Ga-la-ti Chương 1

Phao-lô khởi đầu với sự nhấn mạnh về chức vụ sứ đồ của ông. Lời chúc thăm "ân điển và bình an", lời ông thường chúc trong những lá thư, là sự thách thức trực tiếp, hoặc lời nhắc nhở, với người Ga-la-ti rằng ấy là nhờ ân điển, chẳng phải việc làm, còn sự bình an thì họ sẽ không được hưởng nếu họ trở về với luật pháp.

Ông kinh ngạc vì người Ga-la-ti lại mau chóng quay về với luật pháp Môi-se, và ông gọi điều này là sự bóp méo tin lành; là sự trộn lẫn việc làm với ân điển. Ông cảnh cáo họ về "anathema," tiếng Hy-lạp dịch là "thuộc về ma quỉ và đáng bị rủa xả, nếu họ theo đuổi một tin lành mà chẳng phải là tin lành chỉ cậy nơi ân điển Chúa."

Ân điển và bình an

1Phao-lô, làm sứ đồ, chẳng phải bởi loài người, cũng không nhờ một người nào, bèn là bởi Đức Chúa Jêsus Christ và Đức Chúa Trời, tức là Cha, Đấng đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, 2cùng hết thảy anh em ở với tôi, gởi cho các Hội thánh ở xứ Ga-la-ti: 3nguyền xin anh em được ân điển và sự bình an ban cho bởi Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta (Galatians 1:1-3).

Ở vào thời điểm này, Giê-ru-sa-lem và Do-thái Giáo còn nhiều ảnh hưởng trong hội thánh Chúa vẫn còn trong thời kỳ phôi thai. Do đó có người đặt câu hỏi về quyền hạn và chức vụ sứ đồ của Phao-lô. Phần lớn những lời giảng của Phao-lô trong thơ này nhằm mục đích đem họ ra khỏi đường lối của thời Cựu Ước trong sự liên hệ với Chúa. Một lần nữa, Phao-lô lại đến với họ trong lời chào thăm "ân điển và bình an." Nhưng ý niệm ân điển không mang nhiều ý nghĩa đối với người Do-thái. Trong nhiều ngàn năm qua họ liên hệ với Chúa qua một hệ thống luật pháp, và hễ nơi nào có luật pháp, nơi đó chằng hề có ân điển, hoặc bình an.

Ân điển và bình an mang ý nghĩa gì cho chúng ta? Chúng ta chỉ thấy đó là những khái niệm mơ hồ, hay chúng ta sống đời sống Cơ-đốc Nhân trong một mối liên hệ với Chúa phản ảnh những sắc thái đó?

Điều gì khiến chúng ta kinh sợ Chúa? Hệ thống tín lý nào kéo dài mối kinh sợ đó mà Chúa đã phải dời non chuyển núi để đánh tan, kể cả việc ban Con Ngài lên cây thập tự vì chúng ta?

Được cứu hoặc tự cứu

4là Đấng phó mình vì tội lỗi chúng ta, hầu cho cứu chúng ta khỏi đời ác nầy, y theo ý muốn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta (Galatians 1:4)

Được cứu có nghĩa là chúng ta hoàn toàn không có khả năng để tự cứu lấy mình. Điều này đòi hỏi một niềm tin đơn sơ như của trẻ thơ. Khi một người Cơ-đốc Nhân, dù vô tình hay cố ý, làm một việc gì đó để được sự chấp nhận của Chúa, người đó đang thỏa mãn sự kiêu ngạo tâm linh của mình. Nếu hoàn toàn bất lực không tự cứu được mình, thì làm sao người đó bây giờ lại làm được điều tương tự với sự tự cứu lấy mình, đó là làm đẹp lòng Chúa? Ga-la-ti 3:3, trong vài chương tới, gạt bỏ ý niệm này một cách độc đáo: “Sao anh em ngu muội dường ấy? Sau khi đã khởi sự nhờ Đức Thánh Linh, nay sao lại cậy xác thịt mà làm cho trọn?”

Chúng ta hãy thử đọc qua vài bản dịch khác:

Bản King James: “Sao anh em ngu muội dường ấy? Sau khi đã khởi sự nhờ Đức Thánh Linh, nay sao lại cậy xác thịt để được trở nên toàn hảo?”

