Ga-la-ti Chương 4

Phao-lô tiếp tục chứng minh với người Ga-la-ti rằng sự lệ thuộc của họ vào luật pháp chấm dứt khi Đấng Christ đến. Ông dùng hình ảnh người kế tự phục dưới quyền người quản lý cho đến khi trưởng thành. Phao-lô dùng sự tích Y-sác và Ích-ma-ên để chứng tỏ sự mong muốn của người Ga-la-ti được trở về dưới luật pháp là điều trái nghịch với tin lành tự do.

Định nghĩa nô lệ

1Vả, tôi nói rằng người kế tự dầu là chủ của mọi vật, mà đương còn thơ ấu, thì chẳng khác chi kẻ tôi mọi; 2phải ở dưới quyền kẻ bảo hộ và kẻ coi giữ, cho đến kỳ người cha đã định (Galatians 4:1).

1Vả, tôi nói rằng người kế tự dầu là chủ của mọi vật, mà đương còn thơ ấu, thì chẳng khác chi kẻ tôi mọi; 2phải ở dưới quyền kẻ bảo hộ và kẻ coi giữ, cho đến kỳ người cha đã định.

Chúng ta ai cũng yêu quí I Cô-rin-tô 13, nhất là những câu nói đến sự tương phản giữa con trẻ và kẻ thành niên.

9Vì chưng chúng ta hiểu biết chưa trọn vẹn, nói tiên tri cũng chưa trọn vẹn; 10song lúc sự trọn lành đã đến, thì sự chưa được trọn lành sẽ bị bỏ. 11Khi tôi còn trẻ, tôi nói như con trẻ, tư tưởng như con trẻ, suy xét như con trẻ; khi tôi đã thành nhơn bèn bỏ những điều thuộc về con trẻ. (1 Cor 13:9-11)

Chúng ta thường hiểu những câu này như thế nào? Tôi tin chắc đa số giải thích rằng con trẻ là những tín hữu trẻ tuổi, hoặc mới tin Chúa và còn nhiều điều cần học hỏi, chưa học thuộc nhiều câu gốc, v.v.. Nhưng xuống dưới đây chúng ta sẽ thấy ý nghĩa thực sự của con trẻ không phải như vậy. Tôi đang đi trước điều sẽ viết, nhưng ý nghĩa của con trẻ là một người vẫn còn sống dưới sự quản trị của luật pháp.

Làm sao chúng ta biết mình vẫn còn sống dưới luật pháp?

14Vả, dân ngoại vốn không có luật pháp, khi họ tự nhiên làm những việc luật pháp dạy biểu, thì những người ấy dầu không có luật pháp, cũng tự nên luật pháp cho mình. 15Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình. 16Ấy là điều sẽ hiện ra trong ngày Đức Chúa Trời bởi Đức Chúa Jêsus Christ mà xét đoán những việc kín nhiệm của loài người, y theo Tin Lành tôi. (Romans 2:14)></em>

Các bạn có thể không có mười điều răn như người Do-thái, nhưng có điều răn trong lòng, và bất cứ điều chi các bạn tin có thể ngăn cách, hoặc giảng hòa, với Đức Chúa Trời, điều đó trở nên luật pháp cho bạn.

Ấu trĩ trong đức tin

3Chúng ta cũng như vậy, khi còn thơ ấu, phải phục dưới các lề thói của thế gian (Galatians 4:3).

Bản King James: Even so we, when we were children, were in bondage under the elements of the world.

Chúng ta có thể hiểu “lề thói” nghĩa là những tục lệ, lề luật, thông lệ, v.v.; những sự dạy dỗ về đạo đức thông thường trong tôn giáo, giống những bài học cho trẻ em như các mẫu tự a, b, c (Jamieson, Fausset, and Brown). Theo Kinh thánh, sự chúng ta ở dưới những “lề thói,” hay phong tục, những nguyên tắc căn bản về vấn đề hành xử trong cuộc sống hàng ngày, là sự nô lệ. Nô lệ vì người sống dưới những “luật” đó chẳng làm được cho trọn vẹn, và cứ mãi mãi bị trách phạt.

