôi đã nói rồi: hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời (Galatians 5:19-21).

Phao-lô liệt ra một số những việc làm của xác thịt. Đây là bản năng, và khả năng của mỗi người thuộc dòng dõi Ê-va, tiềm tàng trong huyết quản. Mỗi người trong chúng ta sở hữu một phần nào đó trong những việc làm của xác thịt đã được liệt kê, và những điều khác nữa không kể hết. Chẳng một ai ngoại lệ. Do đó mỗi người đều, trong bản chất tội lỗi mình, không được hưởng nước Đức Chúa Trời.

Bông trái của Thánh Linh

22Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhơn từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ: 23không có luật pháp nào cấm các sự đó (Galatians 5:22-23).

Những người bước đi theo Thánh Linh nhận được lời hứa mà những kẻ cậy luật pháp muốn mà không được. Chẳng có luật nào có thể khiến sanh bông trái Thánh Linh, ngược lại, luật pháp lại là nguồn sức mạnh cho tội lỗi.

Bản Việt ngữ dùng chữ cấm, như trong câu “không có luật pháp nào cấm các sự đó,” nhưng trong các bản tiếng Anh dùng chữ “against” mang một ý nghĩa khác, và chính xác hơn. Chúng ta biết có những luật “cấm”, cũng như có luật “phải làm.” Do đó câu này có thể được dịch như sau: “không có luật nào buộc phải làm những sự đó.” Ví bằng có người nghĩ rằng có luật phải sanh bông trái Thánh Linh thì ý tưởng đó không đặt trên nền tảng đúng, suy nghĩ theo lối xác thịt. Nếu trái sanh ra bởi thần linh thì luật pháp đóng vai trò gì?

Chúng ta đã đồng chôn cùng Đấng Christ

24Vả, những kẻ thuộc về Đức Chúa Jêsus Christ đã đóng đinh xác thịt với tình dục và dâm dục mình trên thập tự giá rồi (Galatians 5:24).

Để được xác thịt của chúng ta đã bị đóng đinh thì cũng là làm trọn mọi điều kiện của luật pháp, và do đó không còn dưới sự quản trị của nó nữa. Đây là một món quà tuyệt diệu cho chúng ta: chúng ta được kể như đã chịu chôn với Đấng Christ, nợ nần trả xong, được tuyên xưng là người vô tội.

Nói về phương diện thực tế, xác thịt chúng ta cùng với những tham dục của nó vẫn còn sống sờ sờ, nhưng trên phương diện địa vị, chúng đã được ban cho sự đồng chết cùng Đấng Christ để có thể được kể là hoàn toàn thánh sạch trong ngày Chúa trở lại tiếp đón chúng ta. Điều sai lầm các Cơ-đốc Nhân thường làm là đặt trọng tâm vào vấn đề tội lỗi và xác thịt yếu đuối và tìm cách tẩy trừ mọi dục vọng xác thịt mình. Chúa đã cho một bằng chứng qua cơn đại hồng thủy cho thấy sự bắt đầu lại với Nô-e cũng không tẩy trừ bản chất tội lỗi được.

25Nếu chúng ta nhờ Thánh Linh mà sống, thì cũng hãy bước theo Thánh Linh vậy. 26Chớ tìm kiếm danh vọng giả dối mà trêu chọc nhau và ghen ghét nhau (Galatians 5:25-26).

Tiếng gọi ở đây là chúng ta hãy lìa bỏ người thầy cũ là luật pháp mà cầm lấy tay Đấng Christ để bước đi trong Thánh Linh. Còn luật pháp chỉ kích thích sự khoe mình và danh vọng giả dối.

Bước đi theo Thánh Linh là cách duy nhất chúng ta có thể thực sự trở nên một dòng nước mát đưa sự bình an của Đức Chúa Trời đi khắp nơi Ngài đặt để chúng ta.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and