Bản International Version: “Sao anh em ngu muội dường ấy? Sau khi đã khởi sự nhờ Đức Thánh Linh, nay sao lại cậy xác thịt mà tìm đạt đến mục đích?”

Chúng ta nhận thấy những từ chính yếu này: “làm cho trọn,” “trở nên toàn hảo,” “đạt đến mục đích.”

Tất cả những từ này ám chỉ một điều gì đó chưa được trọn, chưa được toàn hảo, mục đích chưa đạt đến. Tôi hy vọng người đọc thấy sự nguy hiểm rình rập chung quanh, một chút men của người Pha-ri-si lẩn quất đàng sau những khái niệm có vẻ thiêng liêng nhưng chẳng có chất lượng, và tệ hơn nữa, có thể dẫn người Cơ-đốc Nhân vào đường sai trật.

Khởi đầu bằng Đức Thánh Linh có nghĩa là chúng ta phải ở điểm tận cùng những nỗ lực của xác thịt, để bước đi trong đức tin, và chẳng cậy vào một điều gì khác, dù chỉ là chút nỗ lực nào đó để được kể là người công chính. Một người được cứu thì vẫn mãi mãi cần được cứu cho đến khi được đội mão triều thiên vào nước Chúa. Nhiều Cơ-đốc Nhân … dại dột tin rằng họ có thể làm được điều gì đó để làm cho trọn điều mà Chúa Cứu Thế đã khởi đầu nhưng chưa được vẹn toàn, như thể mục đích tối hậu, mão triều thiên vinh hiển, sự công chính, tùy thuộc vào những gì họ sẽ làm sau khi được cứu.

Đây là điều cấm kỵ. Đã khởi đầu nhờ Thánh Linh, hãy đi đến cuối cùng nhờ Thánh Linh. Khởi đầu bởi ân điển, kết thúc bởi ân điển.

Lại có một câu Kinh Thánh nữa nói cùng một ý đó: “Vì trong Tin Lành nầy có bày tỏ sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi đức tin mà được, lại dẫn đến đức tin nữa, như có chép rằng: “Người công bình sẽ sống bởi đức tin.” (Rô-ma 1:17) Sống bởi đức tin, nghĩa là sống suốt quãng đời còn lại, từng giây, từng phút, bởi đức tin. Nhưng có người sẽ nói: nhưng đức tin phải đi đôi với việc làm. Để đáp lại tôi sẽ nói: Việc làm, nếu Chúa sắm sẵn, bạn hãy làm, nhưng nếu bạn đặt việc làm, hoặc không làm, là tiêu chuẩn đo lường sự cứu rỗi, hoặc mối thông công giữa bạn với Chúa, thì bạn đang cậy vào xác thịt, chứ không phải đức tin.

Tôi viết vòng vo Tam Quốc chỉ với một hy vọng là để dọn đường cho phần còn lại của toàn bộ lá thư này của Phao-lô để trưng dẫn những dấu hiệu, những giềng mối, của sự dùng luật pháp làm căn bản luôn tìm cách làm suy giảm sự trọng yếu của thập tự giá, sự trọn vẹn của Chiên Con đã bị hi sinh cho sự cứu rỗi của chúng ta.

Việc làm và vinh hiển

5Nguyền Ngài được vinh hiển đời đời vô cùng! A-men (Galatians 1:5).

Khi việc làm, dù nhỏ nhặt bao nhiêu, được đem vào đời sống Cơ-đốc Nhân, tương tự như men đem trộn vào bột, chúng ta cướp sự vinh hiển của Chúa. Chẳng một chút men nào được trộn lẫn, vì chỉ một chút xíu sẽ làm dậy cả đống bột, một chút xíu việc làm của xác thịt sẽ làm hỏng đức tin. Đây là lý do tại sao chúng ta dùng bánh không men khi dự tiệc thánh, cũng như bánh không men của người Do-thái trong lễ Vượt Qua.