Đoạn Ga-la-ti 3:10 viết: “Vì mọi kẻ cậy các việc luật pháp, thì bị rủa sả, bởi có chép rằng: Đáng rủa thay là kẻ không bền đỗ trong mọi sự đã chép ở sách luật, đặng làm theo những sự ấy!”, nghĩa là nếu chúng ta chọn sống theo luật pháp thì phải làm trọn mọi điều, không sót một luật nào. Chúa Giê-su thách thức người Pha-ri-si phải “trọn vẹn,” hay “perfect,” vì Đức Chúa Trời là trọn vẹn, và nếu không có sự trọn vẹn đó thì không vào được nước Đức Chúa Trời. Rõ ràng Chúa đặt họ vào chỗ họ phải nhìn nhận sự bất lực của mình và không cậy nơi những của tế lễ hèn mọn chẳng có thể cất đi mặc cảm tội lỗi từ trong bản chất hay hư nát.

Đây là lý do tại sao sự cậy nơi luật pháp để đạt được sự công chính của Đức Chúa Trời vừa là một ảo tưởng, vừa là sự khốn khổ cho người chọn con đường đó, mà sứ đồ Phao-lô thẳng thắn gọi đó là sự nô lệ.

Đã đến lúc cho một điều mới

4Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, (Galatians 4:4)

Cuộc Đại Suy Thoái, the Fall, khởi đầu khi loài người trật phần ân điển, khi họ quyết định chọn lựa luật pháp, biểu hiện qua sự phân biệt thiện ác, làm quản lý đời mình thay vì niềm tin đơn thuần nơi Đức Chúa Trời. Nhưng khi Đấng Christ đến, đó là khi Kinh thánh gọi là kỳ hạn được trọn. Tại sao Chúa để một khoảng cách dài như vậy trước khi Ngài ban Con Một của Ngài? Có lẽ cần phải lâu như vậy để loài người ý thức được bông trái ghê rợn và chết chóc của tình trạng tội lỗi mình: chiến tranh, tàn sát, dã man, v.v.; và để chứng minh rằng dù Ngài có ban cho họ mười ngàn năm nữa, sẽ chẳng một người công bình nào dấy lên trong vòng họ.

Từ nô lệ trở nên con cái

4Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sanh ra, sanh ra dưới luật pháp, 5để chuộc những kẻ ở dưới luật pháp, và cho chúng ta được làm con nuôi Ngài (Galatians 4:4-5).

Do đó thực là hợp lý rằng nếu Chúa chuộc chúng ta là những người dưới luật pháp, thì hẳn chúng ta phải được ra ngoài vòng kiềm tỏa của luật pháp. Từ tình trạng ấu trĩ đển sự trưởng thành trong địa vị làm con cái Đức Chúa Trời.

Được gọi Đức Chúa Trời là Cha

6Lại vì anh em là con, nên Đức Chúa Trời đã sai Thánh Linh của Con Ngài vào lòng chúng ta, kêu rằng: A-ba! Cha! 7Dường ấy, người không phải là tôi mọi nữa, bèn là con; và nếu ngươi là con, thì cũng là kẻ kế tự bởi ơn của Đức Chúa Trời.

Điều này đưa chúng ta trở lại đoạn Kinh thánh khi Phao-lô hỏi họ cách nghiêm trọng nhờ đâu họ nhận được Thánh Linh, bởi giữ luật pháp, hay bởi tin điều họ đã nghe. Chúng ta biết câu trả lời, rằng món quà quí giá nhất, Thánh Linh của Con Ngài vào lòng chúng ta, nào phải bởi việc lành nào chúng ta làm, mà bởi địa vị mới mà Chúa ban cho chúng ta: con cái Đức Chúa Trời. Chẳng bởi việc làm. Duy chỉ đức tin. Nghe dường như coi rẻ ân điển Chúa, nhưng thật ra vì một thực tế hoàn toàn trái ngược. Ân điển Chúa vô giá đến độ không một việc làm nào có thể xứng đáng với ân điển đó, đắt đến nỗi Con Trời phải tự hạ mình thành người rồi chịu đóng đinh trên cây thập tự. Do đó, kẻ cậy luật pháp để đạt được sự công bình của Chúa bị Kinh thánh gọi là kẻ đóng đinh Chúa lần thứ hai.