Khi việc làm là trọng, sẽ có sự khen ngợi loài người, giải thưởng và tuyên dương, nhưng trong một ngụ ngôn của Chúa Giê-su, Ngài đã phán rằng tôi tớ chỉ làm công việc của mình, chẳng nên mong đợi phần thưởng. Khi chúng ta liên hệ với Chúa qua luật pháp, sự vinh hiển của Ngài là điều đáng kinh sợ, cũng như cảnh tượng chung quanh núi Si-nai khi Chúa đến trong vinh hiển để ban xuống bộ luật phán xét đời đời gọi là “Mười Điều Răn.” Sau khi ban cho nhân loại và để họ thử trong vài ngàn năm, Ngài phán: “Tất cả các ngươi phải nhận mình là người có tội và sa sút dưới sự vinh hiển Ta.” Là Đấng biết mọi sự, Ngài đã biết trước sự sa sút và yếu kém của họ, nhưng Ngài đã phải ban bộ luật để họ nhìn nhận tình trạng hư nát của mình.

Nhưng nếu chúng ta chọn để liên hệ với Ngài qua ân điển, chúng ta sẽ được bao phủ bởi huyết báu Chiên Con, với trọn vẹn sự công chính Chúa ban cho chúng ta cách rộng rãi, chúng ta được chìm ngập trong vinh hiển Chúa và chiêm ngưỡng Ngài với mặt để trần không che phủ.

Phao-lô dường như đang vội vã đi ngay vào trọng tâm của vấn đề, ông quên không nói lên lời cảm tạ về đức tin và tình yêu thương của họ. Có lẽ ông cảm xúc về sự vinh hiển của Chúa như nói đến trong câu 5 ở trên. Ông cảm nhận tin lành chân thật về “ân điển” của Đức Chúa Trời mà ông đã tận lực giảng giải cho người Ga-la-ti, đang bị trao đổi để lấy một tin lành giả. Chúng ta hãy đọc xem sự kinh ngạc của Phao-lô về sự họ chóng đi lạc là thể nào:

Lìa bỏ tiếng gọi của ân điển

6>Tôi lấy làm lạ cho anh em đã vội bỏ Đấng gọi anh em bởi ơn Đức Chúa Jêsus Christ, đặng theo tin lành khác. 7Thật chẳng phải có tin lành khác, nhưng có mấy kẻ làm rối trí anh em, và muốn đánh đổ Tin Lành của Đấng Christ (Galatians 1:6-7).

Họ đã “vội” bỏ ơn của Đấng Christ như thế nào? Theo một vài nguồn tài liệu, họ có thể đã bị những người Do-thái dụ dỗ trong vòng từ một đến ba năm sau khi Phao-lô lìa họ.

Chữ Hy-lạp dùng trong “anh em đã vội bỏ,” có thể mang ý nghĩa họ đã chọn để đứng trên một nền tảng khác. Sự lên án của họ về sự theo một tin lành khác là một điều nghiêm trọng, và chúng ta sẽ thấy tin lành khác này có liên hệ đến việc họ trở về với luật pháp.

“Ân điển của Đấng Christ” là phương cách duy nhất Chúa dùng để đưa chúng ta đến sự cứu rỗi, rồi sau đó, cũng như mệnh lệnh để chúng ta nhờ đó mà sống, đó là sống trong ân điển của Đấng Christ.

Sự “rối trí” sẽ là một điều hiển nhiên khi những người dưới sự lãnh đạo của chúng ta bị hoang mang vì không biết họ có thực được cứu hay không. Sự hoang mang là điều không tránh được khi chúng ta không đặt sự bảo đảm về sự cứu rỗi là mục tiêu chính trong chức vụ. Lại nếu người Cơ-đốc Nhân không biết chắc về sự cứu rỗi của họ, thì phẩm chất của công việc họ làm cho Chúa như thế nào? Ngài có sẽ chấp nhận các công việc mà họ nghĩ rằng đang làm cho Chúa? Nếu họ không biết chắc mình được cứu, thì mối liên hệ giữa họ và Đấng mà họ nghĩ mình đang hầu việc đó là gì? Đối với họ Chúa là ai? Điều gì thúc đẩy họ làm những công việc đó? Sự sợ hãi, hoặc sự vui mừng về sự cứu rỗi?

Tôi hy vọng những câu hỏi này làm vững chắc thêm lý luận của tôi rằng Mọi Điều Của Tôi Cho Đấng Chí Cao, My Utmost For His Highest (biết đâu Thomas A. Kempis có thể học được điều gì đó trong bài viết này), là giúp Cơ-đốc Nhân vững nền trong Đâng Christ và trong những sự Ngài đã làm cho họ. Người Ga-la-ti dù nhìn nhận Đấng Christ, họ một mực đòi phép cắt bì và các lề luật của Do-thái Giáo. Chúng ta là những Cơ-đốc Nhân trong thời đại này phải cẩn thận chớ thêm điều chi vào Tin Lành CHÂN THẬT của Đấng Christ, hay thêm vào bất cứ điều gì gây nên sự nghi ngờ trong lòng con cái Chúa về sự cứu rỗi của họ.

Tin lành chân thật: ân điển

8Nhưng nếu có ai, hoặc chính chúng tôi, hoặc thiên sứ trên trời, truyền cho anh em một tin lành nào khác với Tin Lành đã truyền cho anh em, thì người ấy đáng bị a-na-them! (Galatians 1:8)

“Chúng tôi,” gồm các sứ đồ, và ngay cả thiên sứ xuống từ trên trời, bất kỳ một người nào, được phép rao giảng một tin lành “khác.”

Đây là tin lành chân thật: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian … hầu cho bất cứ ai tin … được sự sống đời đời.” Dấu chấm hết ở sau chữ đời đời mang ý nghĩa chẳng còn một điều kiện nào khác cho sự cứu rỗi này.

Phao-lô cảnh cáo chúng ta về “Sự rủa xả của Đức Chúa Trời,” hoặc “a-na-them,” có nghĩa là “bị nguyền rủa đời đời,” nếu chúng ta làm suy giảm tin lành hoàn toàn dựa trên ân điển.

Chúa Giê-su đã thỏa mọi sự đòi hỏi của luật pháp bằng sự chết một lần đủ cả, do đó sự trở về với luật pháp sẽ đòi hỏi Ngài phải chết nhiều lần cho các tín hữu, vì họ sẽ còn phạm tội. Chúa cho chúng ta một dấu hiệu để coi chừng từ xưa trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký khi Môi-se đập vào tảng đá lần thứ hai, tảng đá này là hình bóng của Đấng Mê-si trong tương lai. Chúa đã cấm không cho Môi-se vào đất hứa để chứng tỏ sự nghiêm trọng và nguy hiểm của tin lành giả. Một lý do khác nữa có thể là sự Ngài cấm cản Môi-se, người trung bảo của luật pháp, vào đất hứa để chứng tỏ luật pháp không đóng vai trò gì trong nước của Ngài, vì mọi điều của luật pháp liên hệ đến bản chất hư nát của chúng ta, chứ chẳng liên hệ gì đến thân thể mới Chúa ban. Chẳng có chỗ nào cho luật pháp trong lòng người đã được sanh bởi Thánh Linh.

Tin lành khác

9Tôi đã nói rồi, nay lại nói lần nữa: Nếu ai truyền cho anh em một tin lành nào khác với Tin Lành anh em đã nhận, thì người ấy đáng bị a-na-them! 10Còn bây giờ, có phải tôi mong người ta ưng chịu tôi hay là Đức Chúa Trời? Hay là tôi muốn đẹp lòng loài người chăng? Ví bằng tôi còn làm cho đẹp lòng loài người, thì tôi chẳng phải là tôi tớ của Đấng Christ! (Galatians 1:9-10)

Phao-lô không lo lắng về những kẻ chẳng tin, kể cả những kẻ thù của Đấng Christ, nhưng về một hạng người nguy hiểm hơn: những người xưng nhận Đấng Christ nhưng bây giờ đang cổ động cho một tin lành khác từ trong hội thánh.

Phao-lô được Đức Chúa Trời kêu gọi

11Hỡi anh em, tôi nói cho anh em rằng, Tin Lành mà tôi đã truyền, chẳng phải đến từ loài người đâu; 12vì tôi không nhận và cũng không học Tin Lành đó với một người nào, nhưng đã nhận lấy bởi sự tỏ ra của Đức Chúa Jêsus Christ (Galatians 1:11-12).