Những Kẻ Kế Tự Của Lời Hứa Không Được Trở Về Với Luật Pháp

8Xưa kia, anh em chẳng biết Đức Chúa Trời chi hết, thì làm tôi các thần vốn không phải là thần. 9Nhưng hiện nay anh em biết Đức Chúa Trời lại được Đức Chúa Trời biết đến nữa, sao còn trở hướng về lề thói hèn yếu nghèo nàn đó mà suy phục nữa ư? 10anh em hãy còn giữ ngày tháng, mùa, năm ư! 11Tôi lo cho anh em, e tôi đã làm việc luống công giữa anh em. 12Hỡi anh em, tôi xin anh em hãy giống như tôi; vì tôi cũng như anh em. Anh em không làm hại gì cho tôi.

Những “thần không phải là thần” đó là ai? Những người mà tín đồ Ga-la-ti đã tin tưởng, và cho họ quyền định đoạt điều kiện của sự cứu rỗi. Chúng ta không nên ngạc nhiên về điều này vì nhiều đời sống đã bị khốn khổ vì những lãnh đạo dẫn họ vào đường sai lạc. Người Ga-la-ti đã đặt trọn mối liên hệ với Chúa trong tay những người tìm lợi lộc trong sự thiếu hiểu biết của họ.

Bây giờ họ “biết Đức Chúa Trời,” cách trực tiếp, cách riêng tư, không cần người trung bảo nữa, hoặc bất cứ ai làm nhịp cầu giữa họ và Đức Chúa Trời.

Khi người Cơ-đốc Nhân cậy vào luật pháp, dù chỉ là một điều, có thể định đoạt giá trị của mối liên hệ giữa họ với Đức Chúa Trời, họ không tránh khỏi phải nhờ cậy một trung gian để đánh giá việc thành quả của họ. Nghe có vẻ là một việc thật dại dột, nhưng nhiều người Cơ-đốc Nhân quay trở về với những “lề thói hèn yếu” để “suy phục,” hay có bản dịch là “trở về làm kiếp nô lệ.” Những lề thói hèn yếu là những đạo đức luân lý của đời này, có vẻ khôn ngoan nhưng không có quyền năng kềm chế bản chất hay hư nát.

Sự quay về với luật pháp là một điều không thể coi thường được, vì sứ đồ Phao-lô lo rằng những công sức ông dìu dắt họ đến đức tin có thể bị luống công, nghĩa là rất có thể họ đã không có một niềm tin dẫn đến sự cứu rỗi, mà thực ra một niềm tin vào một quyền lực khác, không phải Đấng Christ.

Sứ Đồ Phao-lô Phân Giải Hoàn Cảnh Cá Nhân

13Anh em biết rằng ấy là đương lúc xác thịt yếu đuối mà tôi truyền Tin Lành cho anh em lần thứ nhứt, 14vì xác thịt tôi yếu đuối sanh ra sự rèn thử cho anh em mặc dầu, anh em cũng chẳng khinh tôi, chẳng chối tôi, mà lại tiếp rước tôi như một vị thiên sứ của Đức Chúa Trời, thật như chính mình Đức Chúa Jêsus Christ. 15Vậy thì sự vui mừng của anh em đã trở nên thể nào? Vì tôi làm chứng cho anh em rằng, lúc bấy giờ, nếu có thể được thì anh em cũng móc con mắt mà cho tôi. 16Tôi lấy lẽ thật bảo anh em, lại trở nên kẻ thù nghịch của anh em sao?