Chẳng phải đến từ loài người. Không học từ ai. Nhưng bởi sự tỏ ra. Khi một điều gì đó được dạy, thì nó có nguồn gốc từ phàm nhân, và do một người dạy dỗ người khác. Nhưng sự tỏ ra mà sứ đồ Phao-lô giữ kín trong lòng đã không đến bởi ai dạy dỗ, do đó ông cũng không thể dạy cho chúng ta; điều ông nhận, ông chỉ được truyền lại cho chúng ta, y như ý muốn của Đức Chúa Trời. Một thầy giáo có thể là người toàn quyền sở hữu điều mình dạy và có quyền tự do thay đổi theo ý mình muốn, nhưng một người đưa tin phải bàn giao y theo mệnh lệnh của người chủ sứ điệp. Phao-lô tìm thấy sự đối nghịch giữa giáo lý của người Ga-la-ti và sứ điệp ông đang rao truyền. Sứ điệp ông đã rao truyền trước kia cho họ, không còn được phản ảnh trong điều ông thấy ngày nay.

Nhưng chúng ta phải biết tin lành là gì, và biết rằng cả cuốn Kinh thánh tuyên xưng tin lành, nhưng tự nó không phải là tin lành, chỉ có một phần, một phần rất nhỏ là tin lành. Tin lành chính là Chúa Giê-su, Đấng Christ, còn mọi sự khác, tử Sam-sôn và Đa-li-la đến Đa-vít và Bát-sê-ba, chỉ là bối cảnh xung quanh mà trong đó Chúa mang đến chương trình cứu rỗi cho toàn thể nhân loại.

Chúng ta lầm lẫn tai hại, dù không suy nghĩ như vậy theo lý trí, nhưng sống đời sống đức tin như thể tin lành đến từ loài người, khi chúng ta đặt trọng tâm vào hàng ngàn những chi tiết ghi nhận trong Thánh Kinh, rồi xem như chúng ngang hàng, hoặc còn quan trọng hơn, cội rễ của tin lành: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi …” Chúng ta nhường lại tin lành cho Billy Graham, và chú trọng vào mọi điều khác trừ ra vào … dịp lễ Giáng Sinh.

Cách Chúa gọi Phao-lô

13Vả, anh em đã nghe lúc trước tôi theo giáo Giu-đa, cách cư xử của tôi là thể nào, tôi bắt bớ và phá tan Hội thánh của Đức Chúa Trời quá chừng; 14tôi tấn tới trong giáo Giu-đa hơn nhiều người cùng tuổi cùng nước với tôi, tôi là người sốt sắng quá đỗi về cựu truyền của tổ phụ tôi. 15Nhưng khi Đức Chúa Trời, là Đấng đã để riêng tôi ra từ lúc còn trong lòng mẹ, và lấy ân điển gọi tôi, vui lòng … (Galatians 1:13-15)

Nếu Chúa đã để riêng Phao-lô từ trong lòng mẹ, thì hẳn Phao-lô đã chẳng nắm phần chủ động nào trong sự kêu gọi; cũng chẳng biết để vâng lời, hay chống trả, hoặc bất cứ điều gì có thể cho chúng ta lý do để dùng ông làm tấm gương để noi theo. Ông đang bận rộn bắt bớ những người theo Chúa.

Chúng ta sẽ thấy trong phần sau của sách này, Phao-lô nhấn mạnh chân lý quan trọng của sự cứu rỗi đặt nền tảng trên lời hứa của Chúa mấy trăm năm trước khi Ngài ban hành luật pháp, không khác gì sự Ngài gọi Phao-lô từ trong lòng mẹ, do đó chẳng ai được kể công gì, chẳng ai được phô trương về chính mình trong sự cứu rỗi.

Do đó sự Phao-lô được Chúa gọi ông từ trong lòng mẹ bởi ân điển cũng phản ảnh ý này; và nếu đó là cách Chúa gọi Phao-lô, Ngài cũng sẽ gọi chúng ta như vậy: vì ân điển và lòng thương xót của Ngài. Do đó nếu đây là cách Chúa cứu và kêu gọi chúng ta, thì sự khuyên giục các con cái Chúa mà chúng ta thường nghe: “ Vậy anh em hãy … (làm việc nọ việc kia)” trở nên vô ích, mà lại trái với Thánh Kinh. Tin Lành chằng phải đến từ loài người, do đó không được truyền đạt qua sự dạy dỗ, nhưng được tỏ ra, được rao giảng, không phải qua sự giáo huấn.

Phao-lô là sứ đồ cho người ngoại

16bày tỏ Con của Ngài ra trong tôi, hầu cho tôi rao truyền Con đó ra trong người ngoại đạo, thì lập tức tôi chẳng bàn với thịt và máu (Galatians 1:16).

Trước khi Chúa kêu gọi Phao-lô trong ân điển Ngài, Phao-lô nổi tiếng là người tuân giữ luật pháp Môi-se để đạt được một mức độ công bình nào đó—nhưng chúng ta biết từ Kinh thánh rằng ông không thể nào đạt được sự công bình của Đức Chúa Trời qua cách đó—, bây giờ Chúa Giê-su được tỏ ra trong ông, nghĩa là ông nhận sự công bình từ một nguồn khác, từ Con Đức Chúa Trời.

Tại sao Phao-lô không thấy cần phải tham khảo ý kiến từ những người khác, nhất là các sứ đồ? Cộng tác với những người đã được đồng hành với Chúa những năm tháng trước khi Ngài chịu đóng đinh hẳn phải là điều hợp lý? Chắc họ phải là những người có đủ điều kiện nhất để cộng tác với Phao-lô trong chương trình cứu rỗi quan trọng này? Có lẽ sứ đố Phao-lô đã trả lời những câu hỏi này rồi khi ông nhấn mạnh sứ điệp mà ông nhận được đến thẳng từ Đức Chúa Trời; đây là điều tương phản với những sự dạy dỗ thường tình của loài người; Phao-lô sẽ nói về điều này trong chương 4.

Tin lành là món quà Đức Chúa Trời ban cho mỗi cá nhân bởi đức tin nhận lấy, là tin lành không bị thay đổi về bất cứ phương diện nào, lá thơ giảng hòa giữa Thượng Đế và nhân loại phải được gửi đi một cách trọn vẹn. Nhưng nếu chúng ta đi ngược vòng thời gian để xem thế nào sứ điệp đã được “tỏ ra” ban đầu cho Phao-lô, rồi sau đó “dạy dỗ” cho nhân loại qua một chuỗi dài những tổ chức tín lý qua nhiều thế hệ, để thấy sứ điệp đó ngày này bị che phủ bởi nhiều lớp vỏ dầy của sự khôn ngoan của loài người với những sự dạy dỗ thường tình của đời này. Sự vui mừng về sự cứu rỗi bị thay thế bởi gánh nặng của luật pháp còn nặng nề hơn mười điều răn, nặng nề hơn vì chúng thường có tính cách mơ hồ, mỗi người áp dụng tùy ý riêng.

Không ai biết điều này rõ ràng hơn Phao-lô. Do đó chúng ta không ngạc nhiên khi thấy Phao-lô biết ông không thể hợp tác với các sứ đồ khác hoặc các lãnh đạo hội thánh, vì ông biết rõ họ sẽ thêm vào đó những văn từ, những điều kiện, không thua gì những văn từ luật pháp ngày nay. Kết quả của một sự hợp tác như vấy sẽ cản ngăn những người đang khao khát đến với tin lành duy chỉ nhờ ân điển, vì chắc họ sẽ được trình bày với một cái gì đó giống luật pháp hơn tình yêu thương vô điều kiện của Đức Chúa Trời.

Sự độc lập của Phao-lô

17Tôi cũng không lên thành Giê-ru-sa-lem, đến cùng những người đã làm sứ đồ trước tôi, song tôi đi qua xứ A-ra-bi; sau rồi trở về thành Đa-mách. 18Kế đó, mãn ba năm, tôi lên thành Giê-ru-sa-lem, đặng làm quen với Sê-pha, và tôi ở với người mười lăm ngày; 19nhưng tôi không thấy một sứ đồ nào khác, trừ ra Gia-cơ là anh em của Chúa. 20Thật, trước mặt Đức Chúa Trời, tôi quyết rằng điều tôi viết cho anh em đây chẳng phải là điều dối (Galatians 1:17-20).