Mặc dầu trong chương trình lúc khởi đầu không bao gồm sự giảng tin lành cho người Ga-la-ti, nhưng vì bệnh hoạn mà ông đã phải nán lại, và kết quả là ông dùng cơ hội này giảng tin lành cho họ. Phao-lô nhắc lại thời gian đó khi họ tiếp đón ông cách trọng hậu bất kể tình trạng yếu đuối của ông là thể nào, khi ấy họ chắc đã nghe tin lành với lòng tràn đầy sự vui mừng và ngóng đợi, thế mà bây giờ ông trở thành kẻ thù của họ chỉ vì ông nói lên sự thật: rằng ân điển và luật pháp không thể đội trời chung, rằng sự cứu rỗi của họ có thể bị nguy kịch vì một việc bề ngoài có vẻ vô hại: phép cắt bì, và có lẽ nhiều luật lệ về sự tẩy rửa. Sự họ coi trọng nghi lễ này có lẽ cao đến độ Phao-lô trở nên kẻ thù nghịch.

Nỗi cưu mang trong lòng Phao-lô

17Người đó vì anh em mà sốt sắng, thì không phải là ý tốt; nhưng họ muốn anh em lìa bỏ chúng tôi, hầu cho anh em sốt sắng vì họ. 18Có lòng sốt sắng vì điều thiện thì tốt lắm, lúc nào cũng thế, không những khi tôi có mặt giữa anh em. 19Hỡi các con, vì các con mà ta lại chịu đau đớn của sự sanh nở, cho đến chừng nào Đấng Christ thành hình trong các con, 20ta muốn ở cùng các con và thay đổi cách nói; vì về việc các con, ta rất là bối rối khó xử.

“Người đó” có lẽ là những lãnh đạo cậy luật pháp trong hội thánh; quyến rũ người Ga-la-ti cách sốt sắng nhưng chẳng đem lại cho họ lợi ích gì vì điều họ đang cổ động là điều không tốt. Trong câu “họ muốn anh em lìa bỏ chúng tôi,” thì hầu như đa số các bản dịch Anh ngữ khác đều dịch như sau: “họ muốn loại anh em ra,” điều này có thể có ảnh hưởng giống như dứt phép thông công, làm người bị loại bỏ chịu mặc cảm như mất sự sống đời đời, và do đó trở nên lệ thuộc nơi các lãnh tụ cậy luật pháp. Sự rối trí của Phao-lô về đức tin của họ chắc phải quan trọng lẳm khiến ông sử dụng lời rất nặng nề, gọi họ là kẻ dại dột một số lần, và chẳng một lần khen ngợi họ về đức tin.

Những kẻ cậy luật pháp không hiểu mục đích của nó

21Hãy nói cho tôi, anh em là kẻ ưa phục dưới luật pháp, há không nghe luật pháp sao?

Há không nghe luật pháp sao? Các bản tiếng Anh dịch là “Há có hiểu luật pháp hay không? (NET Bible)” hoặc “Há có nghe luật pháp (thực sự) nói gì không?” Vì nếu họ nghe và hiểu, thì họ phải hiểu rằng luật pháp không đem lại sự công binh của nước Trời, không làm đẹp lòng Chúa, không đem lại sự thánh hóa, không trở nên trọn vẹn. Mục đích thực sự của luật pháp là khủng bố kẻ tuân theo cho đến khi họ thoát ly vào vòng tay Đấng chỉ duy mình Ngài có thể bắc nhịp cầu giữa Đức Chúa Trời và họ.

Luật pháp và ân điển qua một câu chuyện

Câu chuyện ngụ ngôn mà chúng ta sẽ đọc dưới đây được Đức Chúa Trời sắm sẵn qua đời sống Áp-ra-ham để cho chúng ta một hình bóng của những sự sẽ đến. Phương cách Ngài cứu chúng ta, từ ngàn xưa, ngày nay, và mãi mãi sẽ là: chẳng bởi xác thịt hay huyết thống, hoặc việc làm, hoặc nỗ lực con người, nhưng bởi lời hứa.