Dường như có một lý do khiến Phao-lô giải thích những chi tiết của cuộc hành trình của ông, dù có vẻ không liên quan đến trọng tâm của lá thư này. Theo Jamieson, Fausset và Brown (tác giả sách giải kinh), Phao-lô bày tỏ sự độc lập của chức vụ sứ đồ của ông biệt riêng khỏi các sứ đồ khác. Như ông đã viết rằng tin lành mà ông nhận được không phải từ loài người, và ông cũng không cần phải tham khảo với ai.

Do đó những chi tiết ông chia xẻ liên quan đến những nơi ông đã đi qua trong những năm tháng đó là để chứng tỏ ông đã không nhận tin lành đó từ các sứ đồ, không được dạy dỗ bởi họ, nhưng trực tiếp từ Đức Chúa Trời. Điều này quan trong thể nào? Như chúng ta sẽ thấy trong phần sau của thư sự Phao-lô đối chứng với Phi-e-rơ về sự giả hình của ông, và vấn đề bó buộc cắt bì mà những sứ đồ khác đã không giải quyết theo đường lối Chúa. Có lẽ ông muốn họ quyết định chọn nghe ông, hoặc nghe những người khác đang cổ động cho một tin lành khác.

Phao-lô mà làm giáo sĩ sao?

21Sau lại, tôi đi qua các miền thuộc xứ Sy-ri và xứ Si-li-si, 22bấy giờ tôi còn là kẻ lạ mặt trong các Hội thánh tại xứ Giu-đê, là các hội ở trong Đấng Christ. 23chỉn các hội đó có nghe rằng: Người đã bắt bớ chúng ta ngày trước, nay đương truyền đạo mà lúc bấy giờ người cố sức phá. 24Vậy thì, các hội đó vì cớ tôi khen ngợi Đức Chúa Trời (Galatians 1:21-24).

Mọi vinh quang đều qui về Chúa, và đừng khen ngợi bất cứ người phàm xác thịt nào trong thiên mệnh cứu rỗi nhân loại. Chẳng một chút công trạng nào được kể cho ai, dù là người vĩ đại nhất trong thế gian.

Phao-lô, người không ai có thể tưởng là quan khâm sai của Đức Chúa Trời, người bắt bớ hội thánh Chúa, trưởng của những người Pha-ri-sê, người chẳng hề nghĩ đến sự đem vinh hiển đến cho Đấng Christ, vậy mà ông là người viết lá thư này. Môi-se, bỏ hết những kỳ vọng cứu dân tộc và thỏa lòng sống trong sa mạc trong vòng những người ngoài tuyển dân của Chúa; giải cứu dân Chúa khỏi vòng nô lệ Ai-cập là điều xa vời trong ý tưởng ông. Giô-na, ồ ông chán ghét dân thành Ni-ni-ve biết là bao.

Vậy mà họ là những người truyền bá tin lành vĩ đại nhất trong Kinh thánh. Công trạng của họ là gì? Họ đã nghe theo lời khuyên giải nào từ loài người về sự hầu việc Đức Chúa Trời? Chúng ta đào bới ra những bài học từ những vĩ nhân này (hay cũng chỉ là những thường nhân), hay là để bàng hoàng kinh ngạc về ân điển và lòng thương xót của Đức Chúa Trời? Phải chi nếu chúng ta đừng khen ngợi những người hay hư nát nữa, dù là họ hay chính chúng ta, và thay vào đó chú tâm đến “Sao có thể được? Vì Ngài, Thượng Đế, lại chết vì tôi?”

Chúa gọi Phao-lô để chỉ cho thế gian thấy Con Một của Ngài, nhưng thể gian cứ chú tâm nhìn Phao-lô, hi vọng một ngày kia Ngài cũng gọi họ như vậy. Chúa đã gọi một Phao-lô, và Ngài chẳng hề gọi ai khác như vậy nữa. Công việc của chúng ta là chú tâm nhìn đến Đấng là trọng tâm của lá thư mà Phao-lô viết. Thư này không nói về Phao-lô, nhưng về Đấng mà ông đang năn nỉ nài xin chúng ta hãy chú tâm. Đừng học điều gì về Phao-lô. Nhưng hãy tấn tới trong sự nhận biết Đấng đã chịu chết vì chúng ta.

Nghi Nguyen

- Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.

Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church's theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen

Filed under: , and