22Vì có chép rằng Áp-ra-ham có hai con trai: một là con của người nữ tôi mọi, một là con của người nữ tự chủ. 23Nhưng con của người nữ tôi mọi sanh ra theo xác thịt, con của người nữ tự chủ sanh ra theo lời hứa. 24Cả điều đó có một nghĩa bóng: hai người nữ đó tức là hai lời giao ước, một là lời giao ước tại núi Si-na-i, sanh con ra để làm tôi mọi ấy là nàng A-ga. 25Vả, A-ga, ấy là núi Si-na-i, trong xứ A-ra-bi; khác nào như thành Giê-ru-sa-lem bây giờ, thành đó với con cái mình đều làm tôi mọi. 26Nhưng thành Giê-ru-sa-lem ở trên cao là tự do, và ấy là mẹ chúng ta. 27Vì có lời chép: Hỡi đờn bà son, ngươi là kẻ chẳng sanh nở chi hết, hãy vui mừng; Ngươi là kẻ chẳng từng chịu đau đớn sanh đẻ, hãy nức lòng mừng rỡ và bựt tiếng reo cười, Vì con cái của vợ bị để sẽ đông hơn con cái của người nữ có chồng.”

Chúng ta thấy sự tương phản giữa nô-lệ/tự-do, việc-làm(huyết-thống, xác-thịt)/lời-hứa, Si-nai/Si-ôn, Cựu-Ước/Tân-Ước. Phải có một sự chuyển hướng, thay đổi về nền tảng, một sự thay đổi về người chúng ta nhận làm chủ để tuân theo.

Người nữ nô lệ và luật pháp

28Hỡi anh em, về phần chúng ta, chúng ta cũng như Y-sác, là con của lời hứa. 29Nhưng, như bây giờ, kẻ sanh ra theo xác thịt bắt bớ kẻ sanh ra theo Thánh Linh, thì hiện nay cũng còn là thể ấy. 30Song Kinh Thánh, có nói gì? Hãy đuổi người nữ tôi mọi và con trai nó; vì con trai của người nữ tôi mọi sẽ không được kế tự với con trai của người nữ tự chủ. 31Ấy vậy, hỡi anh em, chúng ta chẳng phải là con cái của người nữ tôi mọi, bèn là người nữ tự chủ.

“Đuổi người nữ tôi mọi và con trai nó?” Đây là một lời tuyên bố rất nghiêm trọng từ nơi Đức Chúa Trời và giờ đây được truyền lại qua lời viết của sứ đồ Phao-lô. Bạn nghĩ mình là ai? Bạn muốn chọn được đứng vào vị trí nào trong mối liên hệ với Chúa? Bạn có còn sống dưới luật pháp không?

Dầu vậy có một loại công việc được Đức Chúa Trời chấp nhận; đó là lời Chúa Giê-su phán trong Giăng 6:29: “Các ngươi tin Đấng mà Đức Chúa Trời đã sai đến, ấy đó là công việc Ngài,” bản NET Bible, và Amplified Version, dịch như sau: “Đây là điều Đức Chúa Trời đòi hỏi: hãy tin nơi Đấng Ngài sai đến,” và bản Living Translation: “Đây là ý muốn Đức Chúa Trời: đó là các ngươi tin Đấng Ngài sai đến.”

Hãy đuổi người nữ tôi mọi và con trai nó. Bạn có cậy một điều gì khác ngoài Đấng Christ để giữ mối liên hệ với Đức Chúa Trời? Bất cứ điều gì tựa như luật pháp trong đời sống bạn? Hãy đuổi nó đi, và đặt trọn niềm tin nơi Đấng Christ. Hãy gắng sức vào nơi AN NGHỈ của Chúa (Hê-bơ-rơ 4:11). Nếu có một việc làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, đó là nỗ lực để vào nơi ngày Sa-bát thuộc linh của Chúa, nơi tâm linh được bình tịnh vì tội lỗi được thứ tha, nơi Chúa Giê-su phán: mọi sự đã được trọn, và Ngài nghỉ. Đó là việc làm minh chứng đức tin.

(Một ý bổ sung. Đây là việc làm khó nhất cho tôi, tốn hơn 20 năm từ khi tin Chúa, để tìm được nơi an nghỉ).

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and